Chất lượng sống sau khi điều trị ung thư cổ tử cung

03-10-2019 07:05 | Đời sống
google news

SKĐS - Ung thư cổ tử cung sau khi được điều trị thường làm giảm chất lượng sống, điều này có thể tồn tại sau đó nhiều năm. Một số nghiên cứu cho thấy chất lượng sống sẽ giảm sút rất nhiều trên những bệnh nhân được điều trị xạ trị.

Một ví dụ điển hình, 121 bệnh nhân được điều trị thành công (đa phần trong số này là ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm) được điều trị là phẫu thuật có hoặc không có kèm theo điều trị hỗ trợ (xạ trị hoặc hóa xạ trị đồng thời) tham gia vào cuộc điều tra về chất lượng sống. Tất cả những bệnh nhân này đều đã trải qua từ 7 năm trở lên kể từ lần đầu tiên chẩn đoán. Những điều chính yếu được ghi nhận lại sau nghiên cứu này là:

- Bệnh nhân được xạ trị bổ túc sau mổ có chất lượng sống giảm thấp nhất so với những bệnh nhân chỉ được phẫu thuật hoặc được hóa trị bổ túc sau mổ. Họ ghi nhận những biến chứng mức cao như buồn nôn, nôn, đau, chán ăn.

- Bệnh nhân chỉ được phẫu thuật và những bệnh nhân được hóa trị bổ túc sau mổ có chất lượng sống tốt giống bệnh nhân không có tiền sử bị ung thư cổ tử cung.

Một nghiên cứu riêng trên98 bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được điều trị bằng phẫu thuật (41 bệnh nhân) hoặc hóa xạ trị đầu tiên (57 bệnh nhân) được theo dõi từ 5 - 15 năm sau khi được chẩn đoán cho thấy ở cả 2 nhóm điều trị đều có những độc tính kéo dài, hóa xạ trị đồng thời cho kết quả theo dõi, so sánh với phẫu thuật đầu tiên.

- Tăng các bất thường chức năng ruột (42% so với 7%).

- Một số biến chứng có xu hướng tăng không đáng kể như thay đổi thói quen đi tiểu (20% so với 9%), thay đổi thói quen tình dục (35% so với 20%), đau vùng chậu (30% so với 12%).

Chất lượng sống sau khi điều trị ung thư cổ tử cung

Suy chức năng buồng trứng:

- Hơn 40% bệnh nhân ung thư cổ tử cung dưới 45 tuổi và điều trị có thể gây suy chức năng buồng trứng.

- Mặc dù buồng trứng nói chung là còn nguyên vẹn sau phẫu thuật cắt tử cung tận gốc, những bệnh nhân này vẫn có nguy cơ suy giảm chức năng buồng trứng trước mãn kinh có thể do giảm tưới máu buồng trứng.

- Xạ trị vùng chậu (có hoặc không kèm hóa trị đồng thời) thường sẽ gây suy giảm chức năng buồng trứng. Vì vậy, nếu đánh giá việc cần thiết bảo tồn chức năng buồng trứng, khi phẫu thuật cần chuyển vị trí buồng trứng ra khỏi trường chiếu xạ.

Biến chứng liên quan đến xạ trị làm suy giảm chức năng buồng trứng có thể dẫn đến giảm tiết nhầy, mãn kinh sớm, suy giảm ham muốn tình dục.

Bảo tồn chức năng sinh sản

Những bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản cần đánh giá lại khả năng bảo tồn chức năng sinh sản trước điều trị, bao gồm phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản (nếu có khả năng) hoặc tùy chọn khả năng hỗ trợ sinh sản. Đối với những bệnh nhân được xạ trị, có thể lựa chọn phẫu thuật chuyển vị buồng trứng trước khi được điều trị.

Điều trị thay thế hormone

Dựa trên những báo cáo, chúng tôi đề nghị sử dụng thay thế hormone hơn là không thay thế hormone cho những bệnh nhân ung thư cổ tử cung có triệu chứng mãn kinh. Mãn kinh do điều trị có thể dẫn đến các triệu chứng khó chịu (ví dụ triệu chứng vasomotor (triệu chứng vận mạch), khô âm đạo, quan hệ tình dục khó khăn hoặc đau đớn (dyspareunia). Những nguyên tắc chung về nguy cơ và lợi ích của liệu pháp hormone sau mãn kinh được thảo luận riêng.

Có một số thông tin cho thấy điều trị thay thế hormone có thể không an toàn, nhưng theo những nghiên cứu hiện tại, điều trị thay thế hormone không gây tăng hoạt động của HPV (virus gây u nhú ở người) hoặc tăng nguy cơ tái phát. Duy nhất một nghiên cứu trên 120 bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn I hoặc II và những bệnh nhân này được ghi nhận không có sự khác biệt rõ ràng về sống còn 5 năm dù có hoặc không dùng liệu pháp thay thế hormone (80% so với 65%), và tỷ lệ tái phát cũng không có sự khác biệt (20% so với 32%).

Thay đổi chức năng tình dục

Cắt tử cung và xạ trị có thể thay đổi chiều dài hoặc kích thước âm đạo và giảm độ nhờn cũng như độ co giãn của âm đạo. Những thay đổi có thể gây bất lợi về vấn đề tình dục, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tác động không tốt lên tâm lý xã hội sau điều trị. Tần suất được báo cáo với những thay đổi này xảy ra có biên độ giao động rất lớn, tần suất từ 4 - 100% đối với âm đạo ngắn lại và 17 - 58% giảm dịch nhầy âm đạo.

Một báo cáo có hệ thống bao gồm 20 nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng lên nhu cầu tình dục đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung sau điều trị bao gồm:

- Giảm tiết nhầy âm đạo là biến chứng thường gặp đối với bệnh nhân ung thư cổ tử cung đã điều trị, đặc biệt những bệnh nhân sau xạ trị.

- So với những người không có tiền sử bị ung thư cổ tử cung, những bệnh nhân sau khi điều trị khó đạt cực khoái khi giao hợp. Hai nghiên cứu gợi ý khó đạt cực khoái có thể giảm dần và mất sau từ 6 tháng - 1 năm sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị.

- Quan hệ tình dục khó khăn hoặc đau đớn khá thường gặp ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung sau điều trị so với những phụ nữ không bị ung thư cổ tử cung. Triệu chứng này giảm dần khoảng 3 tháng sau phẫu thuật, nhưng có thể kéo dài tới hơn 2 năm sau xạ trị.

Tiếp cận điều trị bệnh nhân có triệu chứng khó khăn và đau khi quan hệ tình dục bao gồm sử dụng chất bôi trơn, sử dụng estrogen đường âm đạo, sử dụng dụng cụ nông âm đạo.

Theo dõi sau điều trị

Những bệnh nhân ung thư cổ tử cung ở mọi giai đoạn đều cần được theo dõi sau điều trị. Mục tiêu chính của việc theo dõi là sớm phát hiện tái phát để điều trị. Theo dõi bao gồm hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, khám vùng chậu.

Chúng tôi thậm chí còn sử dụng Pap test ở những bệnh nhân đã phẫu thuật cắt tử cung tận gốc. Sử dụng Pap test sau khi xạ trị có thể gặp dương tính giả, tỷ lệ này khá cao. Hình ảnh học thường được chỉ định khi bệnh nhân có triệu chứng tái phát.


BS.CKII. NGUYỄN VĂN TIẾN
Ý kiến của bạn