Thông qua đề án này, không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên mà còn nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới, qua đó giúp người dân được điều trị bệnh “chất lượng Trung ương ngay tại quê nhà”. Với vai trò là bệnh viện hạt nhân, một bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất cả nước, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện hiệu quả đề án này.
Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, ngay từ năm 2009, Bệnh viện Bạch Mai đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai đề án tới 8 bệnh viện vệ tinh, giai đoạn 2009 - 2013. Tiếp tục với mô hình này, năm 2013 Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2015 ở 2 chuyên ngành là tim mạch và ung bướu. Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Y tế tiếp tục giao cho Bệnh viện Bạch Mai làm bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh cho 23 bệnh viện ở các chuyên ngành: tim mạch, ung bướu, nội tiết, thần kinh, huyết học, hồi sức cấp cứu và chống độc.
Các chuyên gia của BV Bạch Mai khảo sát tại BVĐK tỉnh Yên Bái.
Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, qua các giai đoạn triển khai, Đề án đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng trăm khung chương trình và tài liệu đào tạo đã được biên soạn, thẩm định và đưa vào sử dụng; hàng ngàn cán bộ y tế được nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; Hệ thống kết nối trực tuyến hoạt động hiệu quả thông qua các buổi hội chẩn thường quy hàng tuần, hội chẩn đột xuất và nhiều khóa đào tạo, hội thảo được thực hiện qua hệ thống trực tuyến này...
Tại Hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 thực hiện Nghị quyết 14/2013/QĐ-TTg và Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong năm 2017, Bệnh viện đã đào tạo, tập huấn cho 20 khóa với 900 học viên từ 29 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc.
Bệnh viện cũng tổ chức chuyển giao tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai 10 gói kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu cho 30 bệnh viện, qua đó, 111 học viên đã hoàn thành việc tiếp nhận và có thể chủ động triển khai kỹ thuật tại cơ sở. Hơn 100 cán bộ luân phiên là các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai - những người rất có kinh nghiệm - hỗ trợ cho 7 bệnh viện với tổng thời gian thực tế đi luân phiên 190 ngày.
Cũng trong năm nay, Bệnh viện đã phát triển trang website đào tạo và chỉ đạo tuyến phục vụ học viên và các tuyến bệnh viện. Đặc biệt, đã tổ chức 4 hội thảo nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử bệnh viện; Phòng chống một số bệnh gây đột tử, tử vong nhanh và các bệnh thường gặp; Xử trí sốc phản vệ; An toàn trong sử dụng và bảo dưỡng trang thiết bị với trên 1.000 người tham dự... Bệnh viện Bạch Mai cũng tổ chức hội chẩn trực tuyến hàng chục buổi cho hơn 7.000 cán bộ tham dự, trên 70 ca lâm sàng được thảo luận rút kinh nghiệm.
Năm 2017, viện đã cử các bác sĩ chuyên ngành nội khoa, hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, xét nghiệm vi sinh, hóa sinh, huyết học... hỗ trợ chuyên môn tại các bệnh viện thuộc hệ thống chỉ đạo tuyến.