Hà Nội

Chất vấn ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

20-05-2019 10:27 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ấy là ông Nguyễn Nhật, người đã đưa Dự án đường cao tốc Bắc Nam ra xin ý kiến Quốc hội. Đây cũng là vấn đề nóng mà người dân rất quan tâm.

Hầu như ở đâu, đến đâu, từ nơi sang trọng nhất là diễn đàn Quốc hội đến nơi bình dân nhất là quán nước vỉa hè, ở đâu người ta cũng bàn về vấn đề này. Nhà thơ nổi tiếng, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Đại tá cựu chiến binh Vương Trọng, với bút danh Thảo Dân, trong trang facebook của mình đã chất vấn thẳng thừng ông Thứ trưởng Nguyễn Nhật. Bài viết của Thảo Dân rất ngắn, chỉ phong phanh có mấy chục chữ, nhưng vấn đề đặt ra lại rất thiết thực, nên tôi trích ra đây, cùng ý kiến của rất nhiều người dân, cộng thêm ý kiến của riêng mình, chuyển đến các nhà chức trách, để các vị rộng đường tham khảo trước khi quyết định một vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm manh áo của dân.

Nhiều tuyến đường ngàn tỷ ở nước ta dù chưa đưa vào vận hành hoặc vừa mới sử dụng một thời gian ngắn đã xuất hiện chi chit những ổ voi, ổ gà (?!).

Nhiều tuyến đường ngàn tỷ ở nước ta dù chưa đưa vào vận hành hoặc vừa mới sử dụng một thời gian ngắn đã xuất hiện chi chit những ổ voi, ổ gà (?!).

Cứ như ý kiến của Đại tá cựu chiến binh Vương Trọng thì cuối tháng 4 năm 2019, trình bày trước Quốc hội về đường cao tốc Bắc Nam, ông Thứ trưởng Nguyễn Nhật có nói đại ý rằng: Các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực làm công trình này. Và nước ngoài thì chỉ có các doanh nghiệp Trung Quốc mặn mà mà thôi. Như vậy, ông muốn nói với Quốc hội rằng: Chỉ có Trung Quốc mới làm được đường cao tốc Bắc Nam của Việt Nam, ngoài ra đừng hy vọng nhà thầu nào khác!

Vậy xin hỏi ông hai điều:

- Căn cứ vào đâu để ông nói rằng các doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng làm công trình này? Trước khi nói câu đó, các ông đã hỏi ý kiến và khảo sát năng lực của bao nhiêu doanh nghiệp? Ông có nghe ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc tập đoàn FPT nói rằng: “Nếu được giao, doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ cần 10 năm là hoàn thành toàn bộ đường cao tốc Bắc Nam”.

Vậy thì tại sao ông Thứ trưởng Nguyễn Nhật vẫn nhắm mắt nói liều rằng, doanh nghiệp Việt Nam không đủ năng lực làm đường cao tốc Bắc Nam?

Tôi cũng xin thưa với ông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải rằng: Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đang là tuyến đường cao tốc đẹp nhất hiện nay, cũng là tuyến đường bền nhất, vì sau mấy năm sử dụng vẫn chưa bị xuống cấp, trong khi nhiều tuyến đường khác chưa đưa vào vận hành hoặc vừa mới sử dụng chưa được mấy ngày đã xuất hiện những ổ voi, ổ gà rồi. Tuyến đường này có phải Trung Quốc hay nước ngoài nào làm đâu? Toàn bộ dự án này đều do doanh nghiệp trong nước đảm nhiệm đấy. Vốn huy động cũng chủ yếu từ nguồn lực trong nước, có vay của nước ngoài, nhưng không đáng kể. Bây giờ tuyến cao tốc ấy lại được nối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Quảng Ninh. Bây giờ từ Hà Nội đi Quảng Ninh rất tiện lợi. Trước đây phải đi hết gần một ngày. Bây giờ chỉ một giờ ba mươi phút. Phí giao thông Hà Nội - Hải Phòng mấy năm trước tôi đi là 200 ngàn đồng. Bây giờ cũng xe ấy, quãng đường ấy chỉ 150 ngàn thôi. Giá đã giảm rất nhiều. Trong khi nhiều tuyến đường khác, người ta chỉ sửa chữa qua quýt, có khi chỉ tráng lên lớp nhựa mỏng làm phép cũng thu với giá tiền như làm mới cả con đường. Không có dự án nào thu vốn nhanh như dự án làm đường. Vì thế, huy động vốn không khó. Chỉ có điều quản lý tiền thu phí của chúng ta rất kém, lại có nhiều tiêu cực, nên đồng tiền của dân thất thoát rất nhiều do chảy vào túi bọn tham nhũng và tư nhân ở rất nhiều các trạm BOT. Vụ mất cắp ở một trạm BOT vừa rồi mới tóe loe ra, tiền thu phí mỗi ngày ở các trạm BOT là những con số rất khủng.

Vấn đề thứ hai, ông Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói rằng, ngoài Trung Quốc ra, doanh nghiệp các nước khác không mặn mà gì về việc làm tuyến đường cao tốc Bắc Nam này.

Vậy xin hỏi: Các ông đã mời thầu thế nào, đã đi bao nhiêu nước... mà biết họ không mặn mà? Hay các ông cứ ngồi một chỗ im lặng rồi chỉ thấy các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đến nộp hồ sơ đấu thầu và “lại quả” rất khủng mà thôi?

Xin lưu ý rằng, chúng tôi không “bài” Trung Quốc, cũng không chia rẽ tình đoàn kết anh em giữa hai nước. Cũng chẳng có ai ngây thơ mà nghĩ rằng Trung Quốc trì trệ, yếu kém. Nếu trì trệ yếu kém thì làm sao họ lại phát triển hùng mạnh ở tất cả các lĩnh vực như vậy? Ngay các công trình giao thông của họ cũng rất hiện đại. Nhiều tuyến giao thông đều là đường trên cao, mà có đến mấy tầng đường với nhiều làn xe chạy với tốc độ rất lớn nhưng vẫn thanh thoát trang nhã. Khó nhất là làm các công trình nước mặn, ở mấy hòn đảo họ chiếm trái phép của ta, ví như đảo Gạc Ma, chỉ có mấy mét vuông đá lổn nhổn, xung quanh nước rất sâu. Thế mà chỉ trong một thời gian rất ngắn, chừng hơn một tháng trời, họ đưa giàn khoan 981 ra nghi binh, để thu hút sự chú ý của ta và thế giới. Họ mang vòi rồng xua đuổi tàu ta. Ta cũng dồn mọi nỗ lực để đuổi cái giàn khoan ngang ngược đó. Khi giàn khoan rút đi thì mấy hòn đảo họ lấn chiếm trái phép đã thành đảo nhân tạo. Họ đã biến mấy mét đảo thành một vùng quân sự rộng ngút ngát, có cả sân bay hiện đại mà máy bay hành khách dân dụng cũng đáp xuống được. Năng lực xây dựng của họ phải nói là siêu phàm. Đặc biệt kỹ nghệ hút cát, nghiền đá san hô trộn với xi măng cho đông kết trong nước mặn. Đấy là một việc không mấy dễ dàng. Vậy mà họ còn làm được và làm rất nhanh như chơi trò ảo thuật. Vậy mà các công trình họ làm cho ta, chẳng có công trình nào tử tế cả? Bô xít Tây Nguyên ư? Tân Rai ư? Hay chình ình trước mắt kia là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà  Đông? Đoạn đường ngắn chỉ có 13km thôi mà hơn 10 năm vẫn chưa hoàn thành. Đường chưa đâu vào đâu mà hàng năm chúng ta đã phải trả một khoản nợ rất khủng. Đống nợ giờ đã cao hơn núi. Đến nỗi, theo giới chuyên môn, phải hơn một ngàn năm, nghĩa là bằng thời gian Lý Công Uẩn làm chiếu dời đô ra Thăng Long, may lắm chúng ta mới có thể thu được vốn mà chúng ta đã bỏ ra để làm con đường ma quái này. Đây là dự án tệ hại nhất trong các dự án tệ hại kinh hoàng kể từ khi thành lập nước đến nay. Bây giờ lại để họ làm đường cao tốc Bắc Nam thì không thể hình dung được hệ quả sẽ thế nào. Nhưng trước mắt có thể thấy được ngay là lòng dân sẽ không yên và nước sẽ loạn. Vì thế, không thể tin cái ông Thứ trưởng ngáo đá này được.

Trong trang cá nhân của mình, Đại tá cựu chiến binh Vương Trọng còn đề xuất giải pháp huy động vốn để làm đường cao tốc. Cứ như lời ông thì trước hết phải làm công tác tuyên truyền cho dân hiểu rằng, đường cao tốc là rất cần thiết và quan trọng để phát triển đất nước. Nhưng nợ công ta đã quá cao, không thể vay thêm nước ngoài nữa, và đặc biệt không muốn “thế lực thù địch nhân chuyện đầu tư vốn, rồi trúng thầu xây dựng để phá hoại nước ta”, vì vậy Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp cùng làm. Và ông đề nghị phương thức huy động vốn như sau: Tăng giá mỗi lít bia, mỗi lít rượu, mỗi bao thuốc lá, mỗi lít xăng thêm 1.000 đồng. 11 triệu người hưởng lương, mỗi người một tháng góp một ngày lương, kéo dài trong ba năm, 36 tháng. Theo tính toán sơ bộ, đường cao tốc Bắc Nam cần 325.435 tỷ đồng, thì mấy khoản trên cũng đã thu được trên 150.000 tỷ đồng, tức xấp xỉ một nửa số tiền cần thiết. Số còn lại nhà nước lấy từ ngân sách và sự đóng góp của các doanh nghiệp tham gia làm đường cao tốc. Nếu nhân dân biết công trình này không để bọn thù địch nhúng tay vào thì dù gian khổ, khó khăn đến mức nào họ cũng không sợ. Nhớ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, dân đói là thế, mà khi nhà nước kêu gọi “Hũ gạo nuôi quân”, dân tự nguyện thực hiện, mỗi bữa nấu cơm bớt ra một nắm gạo, cho vào hũ, để cuối tháng cả làng tập trung lại gửi đi nuôi bộ đội! Tất nhiên còn có thêm nhiều phương án tối ưu hơn nữa để huy động sức dân cho công trình quan trọng này. Cũng theo ông Đại tá, cựu chiến binh: “Nếu thực thi phương án này thì phải thành lập ngay Ban dự án đường cao tốc Bắc Nam mới, gồm những người nói không với phong bì và tất nhiên không có Bộ trưởng, Thứ trưởng bộ GTVT đương nhiệm!”.

Nói thế, đủ biết mấy ông cán bộ của cái Bộ này chả còn chút tín nhiệm nào trong con mắt của dân.

Còn có một cách huy động nữa mà tôi tin rất hiệu quả. Cho dân được tham gia làm nhà đầu tư. Rồi tùy theo vốn đóng góp mà hàng tháng trả cổ tức cho họ. Rồi cho dân giám sát. Giám sát làm đường và giám sát thu phí ở các trạm BOT. Và việc này nên giao cho các cựu chiến binh. Một ông cựu chiến binh bảo tôi: Việc giám sát không khó. Cũng chẳng cần trình độ cao siêu gì. Xưa nay, bọn tham nhũng thường rút tiền bằng thiết kế. Thực tế 1 thì họ vẽ lên 3, khi thực làm chỉ làm 1 rồi rút tiền bỏ túi. Vậy tôi chỉ nắm mỗi thiết kế. Tiền đầu tư bao nhiêu, đút lót cho ai, tôi không cần biết, cũng không tò mò. Tôi chỉ xem anh làm có đúng như anh vẽ không.

Chỉ cần thế thôi, đường sẽ không bao giờ xuống cấp, cũng không thể thất thoát, dù chỉ một xu!


Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ý kiến của bạn