Số liệu đo được trên cổng thông tin quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (moitruongthudo.vn) từ 7h đến 8h ngày 22/1 cho thấy, có 8 khu vực chất lượng không khí ở mức trung bình (màu vàng), chỉ số AQI dao động từ 62 đến 100; 3 khu vực ở ngưỡng kém (màu cam), chỉ số AQI từ 107 đến 122 và 1 khu vực ở mức xấu (màu đỏ) là xã Vân Hà (huyện Đông Anh), chỉ số AQI ở ngưỡng 160.
Tương tự, các khu vực đặt trạm quan trắc chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cem.gov.vn) mức độ ô nhiễm không khí cũng "hạ nhiệt" từ rất xấu (màu tím - cấp độ ô nhiễm 4/5) cũng đã giảm xuống ngưỡng xấu, kém và trung bình. Khu vực có chỉ số AQI cao nhất là 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) ở mức 169, khu vực Đại học Bách khoa (phía đường Giải Phóng) có chỉ số AQI là 138 và công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) có chỉ số AQI là 79.
Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng không khí ở mức màu cam "không tốt cho các nhóm nhạy cảm với chỉ số AQI là 104, xếp thứ 39. Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Theo các chuyên gia môi trường, chất lượng không khí tuy có sự cải thiện, nhưng không bền vững. Bởi, hiện nay đang là cao điểm mùa "ô nhiễm" (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau). Hơn nữa những ngày cuối năm các doanh nghiệp hoạt động hết công xuất, lưu lượng phương tiện giao thông cao dễ phát sinh nguồn khí thải lớn, bụi mịn PM2.5 lơ lửng trong bầu khí quyển tầng thấp không khuếch tán được, gây ô nhiễm.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo, người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát sinh khí thải; thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí trên trang thông tin: moitruongthudo.vn và cem.gov.vn để có biện pháp bảo vệ sức khỏe của mình…