Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, sản lượng sụt giảm mạnh, đời sống người trồng mía lao đao.
Việc tìm hướng đi mới hoặc chuyển đổi cây trồng vẫn đang là bài toán nan giải.
Công nhiều, lãi ít
Bước vào tháng 3, các vùng nguyên liệu mía ở Khánh Hòa cấp tập vào mùa thu hoạch.
Ông Võ Văn Thành và hàng loạt người trồng mía đường ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết: Giá thu mua dao động 800-960 ngàn đồng/tấn.
So với các năm trước, giá thu mua mía đường năm nay có cao hơn.
Nhưng, thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh nhiều, các chi phí phát sinh tăng mạnh nên chỉ lấy công làm lãi.
Thêm một khó khăn khác người trồng mía Khánh Hòa đang phải đối mặt là giá nhiên liệu, công vận chuyển tăng mạnh.
Giá nhiên liệu, phân bón tăng liên tục. Nhiều gia đình phải gồng mình bám vào cây mía đường nhưng vẫn không có lời.
Tại Khánh Hòa có khoảng 200.000ha mía đường, trong đó thị xã Ninh Hòa chiếm trên 12.000ha.
Trước năm 2020 diện tích trồng mía được phủ kín ở Ninh Hòa nhưng niên vụ 2020-2021 ít người còn tha thiết với trồng mía đường, diện tích trồng thực tế giảm hơn một nửa.
Lãnh đạo UBND xã Ninh Tân cho biết: Đời sống người dân đang gặp khó khăn với cây mía. Dù đã nỗ lực hỗ trợ, động viên, vận động các doanh nghiệp giúp sức trong việc thu mua nhưng khô hạn nhiều tháng kéo dài, cây mía không phát triển được. Nhiều khu dân cư trước đây xem cây mía là chủ lực thì giờ chỉ trồng cầm chừng, không dám đầu tư mạnh.
Với diện tích trồng khoảng 1.500ha, nghề trồng mía đường ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) tập trung ở các xã: Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp... Dù giá thu mua có tăng, mía cho sản lượng đường 10 CCS trở lên nhưng công chăm sóc, cải tạo đất nhiều nên không có lãi.
Nhiều hộ dân ở xã sông Cầu buồn lo: Gắn với cây mía nhiều năm giờ đột ngột bỏ đi thì không đành nhưng đầu tư mạnh thì sợ thua lỗ.
Vậy nên nhiều hộ, kể cả trang trại mía cũng để trống rất nhiều diện tích đất.
Nghề trồng mía chi phí nhiều, lãi ít.
Tìm hướng đi hợp lý
Đã chuyển một phần đất mía sang trồng cây hoa màu khác, ông Nguyễn Văn Hải (Ninh Tây, Ninh Hòa) đánh giá: Thay vì để đất hoang mình chuyển sang cây khác phù hợp, có thêm thu nhập và giải quyết được lao động dôi dư trong gia đình. Hàng loạt hộ nông dân trồng mía khác ở Ninh Hòa cũng rục rịch chuyển đổi cây trồng cho phù hợp và có hiệu quả hơn.
Để cây trồng thích nghi được với điều kiện địa phương và các biến đổi bất thường của khí hậu, UBND thị xã Ninh Hòa đang đẩy mạnh xây dựng bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng.
Từ đó sẽ có những đánh giá sát thực, hiệu quả mức độ thích nghi đất đai tại vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Tăng cường kêu gọi đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp để chung tay hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận cây trồng mới hiệu quả hơn cây mía.
Theo đánh giá của các xã trọng điểm về trồng mía ở Khánh Hòa, cùng với quy hoạch các diện tích mía phù hợp thì những nơi thiếu nước tưới, đất đai khô có thể trồng rừng sản xuất.
Đối với khu vực có thể vận hành được hệ thống nước tưới nên trồng cây ăn quả, các loại rau phù hợp.
Trước thực trạng nghề trồng mía đường ở địa phương, Sở NN&PTNN Khánh Hòa đã nghiên cứu để phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở này sẽ có nhiều phương án, chính sách để hỗ trợ nông dân trồng mía.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện chuyển đổi 8.388,6ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao.