Chất vấn Quốc hội: Nóng vấn đề tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, chất kích thích

04-06-2019 14:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng chất kích thích rượu, bia, ma túy là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thời gian vừa qua, là nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại hội trường Quốc hội sáng và đầu giờ chiều 4/6 là về công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại  biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề: Việc sử dụng chất kích thích rượu, bia, ma túy của các tài xế gây ra nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, là nỗi lo của người dân khi tham gia giao thông. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về giải pháp để đấu tranh phòng ngừa, răn đe.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, xử phạt an toàn giao thông, kiểm soát giao thông có sự nỗ lực chung của lực lượng Cảnh sát giao thông nhưng hiện nay công tác này vẫn còn bất cập. "Chúng ta điều chỉnh vấn đề về trật tự an toàn giao thông mới trên cơ sở luật về giao thông đường bộ. Với phạm vi của luật và một số văn bản dưới luật thì quản lý, đảm bảo trật tự về an toàn giao thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu" - Bộ trưởng Bộ Công an lý giải.

Việc sử dụng chất kích thích rượu, bia, ma túy của các tài xế gây ra nhiều tai nạn giao thông là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi thêm về việc xin ý kiến Quốc hội ngày hôm qua về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia Quốc hội có xin ý kiến về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để tham khảo. Chủ tịch Quốc hội khẳng định không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông mà bởi luật hiện hành đã có quy định. Việc xin ý kiến ngày hôm qua là để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, không phải là biểu quyết thông qua luật.

Điều đáng tiếc là dư luận xã hội đã có hiểu lầm là Quốc hội chưa muốn có chế tài, xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, trong luật Giao thông quy định nghiêm cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Điều này còn được quy định trong Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, Bộ Luật hình sự, Luật vi phạm hành chính đều có quy định. Điều này có nghĩa là không phải không quy định  trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia thì không có chế tài xử lý, Chủ tịch Quốc hội kết luận tại phiên chất vấn và tranh luận.

Chênh lệch số liệu tử vong do tai nạn giao thông giữa Bộ Công an và Bộ Y tế

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) còn hỏi Bộ trưởng Công an về sự chênh lệch số liệu tử vong do tai nạn giao thông giữa Bộ Công an và Bộ Y tế. Cụ thể, thống kê của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 so với thống kê của Bộ Y tế, bằng 1/3 của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo đó, năm 2018, số liệu người chết do tai nạn giao thông Bộ Công an cung cấp thấp hơn nhiều so với số liệu của Bộ Y tế, số của Công an là hơn gần 9.000 người chết, trong khi số liệu của Bộ Y tế là gần 16.000 người.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích, số liệu người chết do tai nạn giao thông của ngành Công an chủ yếu là thống kê ở hiện trường, nơi xảy ra vụ tai nạn, còn thống kê của Bộ Y tế có cả người bị thương nặng khi tai nạn giao thông, lúc vào viện mới tử vong, điều này đã dẫn đến sự chênh lệch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, sự chênh lệch số liệu do cách thống kê, do vậy đề nghị các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu để khắc phục


Hải Yến
Ý kiến của bạn