Nói đến đề tài “Bác Hồ với thơ Đường luật”, trước hết là chúng ta nghĩ ngay đến tập thơ Nhật ký trong tù. Đây là tập thơ nổi tiếng của Bác với 133 bài thơ Đường luật viết hoàn toàn bằng chữ Hán được chính người Trung Quốc đánh giá đã đạt đến tầm cao và chiều sâu của một thứ thơ Đường luật chính hiệu. Bởi thế Nhật ký trong tù không những được người Việt Nam và người Trung Quốc ưa thích mà độc giả nhiều nước khác trên thế giới cũng ưa thích như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari, Rumani. Đã có rất nhiều cuộc tọa đàm hội thảo trên các nước ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ... về Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Theo tôi được biết, đã có gần 30 nước dịch và phát hành tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch. Tôi có may mắn được trực tiếp tham gia tổ chức và chủ trì hội thảo Nhật ký trong tù tại Thủ đô Bucarest - Rumani vào giữa tháng 8 năm 2005 với sự tham gia của các chuyên gia văn học Rumani và Việt Nam. Dịch giả tập thơ này ra tiếng Rumani là nhà văn Constantin Lupeanu đã từng là Đại sứ tại Việt Nam và Phó Đại sứ tại Trung Quốc. Ông đã dịch trực tiếp tập thơ của Bác Hồ từ nguyên bản chữ Hán ra chữ Rumani. Một điều rất đỗi ngạc nhiên là các nhà văn Rumani đã cảm nhận được hình thức thơ Đường và nội dung sâu sắc trong tập Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, ai cũng hồ hởi đọc. Có lẽ người châu Âu khác và những người châu Mỹ La tinh cũng tiếp nhận Nhật ký trong tù của Bác Hồ như vậy. Còn nhà văn, nhà ngoại giao C.Lupeanu nói: Tôi đã tìm thấy sự vĩ đại của Hồ Chí Minh qua tập thơ Nhật ký trong tù. Chủ tịch Hội Nhà văn Rumani nói: Hồ Chí Minh như hoa sen từ bùn đất vươn lên.

Không những tại Rumani mà tại Liên Xô và các nước Đông Âu cũ cũng như tại Tây Âu, châu Phi, Cu Ba và châu Mỹ La tinh, tập Nhật ký trong tù cũng được nhiều người ưa thích bởi nội dung đầy tính nhân văn, tinh thần yêu nước thiết tha và tình yêu thiên nhiên của Hồ Chủ tịch. Nhật ký trong tù là sản phẩm đặc sắc của văn hóa Việt Nam, của một trong những con người Việt Nam tiêu biểu nhất, một trong những nhân cách Việt Nam đẹp nhất đã viết ra những vần thơ hấp dẫn nhất.
Đối với người Việt Nam chúng ta Nhật ký trong tù là một trong những tác phẩm văn học được quan tâm nhiều nhất, được tìm đọc rộng rãi nhất, mặc dù phần lớn người đọc phải thưởng thức tác phẩm qua các bản dịch.
Nhật ký trong tù còn được nhà soạn chèo Trần Đình Ngôn chuyển lên sân khấu chèo với tên gọi “Những vần thơ thép” và Nhà hát Chèo Việt Nam đã diễn rất thành công, đặc biệt là không bỏ sót một bài thơ nào trong tập Nhật ký trong tù. Vở chèo đã được nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất yêu thích.
Rõ ràng Nhật ký trong tù đã trở thành một hiện tượng văn học thú vị, thậm chí bí ẩn, khó giải thích nổi vì sao khi một lãnh tụ cách mạng Việt Nam như Hồ Chủ tịch lại rất thành công trong thể thơ Đường luật, một thể loại văn học bác học rất chặt chẽ, rất khắt khe và ngôn từ cực kỳ chau chuốt. Nhà thơ, nhà soạn kịch Quách Mạc Nhược, một nhà văn hóa lớn của Trung Quốc cho rằng: Tập thơ “Nhật ký trong tù” là một đỉnh cao của Đường thi hiện đại, trong đó có một số bài thơ rất hay, nếu như đặt lẫn vào trong tập thơ của những thi nhân cự phách đời Đường, đời Tống thì cũng khó phân biệt được.
Vốn Hán học và vốn văn hóa dân tộc hòa nhuyễn trong tâm hồn Bác Hồ từ thời thơ ấu và tuổi thanh niên là nền tảng văn hóa, là hành trang văn hóa trên con đường Cách mạng của Bác, giúp Bác dù có tiếp xúc, có chịu ảnh hưởng văn hóa Âu, Mỹ, nhưng văn hóa dân tộc, trong đó có vốn Đường thi vẫn hiện hữu và đã tỏa sáng trong thơ ca của Bác.
Cũng như Nguyễn Du đã Việt Nam hóa Truyện Kiều và Đào Tấn đã Việt Nam hóa hoàn toàn văn học cổ của Trung Hoa ra những vở tuồng nổi tiếng của mình, thơ Đường thi của Hồ Chủ tịch được thể hiện theo nhịp điệu và màu sắc Việt Nam, mang tư tưởng, tâm hồn Việt Nam.
Hồ Chủ tịch đúng là nhà thơ lỗi lạc trong lĩnh vực Đường thi ở Việt Nam được cả thế giới biết đến và tôn vinh. Mới đây nhất, tháng 10 năm 2015, nước Anbani lại công bố bản dịch tập Nhật ký trong tù và có lẽ sẽ còn tiếp tục ở những nước khác trong tương lai.
Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào nói rằng, với Bác Hồ, thơ Đường luật đã Việt hóa thành công, đã trở thành một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, được nhân dân trong nước và thế giới yêu thích, ngưỡng mộ.
GS. Hoàng Chương (TGĐ Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & phát huy VHDTVN)