Chất tạo nạc cho heo: Nguồn gốc từ đâu?

10-11-2015 22:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 9/11, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức kiểm tra...

Ngày 9/11, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm lại trên 500 con lợn có chất tạo nạc tại trại chăn nuôi của ông Trịnh Văn Tâm, ấp 5, xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Câu chuyện này không mới, nhưng kéo dài dai dẳng bởi người chăn nuôi vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe người sử dụng.

Salbutamol lấy từ đâu ra?

Trước đó, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh phối hợp với Phòng cảnh sát PCTP về môi trường tỉnh đã thanh tra, lấy mẫu xét nghiệm đột xuất tại 6 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy có 1 mẫu nước tiểu lợn tại trại chăn nuôi của ông Trịnh Văn Tâm dương tính với với chất tạo nạc salbutamol. Mẫu này đã được gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương 2 tại TP.HCM để tiếp tục phân tích định lượng. Theo phiếu kết quả phân tích, hàm lượng chất tạo nạc salbutamol có trong mẫu nước tiểu này là 3,21ppb, vượt 1,605 lần so với mức cho phép, vi phạm việc sử dụng thức ăn có chất cấm trong chăn nuôi.

Chất tạo nạc cho heo: Nguồn gốc từ đâu?

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở nhằm phát hiện và xử lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Liên quan đến vụ việc trên, Chánh thanh tra Sở NN&PTNT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ trang trại là ông Trịnh Văn Tâm với mức phạt tối đa 20 triệu đồng và buộc cơ sở chăn nuôi này tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi (500 con lợn) đã sử dụng chất tạo nạc salbutamol cho đến khi được ngành chức năng kiểm tra không còn tồn dư chất cấm, chủ trại chăn nuôi mới được phép xuất bán ra thị trường.

Cũng liên quan đến chất tạo nạc, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Phú Thọ vừa phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi có chứa nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe con người. Đối tượng Lê Xuân Mão, thường trú tại khu 6, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bị bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép 6 túi thức ăn chăn nuôi, nhãn hiệu Pork do nước ngoài sản xuất. Bước đầu Lê Xuân Mão khai nhận, số thức ăn trên Mão mua tại Hưng Yên mang về bán cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là các loại thức ăn chăn nuôi dùng để tạo nạc, trong đó hàm lượng chất ractopamine lên tới 1.000mg. Theo quy định, ractopamine là chất cấm, không được sử dụng trong chăn nuôi. Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Cũng mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai vừa kiểm tra 48 trang trại chăn nuôi heo và phát hiện 14 trại có sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Đây là điều bất thường vì trước đó, báo chí liên tục phản ánh tình trạng sử dụng chất cấm tạo nạc cho heo nhưng mới ở mức các hộ nuôi nhỏ lẻ. Không chỉ tại Đồng Nai mà một số địa phương trên cả nước các lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều hộ chăn nuôi đã sử dụng chất cấm này.

Liên quan đến chất tạo nạc salbutamol sử dụng trong chăn nuôi, một số thông tin cho rằng, việc sử dụng chất cấm để tạo nạc trong chăn nuôi vừa bởi người dân ham lợi nhuận nhưng cũng còn do một số đối tượng thương lái ép họ phải làm như vậy. Chính các thương lái ép nông dân phải sử dụng chất cấm này, nếu không sẽ không mua heo. Do đây là chất cấm, nên các thương lái chính là đầu mối phân phát tới các trang trại liên kết làm ăn với họ và trả thêm 1.000-2.000đồng/kg heo “ăn thuốc” so với heo thường. Bên cạnh đó, tại các cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cũng được bày bán.

Ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

Theo PGS.TS. Lã Văn Kính, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, thông thường hiện nay, người ta bán heo ở mức trọng lượng 100-110kg/con vì trên mức đó tỉ lệ tạo mỡ rất cao. Thế nhưng bằng việc sử dụng chất tạo nạc nhóm beta-agonist, heo có thể đạt đến trọng lượng 130 - 140kg/con mà mỡ rất ít. Về mặt y học, các chất nhóm beta-agonist có tác dụng làm giãn cơ cuống phổi, giãn cơ tử cung, đồng thời kích thích giải phóng insulin...; trong y tế, salbutamol được dùng trong chữa bệnh hen suyễn ở người nhưng với liều lượng nhỏ và có sự kiểm soát. Còn để đưa vào mục đích kích thích tạo nạc cho heo phải dùng liều lượng lớn sẽ rất nguy hiểm cho con người nếu ăn thịt heo có chất cấm bị tồn dư. Các chất này có thể gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch của người sử dụng thịt heo có chất cấm.

Để tình trạng này diễn ra thường xuyên, nguyên nhân là do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe, thời gian gần đây còn phức tạp và trên quy mô lớn hơn cho thấy các biện pháp quản lý và xử lý của chúng ta chưa hiệu quả. Việc làm này cũng ảnh hưởng lớn đến những người chăn nuôi chân chính. Bởi cả ngàn hộ chăn nuôi nhưng chỉ có một hộ vi phạm cũng khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng theo. Vấn đề này liên quan đến ý thức của người chăn nuôi, ngoài xử phạt theo quy định, cần có hình thức xử phạt bổ sung nặng hơn.

Bên cạnh đó, việc quản lý chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi vẫn còn rất nhiều kẽ hở. Chất salbutamol trong nông nghiệp xem là chất cấm sử dụng, nhưng ngành y tế sử dụng vào việc chữa bệnh cho người nên thị trường còn lưu thông, nhất là nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc. Vì vậy một số thương lái còn sử dụng kẽ hở này để bán cho những trại nuôi kiếm lợi mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng... 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết: Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong các văn bản pháp quy đều có quy định cấm sử dụng, nhưng trong chăn nuôi, trong buôn bán chúng ta vẫn phát hiện việc sử dụng chất cấm. Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cần đẩy mạnh lấy mẫu thịt, nước tiểu ở các lò mổ để kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện thì ngăn chặn không cho bán ra thị trường, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, giết mổ vi phạm. Không dừng ở việc kiểm tra, phát hiện và bắt đóng cửa, mà cần có hình thức xử phạt cao hơn. 

  Trần Trọng – Mạc Phi

 


Ý kiến của bạn