Trên thực tế, chất thải y tế đáng sợ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý cũng như của cộng đồng.
Chỉ có 10-20% chất thải bệnh viện là nguy hại
Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, bông băng kim tiêm dính máu, một phần bộ phận cơ thể sau phẫu thuật thải bỏ, vỏ chai thuốc sau sử dụng, nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, bột bó xương... thường bị ám ảnh như những nỗi lo lắng, sợ hãi như: sợ lây nhiễm bệnh tật, sợ dính hóa chất, sợ nhiễm độc thủy ngân, thậm chí sợ hãi mang màu sắc tâm linh nếu những thứ này gắn với bệnh nhân không may qua đời trong bệnh viện. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chỉ có 10-20% chất thải bệnh viện là nguy hại, còn lại, chúng đều có thể trở thành những... nguồn tài nguyên có giá trị, như nước thải sau xử lý hoàn toàn có thể để tưới cây nuôi cá, một số chai lọ vỏ thuốc đều có thể tái chế thành vật dụng thường ngày.
Trên thực tế, chất thải y tế đáng sợ hay đáng quý hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý cũng như của cộng đồng. Theo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, chất thải y tế gồm 2 loại: chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường. Trong đó, chất thải y tế thông thường là những chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân và người nhà, chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế; bột bó trong xương gãy kín; dược phẩm, hóa chất (không chứa thành phần nguy hại) thải bỏ hoặc hết hạn sử dụng. Những loại này luôn cần được phân loại trước và đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu xanh. Đây chính là loại chất thải nhiều nhất tại hầu hết các cơ sở y tế, chiếm đến 80-90% tổng lượng rác thải ra mỗi ngày.
Còn chất thải y tế nguy hại - thứ mà người dân hay sợ hãi - chỉ chiếm khoảng 10-20%, thì cần được quản lý theo quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. Chất thải y tế nguy hại gồm 2 nhóm: chất thải nguy hại lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Theo quy định, chất thải này phải được phân loại và đựng trong các túi, thùng có lót túi màu vàng (loại lây nhiễm) và màu đen (loại không lây nhiễm).
Ngoài ra, trong cơ sở y tế còn có chất thải tái chế từ vật liệu giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh không chứa thành phần nguy hại. Đây thực sự cũng là nguồn tài nguyên quý giá, cần được phân loại và đựng trong các túi hoặc thùng có lót túi màu trắng trước khi chuyển giao cho cơ sở tái chế chất thải có giấy phép phù hợp.
Mọi sinh viên ngành y đều phải được đào tạo về quản lý chất thải y tế
Tại buổi Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm nhằm đưa nội dung quản lý chất thải y tế vào chương trình giảng dạy chính quy tại các trường đại học, cao đẳng ngành y do Cục Quản lý Môi trường Y tế phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo và Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, Bộ Y tế tổ chức vào tháng 3/2017, các đại biểu đều nhìn nhận việc đưa nội dung đào tạo về quản lý chất thải y tế vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng ngành y là vấn đề cần thiết. Mọi cán bộ chuyên ngành y ra trường, dù ở trình độ nào, cũng cần có kiến thức cơ bản về quản lý chất thải y tế.
Theo đó, trong năm 2016, 2 trường đại học là Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Điều dưỡng Nam Định được lựa chọn và hỗ trợ xây dựng chương trình chi tiết và tài liệu đào tạo về quản lý chất thải y tế. Các đối tượng được lựa chọn đào tạo là: hệ đại học (gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng); hệ sau đại học (gồm thạc sĩ quản lý bệnh viện, thạc sĩ y học dự phòng và thạc sĩ y tế công cộng); cử nhân điều dưỡng và cao đẳng điều dưỡng.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là còn thiếu tài liệu chuẩn, cập nhật về quản lý chất thải y tế và khó khăn trong việc không tách thành môn học riêng về quản lý chất thải y tế. Hiện nay, kiến thức về quản lý chất thải y tế ở một số trường được giảng dạy với thời lượng rất ít, nội dung còn hạn chế và lồng ghép vào các môn học liên quan khác.