Chất kịch độc botulinum trong Pate Minh Chay: Chưa đến 0,1mg có thể gây tử vong

09-09-2020 08:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp tục ghi nhận bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay. Bác sĩ cho biết, độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

35 người đến khám sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay

Mặc dù Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo khẩn cấp vào ngày 29/8: Ngừng lưu hành và thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum nhưng ngày 3/9 vẫn có một người ăn Pate Minh Chay và đã bị ngộ độc, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Theo số liệu thống kê đến ngày 7/9, Trung tâm đã tiếp nhận 35 trường hợp đến khám, sàng lọc sau khi ăn Pate Minh Chay.

Trong đó, có 13 trường hợp có triệu chứng của ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này đã ăn thực phẩm Pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định, được các bác sĩ thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm, tư vấn theo dõi sức khỏe tiếp, nếu có diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.

Qua các hoạt động hội chẩn, trao đổi chuyên môn giữa các bác sĩ thuộc hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu của các tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin và vẫn còn một lượng sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (trong đó chủ yếu là Pate Minh Chay) vẫn đang lưu lại tại các hộ gia đình, chưa được thu hồi hết và nguy cơ gây ngộ độc tiếp.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum điều trị tại Trung tâm Chống độc.

Loại bỏ chất độc càng sớm càng tốt

TS. Nguyên cho biết, các sản phẩm của công ty trên đang gây ngộ độc, đặc biệt món Pate Minh Chay chứa các độc tố botulinum cực độc. Độc tố này chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.

"Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt" - chuyên gia chống độc nói.

Về sức khỏe hai bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Cả hai đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc vào ngày 29/8. Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ.

Đặc biệt bệnh nhân đã tự ăn uống được bằng đường miệng và có thể đi lại. Bệnh nhân nam cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn. Các bác sĩ hy vọng tình trạng của bệnh nhân này sẽ được cải thiện tốt hơn do đã được dùng thuốc giải độc.

Sức khỏe của 2 bệnh nhân đầu tiên đang tiến triển tốt: Người vợ có thể tự đi sang giường thăm chồng.

Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, để tiếp tục phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum:

- Người dân cần tuyệt đối ngừng sử dụng các sản phẩm của Cty này (trong đó chủ yếu là pate Minh Chay).

- Nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của Công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng.

- Với những người đã sử dụng phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu…) cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.

Ngày hôm qua 8/9, WHO cho biết đã tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.

Số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam ngày trong chuyến bay ngày hôm qua từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.

Trước đó, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai.

10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 3875/QĐ-KCB quyết định về việc ban hành hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.

Mai Thanh - Dương Hải
Ý kiến của bạn