Chất thải nhựa, nilon gây hại nghiêm trọng môi trường biển, Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu giải pháp gì?

10-06-2024 10:53 | Xã hội

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, để bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả cần nâng cao nhận thức trong nhân dân; Có hệ thống giám sát, quan trắc chặt chẽ; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT), một số ĐBQH quan tâm tới vấn đề ô nhiễm các vùng biển liên quan đến rác thải nhựa, nilon đã và đang gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như môi trường sống.

Quan tâm tới vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn, việc bảo vệ, khai thác tài nguyên quốc gia trong thời gian qua đạt nhiều kết quả, mang lại nhiều lợi ích về KT-XH, cho nước nhà và nhân dân.

Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên trên các lĩnh vực còn nhiều bất cập, hệ lụy cho việc tái tạo đối ngoại và làm suy thoái các hệ sinh thái biển, cạn kiệt nguồn tài nguyên, thủy hải sản bị khai thác triệt để bằng các công cụ, hóa chất cấm, sự gia tăng chất thải sinh hoạt ra sông, biển làm ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn ngừa đến mức thấp nhất tình trạng trên?

Chất thải nhựa, nilon gây hại nghiêm trọng môi trường biển, Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu giải pháp gì?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho hay, việc bảo vệ, khai thác tài nguyên biển, vừa qua Bộ NN&PTNT đã tham mưu với Thủ tướng ban hành quy hoạch về thủy sản. Biển là một thể thống nhất gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chúng ta phải ưu tiên bảo vệ nguồn lợi hải sản; đa dạng sinh học, các rạng san hô; chúng ta có khoảng 11.000 loài cá các loại và không để tận diệt.

Ông Đặng Quốc Khánh cho hay, hiện Bộ TN&MT đã tham mưu về công tác quy hoạch; Phối hợp với Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng về các cơ chế, chính sách tập trung để thực hiện quy hoạch thủy sản nuôi xa biển.

"Hiện nay chúng ta nuôi thủy sản nuôi gần biển, rác thải nhựa, túi nilon, ô nhiễm môi trường ven biển… là những tác nhân gây ảnh hưởng lớn đến vùng ven biển", ông Khánh lý giải.

Theo ông Khánh, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ môi trường biển. Đồng thời Bộ trưởng nói: "Tôi thấy ở đảo Yến - Phú Yên, trước đây là "núi" rác thải nhựa và túi nilon nhưng một tổ hợp tác gần 20 người dân đứng ra xử lý rác, bảo vệ các rạn san hô từ ven bờ đến đảo Yến". Từ đó, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, việc xây dựng mô hình cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đứng ra bảo vệ môi trường sẽ mang lại hiệu quả cao.

Chất thải nhựa, nilon gây hại nghiêm trọng môi trường biển, Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu giải pháp gì?- Ảnh 2.

Cảnh rác thải nhựa tại bến tàu Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Việt Hùng.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu ngành TN&MT cho rằng, mỗi người cần thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường như: Khi đi biển không xả rác bừa bãi; không xả các vật liệu xuống biển. Đồng thời, theo ông Khánh, chúng ta phải có hệ thống giám sát, quan trắc chặt chẽ hơn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến môi trường biển.

Cùng quan tâm tới vấn đề rác thải nhựa, ĐBQH Lê Quân – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu chất vấn: Rác thải nhựa xuất hiện khắp nơi, từ hang cùng ngõ hẻm đến rừng, biển, vậy Bộ trưởng cho biết, đã đến lúc chúng ta cấm hoặc hạn chế đánh thuế phí cao đối với việc sử dụng rác thải nhựa trong sinh hoạt, tiêu dùng hay chưa?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, theo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT sẽ cùng với các địa phương đã hướng dẫn xử lý rác thải nhựa, phân loại, thu gom, xử lý, năm 2025 phải thực hiện.

Theo ông Khánh, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội để tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về vấn đề này. Hiện nay, điều lo lắng nhất là việc thu gom, xử lý đang thiếu các nhà máy xử lý và đang cố gắng để tăng cường đầu tư.

Nhận thức được vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vào tháng 11/2020, đồng thời cam kết tiến hành một loạt hành động để giải quyết nhiệm vụ cấp bách này, một trong số đó là 

Tại Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/12/2019 tại Quyết định số 1746/2019/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu:

Đến năm 2025, Việt Nam quyết tâm đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trườngQuốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

SKĐS - Chiều 8/6, với đại đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội 2025.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn