Cục Quản lý An toàn thực phẩm nước ta vừa cho phép đưa đường hóa học cyclamate vào thực phẩm, một phụ gia trước đây bị cấm. Nhiều người thắc mắc và muốn biết rõ hơn về chất phụ gia này thực sự có ảnh hưởng đến sức khỏe không.
Cyclamate được dùng ở 2 dạng muối natri (sodium cyclamate) và canxi (calcium cyclamate). Đây là đường hóa học hay chất ngọt nhân tạo.
Chất cyclamate hiện vẫn được nhiều quốc gia khác sử dụng trong chế biến thực phẩm và làm chất tạo ngọt |
Vài nét về lịch sử
Trước đây khá lâu, từ năm 1958 cyclamate được cấp phép sử dụng tại Mỹ là chất tạo ngọt nhân tạo với tên gọi “sucaryl” và được sử dụng rộng rãi không chỉ ở Mỹ mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Anh và nhiều nước châu Âu. Ban đầu, liều của cyclamate được chấp thuận sử dụng tương đương với 11mg acid cyclamic (là acid tạo ra các muối cyclamate) trên 1kg thể trọng người lớn, sau đó điều chỉnh còn 7mg/kg thể trọng. Đến năm 1969, chất này đã bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng sau khi có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nhiều tác dụng phụ có hại. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã cho chuột ăn cyclamate và có một số chuột thí nghiệm bị ung thư bàng quang. Từ đó về sau, công ty Abbott (hãng sản xuất cyclamate) đã nhiều lần xin phép cho sử dụng lại trong thị trường nhưng đều bị FDA từ chối.
Anh quốc và nhiều nước khác cũng cấm dùng vì nghiên cứu cho thấy chất chuyển hóa của cyclamate trong cơ thể là cyclohexylamine có thể gây ung thư. Tuy nhiên, chất này hiện vẫn được nhiều quốc gia khác sử dụng trong chế biến thực phẩm và làm chất tạo ngọt dùng để đánh lừa cảm giác thèm đường của bệnh nhân đái tháo đường hoặc bị béo phì phải ăn kiêng. Ở nước ta, trong thời gian dài cyclamate cũng nằm trong danh mục cấm sử dụng.
Được dùng ở nước ta, nhưng...
Mới đây, có nguồn tin Cục Quản lý An toàn Thực phẩm nước ta vừa cho phép đưa cyclamate vào danh sách dùng trong thực phẩm. Tức là phụ gia này trước đây bị cấm, nay lại được cho sử dụng. Xem trên mạng ta thấy thông tin về cyclamate khá nhiều, chia ra làm hai loại: loại thông tin xem cyclamate là kẻ “tội đồ” phải cấm dùng vì có thể gây hại cho sức khỏe con người, nhưng cũng không ít thông tin bênh vực cyclamate. Loại bênh vực cho rằng: “Tùy ở từng quốc gia, cyclamate được sử dụng trong hỗ trợ điều trị đái tháo đường hoặc tạo ngọt không sinh năng lượng trong các thực phẩm cho người ăn kiêng. Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, hiện có 44 quốc gia (có thông tin có đến 55 quốc gia) cho phép sử dụng cyclamate làm phụ gia thực phẩm... Theo các nghiên cứu về độc chất học của cyclamate, chất này an toàn đối với người sử dụng”.
Rõ ràng với rừng thông tin như thế làm cho người dân cảm thấy hoang mang, không biết nên theo xu hướng nào cho phải lẽ. Nếu Cục Quản lý An toàn Thực phẩm nước ta cho phép đưa cyclamate vào danh sách dùng trong thực phẩm thì có nghĩa cơ quan chức năng đã có đủ chứng cứ khoa học để chấp nhận sử dụng chất phụ gia trước đây bị cấm này. Rất mong cơ quan quản lý chức năng sớm thông báo cho mọi người biết về việc sử dụng cyclamate nếu được phép và cần tuân thủ những gì để việc sử dụng an toàn (như liều dùng theo quy định là bao nhiêu, nếu dùng quá liều thì ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào...).
Xin trả lời thêm về 2 loại chất ngọt nhân tạo maltitol và lactitol mà bạn đọc hỏi và 2 chất này cũng được cho là được phép sử dụng trong thực phẩm ở nước ta. Maltitol, lactitol đều thuộc loại polyol (hợp chất đường-rượu), được sử dụng như một chất thay thế cho đường (chất thay thế đường sorbitol, xylitol cũng thuộc loại polyol). Maltitol có công thức: 4-O-anpha-glucopyranosyl-D-sorbitol (là dẫn chất sorbitol) và độ ngọt của nó bằng 90% độ ngọt của sucrose. Còn lactitol có công thức: 4-O-anpha-D-Galactopyranosyl-D-glucitol, có độ ngọt chỉ bằng 40% độ ngọt của sucrose (lactitol còn được dùng làm thuốc trị táo bón giống như sorbitol). Nên lưu ý, nếu dùng maltitol với lượng thừa sẽ gây nên tác dụng nhuận tràng (tức tiêu chảy) và đôi khi gây đầy hơi và sình bụng. Còn lactitol có tác dụng phụ là gây tiêu chảy, đầy hơi và có khi bị vọp bẻ.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC