Chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn thời gian ngủ
Theo một nghiên cứu công bố mới đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học John Moores (Vương quốc Anh), chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn thời gian ngủ, đặc biệt đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Một đêm ngon giấc thường được định lượng từ 7 đến 8 giờ ngủ. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu mới cho rằng một giấc ngủ ngon, dù chỉ ngắn sẽ có lợi cho việc duy trì sức khỏe tốt hơn một giấc ngủ dài.
Theo nghiên cứu trên, những người có chất lượng giấc ngủ kém có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp cao gấp 3 lần. Nghiên cứu cũng khẳng định chất lượng giấc ngủ tốt là ngủ không trằn trọc trong đêm và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chất lượng giấc ngủ tốt có thể bù đắp hiệu quả cho việc thiếu hụt số giờ ngủ và củng cố hệ miễn dịch của cơ thể.
Để thực hiện nghiên cứu này, các nhà khoa học đã theo dõi gần 1.318 tân binh - 68% trong số đó là nam giới - trong 12 tuần. Các nhà nghiên cứu theo dõi giấc ngủ và sức khỏe của những người tham gia trong những tuần trước khi huấn luyện và sau khi họ nhập ngũ, nơi họ phải tuân thủ các thói quen thức dậy nghiêm ngặt.
Trung bình, những người tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn hai giờ trong thời gian huấn luyện quân sự so với cuộc sống dân sự. Tuy nhiên, hơn một nửa số người tham gia có thời gian ngủ ít có chất lượng giấc ngủ tốt.
Kết quả những tân binh thiếu ngủ trong quá trình huấn luyện có nguy cơ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cao gấp 3 lần. Thời gian ngủ ngắn làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh chỉ xuất hiện ở những người có chất lượng giấc ngủ kém, trong khi những người có chất lượng giấc ngủ tốt được bảo vệ chống lại các bệnh đường hô hấp, mặc dù thời gian ngủ của họ cũng không nhiều.
5 thói quen cần có để cải thiện chất lượng giấc ngủ
Có hai thông điệp rất quan trọng:
Thứ nhất, thiếu ngủ có thể dẫn đến mắc bệnh thường xuyên hơn,
Thứ hai, việc ngủ ngon đem lại lợi ích về miễn dịch vượt trội so với việc ngủ dài.
Theo các nhà nghiên cứu, có 5 thói quen cần thực hiện để cải thiện chất lượng giấc ngủ:
- Áp dụng một lịch trình ngủ nhất quán (thời điểm đi ngủ và thức dậy cố định hằng ngày, kể cả cuối tuần).
- Tránh ăn nhiều, tránh sử dụng caffein và rượu gần giờ đi ngủ.
- Đảm bảo giường, gối ngủ thoải mái, phòng ngủ thoáng mát, tối và yên tĩnh.
- Duy trì thói quen thư giãn trước khi đi ngủ: Không sử dụng màn hình trước khi ngủ 30 phút.
- Đi ngủ khi có dấu hiệu đầu tiên của buồn ngủ và tập thể dục trong ngày để tạo thuận lợi cho việc chìm vào giấc ngủ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cậu bé 14 tuổi bị đột quỵ dẫn đến nguy kịch.