Chật vật ở miền nắng gió Ninh Thuận

05-04-2020 09:03 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời tiết ngày càng khắc nghiệt đối với Ninh Thuận- Vùng đất được ví như “chảo nóng” của miền Trung. Từ những cánh đồng cạn khô, ruộng rẫy héo quắt, sự âu lo, thảng thốt hiện rõ trên những khuôn mặt khắc khổ. Kéo dài từ các thung lũng lên sườn núi, hàng ngàn hộ gia đình làm nghề chăn nuôi cố nhẫn nại tìm nguồn thức ăn cho gia súc nhưng cỏ cây cũng lụi tàn.

Thắc thỏm qua ngày

Xoay chuyển đủ đường tìm nguồn nước cho đàn cừu của mình suốt từ đầu tháng 3 đến nay nhưng ông Nguyễn Văn Tụng ở thôn Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) vẫn phải buồn đau nhìn hơn 800 con cừu của mình gầy quắt từng ngày. Bán tháo đi thì lỗ nặng, ông Tụng xót xa: Ước tính riêng hai huyện Ninh Phước, Ninh Sơn có khoảng 900 hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề vì hạn hán. Đồng khô, ruộng cháy, cây cối tiêu điều. Đến nước uống cho gia súc cũng phải quan sát xem con nào có dấu hiệu mệt mỏi mới cho uống, cho uống thỏa thích sợ không cầm cự được lâu. Cầu trời đổ mưa mà mưa đâu chả thấy, chỉ toàn nắng và gió.

Dốc cạn gia sản đầu tư 2 héc ta đồng cỏ và 600 con dê nhưng từ sau Tết Canh Tý đến nay, trang trại của ông Kiều Văn Long (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) cũng bán dần bán mòn, kể cả dê đang vào thời kỳ sinh sản. Nhẩm tính, ông Long bảo: Chả riêng gì mình, nhiều trang trại khác cũng vậy. Lúa còn phải thu hoạch non cho bò ăn hoặc vớt vát trang trải qua ngày. Gia súc nếu không có thức ăn, cỏ chết khô, thiếu dinh dưỡng sinh dịch bệnh, lúc đấy có bán rẻ cũng không ai mua nữa.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa nước, với dung tích hơn 194 triệu mét khối. Vậy nhưng do hạn hán đến sớm, nhiệt độ lại tăng cao bất thường nên hầu hết các hồ nước đã khô kiệt, không còn nước phục vụ sản suất và chăn nuôi. Hàng loạt huyện như: Ninh Sơn, Ninh Hải, Bác Ái…phải tứ tán đi khắp nơi để kiếm thêm việc làm đắp đổi qua ngày. Những gia đình bám trụ thì sản xuất đến đâu thiệt hại đến đó.

Hồ khô, người khát ở xã Nhị Hà

Bà Nguyễn Thị Hồng và nhiều người dân ở thôn Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) buồn tiếc: Những cánh đồng lúa vừa qua giai đoạn trổ bông đều khô quắt, chỉ cắt cho bò ăn, không thu hoạch được gì cả. Một số gia đình thu hoạch về thì hạt lép kẹp, không dùng được lại mang đổ đi. Mọi năm hạn hán không đến sớm vây. Năm nay Tết xong đã khô rồi. Mọi sinh hoạt của đời sống đều bị đảo lộn hết. Ước tính có hơn 1.000 hộ gia đình ảnh hưởng nặng ở Ninh Sơn.

Sống bên mương Sáu (huyện Bác Ái) như thường lệ các năm trước, mỗi héc ta, gia đình ông Lê Văn Kính thu về 7 tấn lúa thì nay chỉ được hơn 1,5 tấn. Ông Kính cho biết: Mình sống cạnh mương mà còn thế chứ các hộ sống xa hơn thì gần như không còn gì để thu hoạch cả. Cứ tiếp diễn thế này người dân sẽ rất vất vả.

Ghi nhận tại xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam), nắng nóng kéo dài cũng đã khiến nhiều diện tích phải ngưng sản xuất, nhiều loại cây trồng như: Bưởi da xanh, mãng cầu, mít, bơ, ổi…Bị khô cháy. Thống kê sơ bộ của huyện Thuận Nam cho thấy, có trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng nặng, hàng ngàn héc ta hoa màu bị thiệt hại.

Ngoài lúa, vật nuôi chủ đạo là dê, cừu, Ninh Thuận còn có thứ mát tươi, ngọt ngào vẫy gọi hàng vạn người ùa về đó là những cánh đồng nho bạt ngàn chuyên chở khát vọng, tâm nguyện của bao thế hệ. Có người từ bỏ hẳn đời sống an nhàn nơi phố thị về làm bạn với ruộng vườn. Những làng nho, vựa nho truyền thống cũng chuyển mình hiến dâng cho đời sống loại quả, đồ uống có “giá trị đặc biệt” chẳng thua gì đồ ngoại nhập. Thế nhưng, nắng hạn cũng đã khiến những cánh đồng nho nối tiếp nhau bị ảnh hưởng.

Nhiều trang trại cừu đi rạc chân vẫn không tìm được đồng cỏ xanh và nước mát

Gian nan tìm hướng đi

Ông Lê Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) cho biết, từ nhiều tháng nay trên địa bàn không có mưa dẫn đến 525 ha đất phải ngưng sản xuất. Trong đó, có 450ha đất lúa và còn lại đất trồng cây hoa màu. Đặc biệt, đến nay toàn đã có 3,6 ha cây ăn quả/3 hộ dân bị chết khô, chủ yếu cây ổi, mãng cầu, bưởi da xanh. Ngoài ra, 3ha cây keo tràm hơn 4 năm tuổi bị héo khô.

Trước tình cảnh khó khăn diễn ra thời gian dài, xã Nhị Hà đưa ra giải pháp trước mặt là điều tiết nước cho diện tích cây ăn quả lâu năm. Bên cạnh đó, địa phương khuyến khích các nông dân nên dự trữ thức ăn, trồng cỏ bổ sung cho đàn gia súc.

Ông Bùi Anh Thọ (thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) buồn rầu cho biết: “Tôi chưa thấy năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay, nắng hạn đã làm cho hơn 6 sào cây ăn quả bị chết khô. Đa số các loại cây bị chết khô đều có trên 2 năm tuổi. Nhẫm tính, có khoảng 500 cây mãng cầu, 60 cây bưởi, 50 cây dừa, 30 cây xoài, vườn cà,…đều bị chết hoàn toàn”.

Ông Thọ chia sẻ thêm: “Mặc dù gia đình tôi đã bỏ kinh phí hơn 15 triệu đồng đào ao dự trữ nước để chống hạn. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn nước trong ao đã cạn kiệt. Nếu phải đi vay lãi thì giờ gánh nặng càng è lên vai. Để cứu vườn cây ăn quả, tôi phải đặt các bình nhỏ để mang nước tưới hàng ngày, thế nhưng do không đủ nước nên cây chết dần, chết mòn. Thiệt hại hàng trăm triệu đồng và còn gia tăng nữa. Không những vậy, đàn bò của gia đình tôi và nhiều hộ khác cũng không có cỏ ăn, trung bình gia đình phải bỏ khoảng 150 ngàn đồng để mua rơm rạ khô để cho bò ăn”.

Nhiều xóm làng xác xơ trong nắng gió

Tại huyện Ninh Phước, dù đã áp dụng nhiều biện pháp giảm nước tưới cho các loại cây tuy nhiên sông hồ đều cạn kiệt, một số loại vật nuôi ngã bệnh. Ông Kiều Thanh, chủ trang trại Thanh Kiều ở Ninh Phước chia sẻ: Cứ thế này càng nuôi càng lỗ nên không dám đầu tư gì cả. Tháng trước bán tháo gần hết nếu để lại giờ không khéo vật nuôi còi cọc.

Đước ví như “bầu sữa” khổng lồ của đồng nho, hồ Ông Kinh (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) có dung tích trên 800.000m3, làm nhiệm vụ cung ứng nước tưới chăm sóc cho trên 200 héc ta nho của tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, những ngày này, mực nước trong hồ sụt giảm đến mức báo động, nhiều chỗ trơ đáy, không thể bơm đẩy nước lên những cánh đồng đang khô khát.

Bốn đời gắn bó nghề trồng nho, anh Lê Văn Cường (trú xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) bộc bạch: Nghề này không thể bỏ được. Đây là vùng trọng điểm về nho và một số hoa màu khác của Ninh Thuận. Mình phải chiến đấu với khó khăn để khắc phục thôi. Hồ cạn nên phải chạy vạy tiền thuê người khoan giếng ngay tại ruộng. Chi phí để có một giếng khoan có nước mất 60-70 triệu đồng. Khi có giếng phải áp dụng thêm mô hình ống tưới tiết kiệm.

Nhớ lúc quay cuồng tìm ý tưởng, anh Cường bảo: Muộn phiền bủa vây, chỉ biết than vãn với cây. Bỏ nghề thì day dứt không đành,  mang mật nho đã tích trữ và ngâm trước đó đi đổi lấy lương thực, mua sách về đọc và đi khắp nơi học cách “khám” bệnh cho nho, tưới nước tiết kiệm cho nho. Mồ hôi bắt đầu đổ xối xả xuống ruộng. Chẳng mấy chốc, 5 sào nho cũng trụ được với nắng hạn. Quan trọng nhất là điều tiết nước tưới trong mọi hoàn cảnh, đoán được chính xác các dấu hiệu bệnh như: rệp lá, rầy, phấn trắng, nhện đỏ...Nếu để bệnh lan rộng ra, khó cứu nổi cả vườn nho, nhất là trong điều kiện thiếu nước.

Xuyên suốt 3 thế hệ, mọi sinh hoạt, nghi lễ của gia đình, dòng tộc đều có sự xuất hiện các thực phẩm từ nho, ông Nguyễn Niềm ở Khánh Hải (Ninh Hải) nhẩm tính, có thời điểm để ra được 1kg nho thương phẩm, người trồng phải mất 10 lít mồ hôi, 1 lít mật thì phải đổ ra hàng trăm lít mồ hôi. Tính thế để thấy hành trình cây nho thành “nữ hoàng”, nức tiếng như hôm nay, sức lực của nông dân bỏ ra không nhỏ. Bây giờ hạn hán thế này, công sức bỏ ra càng nhiều hơn. Phải áp dụng ngay mô hình tưới nước tiết kiệm thôi.

Trước tình thế khó khăn nhiều bề, để đảm bảo đời sống cho người dân, tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành, các huyện, thành phố tích cực triển khai các công tác ứng phó hạn hán. Song song với việc khuyến cáo tiết kiệm nước, đưa các sáng kiến tưới tiết kiệm vào ứng dụng thì cần nhanh chóng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với những biến đổi cực đoan của thời tiết. Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát các hồ, sông xem có thể cải tạo để nâng cao công xuất tích nước hay không. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận phải có phương án chi tiết điều tiết nước để hạn chế thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi của người dân.


Bài và ảnh Hà Văn Đạo-Công Tâm
Ý kiến của bạn