Chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

03-10-2014 07:22 | Y học 360
google news

SKĐS - “Những chất tạo ngọt nhân tạo đã và đang được sử dụng rất rộng rãi trong những năm gần đây như một công cụ phòng ngừa chứng béo phì, tăng cân và căn bệnh đái tháo đường

“Những chất tạo ngọt nhân tạo đã và đang được sử dụng rất rộng rãi trong những năm gần đây như một công cụ phòng ngừa chứng béo phì, tăng cân và căn bệnh đái tháo đường đã làm gia tăng nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường” - kết luận của công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố mới đây tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp...

Chất tạo ngọt nhân tạo dùng cho người đái tháo đường lại làm tăng bệnh

Chất tạo ngọt nhân tạo được sử dụng trong chế biến nhiều loại thực phẩm, đồ uống... như các loại soda, các loại bánh mứt kẹo, đồ tráng miệng..., các chất này là những chất phụ gia thay thế đường tự nhiên làm từ mía, củ cải đường..., có khả năng tạo ra vị ngọt sắc, đậm nhưng không hoặc cung cấp rất ít năng lượng (calori) cho cơ thể. Nghiên cứu tác động của những chất tạo ngọt nhân tạo này trên các con chuột trong phòng thí nghiệm và trên một nhóm nhỏ những người tình nguyện, các nhà nghiên cứu phát hiện ra các chất này đã làm rối loạn thành phần và chức năng của các vi khuẩn đường ruột trong cơ thể. Tạp chí khoa học Anh quốc mang tên The Nature đã đăng tải nhận định của các nhà nghiên cứu: “Các chất tạo ngọt nhân tạo được đưa rộng rãi vào các thực phẩm với ý đồ giảm bớt phát sinh năng lượng (calori), bình thường hóa tỉ lệ đường huyết, giải quyết sự thèm muốn của cơ thể đối với các sản phẩm có đường. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu của chúng tôi đã nhận thấy rằng chính các chất tạo ngọt nhân tạo này lại là thủ phạm góp phần trực tiếp vào việc làm gia tăng căn bệnh đái tháo đường mà chúng ta đang muốn chống lại...”.

Bệnh nhân ĐTĐ thường bị rối loạn dung nạp glucose.

Các thực nghiệm chứng minh

Thực nghiệm do FDA, Hoa Kỳ đã tiến hành như sau: thêm vào lượng nước uống hàng ngày của các con chuột thí nghiệm một lượng thích hợp, vừa đủ để có thể dung nạp được, phù hợp với cân nặng của từng con - ba chất tạo ngọt nhân tạo thông dụng nhất là: đường aspartam, đường sucralose và đường saccharin. Kết quả là ở các con chuột này, sau một thời gian, đã xuất hiện và tiến triển một sự không dung nạp đối với đường glucose, trái ngược với các con chỉ được uống nước thường hoặc nước có glucose.

Thực nghiệm đã được lặp lại với các con chuột khác bằng những liều lượng chất tạo ngọt thay đổi khác nhau, nhưng luôn cho kết quả như nhau. Sự không dung nạp glucose xuất hiện khi cơ thể phản ứng kém đối với tác động của insulin và sự gia tăng những nỗ lực để kiểm soát tỉ lệ đường trong máu. Đó là hiện tượng thường xuất hiện trong giai đoạn tiền đái tháo đường của cơ thể.

Nghi ngờ thành phần và hoạt động của các vi khuẩn đường ruột của các con chuột thí nghiệm có thể bị ảnh hưởng trong hiện tượng trên, các nhà nghiên cứu đã cấy chất thải, phân của các con chuột được nuôi với các chất tạo ngọt nói trên vào ruột các con chuột khác đã được khử các vi khuẩn cũ bằng kháng sinh. Kết quả là các con chuột này đến lượt chúng cũng có biểu hiện “không dung nạp glucose” chứng tỏ những thay đổi trong các vi khuẩn đường ruột đã có một tác động nhất định đối với hoạt động của chúng và có thể là lý do gây ra hiện tượng nói trên.

Thực nghiệm cũng được tiến hành trên các tình nguyện viên vốn không có thói quen sử dụng các chất tạo ngọt nhân tạo, sau một tuần được cho dùng với những liều lượng hàng ngày phù hợp, quá nửa trong số họ đã có biểu hiện đường huyết tăng cùng với những biến động trong hệ vi khuẩn đường ruột. GS.TS. Eran Elinav thuộc Học viện Weizmann, Israel đã đưa ra giải thích: Có thể một số vi khuẩn đường ruột nào đó đã tác động với các thành phần hóa học của các chất tạo ngọt - mà không bị ruột non hấp thụ - đã tạo ra các phản ứng viêm, gây ra rối loạn về chuyển hóa như hiện tượng “không dung nạp glucose” tức biểu hiện của bệnh đái tháo đường.

Thay lời kết

GS.TS. E.Elinav cũng đề xuất mong muốn tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này, cũng như cần có sự theo dõi sát sao, chống lạm dụng các chất tạo ngọt nhân tạo ở người với liều lượng được kiểm soát thật chặt chẽ tại các cơ sở nghiên cứu khoa học y, dược, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và các cơ sở khám chữa bệnh - cũng như đối với mọi người dân trên toàn thế giới nhằm hạn chế đến mức tối đa những tác động trái ngược của việc sử dụng các chất phụ gia này đối với căn bệnh đái tháo đường.

(Theo TV5-Paris, 17/9/2014)

Lương Vĩnh Khang

 


Ý kiến của bạn