Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường quản lý chất lượng bệnh viện (BV)” do Bộ Y tế phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức trong hai ngày 18-19/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, những bài học đau xót của ngành xảy ra gần đây cho thấy, những BV đầu ngành có chất lượng chuyên môn rất tốt, nhận được biết bao tin yêu và khen ngợi của người dân nhưng chỉ vì một vài sự cố đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành. Sự cố y khoa có thể đến từ bất kỳ hoạt động nào của BV, từ cơ sở vật chất như tường ẩm mốc, nhà vệ sinh cho đến các sự cố về chất lượng lâm sàng... Vì vậy, nếu BV không quản lý được toàn diện chất lượng các dịch vụ, rất có thể những sự cố đó sẽ còn lặp lại...
Chất lượng BV không phải là cái gì quá cao sang
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện đa số các BV đã thành lập phòng hoặc tổ quản lý chất lượng nhằm bao quát, giám sát chất lượng các hoạt động trong BV. Tuy nhiên, ông Khuê cũng thẳng thắn cho rằng, cái khó của các BV hiện nay chính là công tác quản trị BV, rồi phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, trong đó có những cái tưởng như đơn giản nhưng nhiều BV hiện vẫn tồn tại là vấn đề nhà vệ sinh, rồi từ ông bảo vệ, chỗ gửi xe...
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin thêm, mặc dù thời gian qua chất lượng của các BV đã có sự thay đổi tốt hơn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đã thân thiện hơn... nhưng muốn có chất lượng BV thực thụ, phải có thêm sự thay đổi về cơ sở vật chất, đó là khi người bệnh đi xét nghiệm không phải chạy tất tả đi lấy máu một nơi, rồi đến lấy kết quả một nơi, rồi chỗ ngồi chờ khám thông thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông; rồi nhà vệ sinh phải sạch sẽ...
Nâng cao chất lượng để “níu chân” người bệnh
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, khi Bộ Y tế mới ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng BV gồm 83 tiêu chí, nhiều cán bộ, viên chức ngành y tế còn chưa thay đổi quan điểm, chưa bắt kịp xu hướng mới nên còn ý kiến chưa đồng thuận. Tuy vậy, sau 3 năm thí điểm, nhiều BV đã tích cực áp dụng Bộ Tiêu chí và có những chuyển biến rõ rệt, từ cải tiến quy trình khám bệnh, trả kết quả xét nghiệm đến môi trường, cảnh quan, xây dựng phác đồ, chất lượng chuyên môn, chủ động báo cáo sự cố y khoa và rất nhiều mặt tích cực khác... Việc nâng cao chất lượng KCB đã góp phần thay đổi hẳn bộ mặt BV. “Nếu chúng ta cùng có quyết tâm, có niềm đam mê thì tôi tin tưởng rằng phong trào cải tiến chất lượng sẽ càng ngày nâng lên và tương lai rất gần sẽ là “người người cùng phấn đấu nâng cao chất lượng”! Có chất lượng tốt người bệnh sẽ hài lòng hơn, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế có thu nhập tốt hơn, yên tâm công tác hơn”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng đặt ra câu hỏi, tại sao bác sĩ của chúng ta có trình độ chuyên môn, chúng ta đã thực hiện nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới trong KCB nhưng người Việt Nam vẫn ra nước ngoài KCB nhiều. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiến đến xây dựng một môi trường BV không chỉ chăm chú về chuyên môn, đầu tư trang thiết bị hiện đại mà quên đi những cái tối thiểu như môi trường xanh - sạch - đẹp, thái độ phục vụ của cán bộ y tế ân cần, niềm nở, của từ ông bảo vệ, ông trông xe, nhà ăn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... có như thế chúng ta mới có các BV đạt đúng theo tiêu chuẩn quốc tế và “níu” chân người bệnh không ra nước ngoài KCB nữa...