Triển khai từ những năm 2009, Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” đa mang lại hiệu quả rõ nét với các bệnh viện tuyến tỉnh của Hải Dương, rút ngắn khoảng cách với các bệnh viện tuyến trên.
Hiệu quả trong điều trị
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương là một trong những bệnh viện đầu tiên của tỉnh được hỗ trợ từ tuyến TW. Là tuyến cuối chất lượng điều trị tại bệnh viện đã có thay đổi rõ nét khi có Đề án 1816. Nhiều kỹ thuật khó trước đây không thể thực hiện độc lập tại bệnh viện thì nay các bác sĩ ở đây đã vững vàng tự chủ thực hiện cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Chuyên khoa ngoại là một trong những điển hình về áp dụng các kỹ thuật mới được chuyển giao từ Bệnh viện Việt Đức.
Bệnh nhân Vũ Hải V. (49 tuổi, ở thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, Hải Dương) nhập viện trong tình trạng hôn mê. Qua chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não nặng, tràn hết vùng não phía sau gáy với tiên lượng tử vong. Các bác sĩ cho biết, nếu chuyển tuyến tức thì, bệnh nhân phải đặt nội khí quản, hỗ trợ tích cực nhưng khó kiểm soát vì tỷ lệ tử vong khi vận chuyển lên tuyến trên rất cao. Hội chẩn gấp giữa Khoa Ngoại 2, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, bệnh nhân V. đã được thực hiện phẫu thuật sọ não ngay tại bệnh viện. Sau 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Hiện nay, anh V. trở lại bình thường và không có biến chứng, anh V. vẫn tiếp tục công tác tại địa phương.
Bệnh nhân Trần Văn Tùng (14 tuổi, ở xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện) lõm lồng ngực đoạn 1/3 dưới lõm 30%. Bệnh nhân được mổ nội soi lồng ngực nâng xương ức. Sau mổ bệnh diễn biến ổn định, lồng ngực được nâng lên bằng phẳng như bình thường...
Đây chỉ là hai trong số hàng trăm bệnh nhân có bệnh lý phức tạp được thực hiện thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương. Theo ThS. Phạm Hồng Phúc - Trưởng phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, Đề án 1816 được áp dụng triển khai tại bệnh viện từ năm 2010, đã có gần 150 lượt cán bộ bệnh viện tham gia học tập các chuyên ngành ở các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện E, Bệnh viện K, Bạch Mai, Việt Đức... Đồng thời, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị trong chẩn đoán và điều trị giúp hỗ trợ việc thực hiện các kỹ thuật chuyển giao: như máy chụp cộng hưởng từ (ít bệnh viện tuyến tỉnh có), máy chụp cắt lớp, dàn máy nội soi cho chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật lồng ngực, máy khoan sọ não, dao điện, monito...
Bệnh viện Phụ sản Hải Dương trung bình một năm tiếp nhận và thực hiện điều trị nội trú cho trên 14.000 lượt bệnh nhân trong đó thực hiện phẫu thuật gần 6.000 ca thông thường. Với Đề án 1816, Bệnh viện Phụ sản TW đã chuyển giao kỹ thuật mới về phương pháp phẫu thuật nội soi đặc biệt. BS. Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hải Dương cho biết: Sau hai tháng chuyển giao, hiện bệnh viện đã hoàn toàn độc lập thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật nội soi khó như cắt toàn bộ tử cung; bóc u xơ tử cung ở người trẻ vẫn đảm bảo sinh nở; khoét hạch ở bệnh nhân ung thư; tạo hình buồng trứng, vòi trứng sau phẫu thuật... Việc áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật nội soi đặc biệt tại bệnh viện đem lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị, ít tai biến và an toàn cho người bệnh, tỷ lệ tắc ruột, dính ruột hầu như hiếm gặp. Ngoài ra còn góp phần giảm tải bệnh nhân vượt tuyến và thực hiện tốt chức năng của bệnh viện vệ tinh.
Nhiều kỹ thuật mới sẽ được chuyển giao
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương là một trong những đơn vị đi đầu ký hợp đồng đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 với Bệnh viện Việt Đức về lĩnh vực ngoại khoa. Hiện tại, bệnh viện đã áp dụng thành công hai gói chuyển giao là phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo và phẫu thuật cột sống ngực, thắt lưng. Cùng với việc từng bước đầu tư trang thiết bị áp dụng cho thực hiện kỹ thuật chuyển giao, bệnh viện đã có phương án chi tiết, bố trí nhân lực có chuyên môn sâu về lĩnh vực ngoại khoa để theo học 6 gói kỹ thuật mới như: phẫu thuật cắt dạ dày bằng phương pháp nội soi và phẫu thuật cột sống, phẫu thuật thần kinh, tim mạch, lồng ngực (hoàn thiện kỹ thuật lấy u não; thay đoạn động mạch); phẫu thuật tiêu hóa (cắt toàn bộ dạ dày, đại tràng, phẫu thuật thoát vị bẹn); phẫu thuật gây mê (xử trí một số tình huống cấp cứu nghiêm trọng trong gây mê hồi sức, gây mê trong mổ nội soi lồng ngực...).
Đối với hai bệnh viện vệ tinh là Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phụ sản, ngoài việc áp dụng thành thạo các kỹ thuật chuyển giao cũng đề ra lộ trình định hướng trong những năm tiếp theo. Bệnh viện Nhi Hải Dương đề xuất chuyển giao các gói kỹ thuật trong chuyển giao hồi sức cấp cứu, ngoại khoa và bệnh lý thần kinh. Bệnh viện Phụ sản TW chuyển giao cho Bệnh viện Phụ sản Hải Dương 12 gói kỹ thuật về nội soi cơ bản, chẩn đoán, xét nghiệm, hồi sức cấp cứu... Thực tế cho thấy, hiệu quả Đề án 1816 là rõ nét, tuy nhiên, việc triển khai tại một số bệnh viện tuyến tỉnh còn nhiều vướng mắc: việc xác định chuyên khoa mũi nhọn để chuyển giao chưa sát với thực tế; nguồn nhân lực chất lượng cao, phương tiện máy móc hỗ trợ để thực hiện kỹ thuật chưa đồng bộ; nhiều thiết bị y tế quá đắt đối với tuyến tỉnh chưa khả thi về nguồn ngân sách hỗ trợ mua sắm và khó có thể thu lại nguồn vốn đầu tư. Thời gian đi luân phiên, điều kiện cơ sở vật chất cũng như trình độ của tuyến dưới khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật còn chưa chặt chẽ, nhân lực tuyến dưới còn thiếu.
Khắc phục sự tồn tại trên, Đề án 1816 của Bộ Y tế sẽ thực sự khả thi mang lại hiệu quả, đưa kỹ thuật cao về thực hiện tại các bệnh viện tuyến dưới, đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân từng bước góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.
Bài, ảnh: NGUYỄN ĐỨC THÀNH
(Trung tâm Truyền thông GDSK Hải Dương)