Chặt hạ cây sưa đỏ 100 năm tuổi ở hồ Hoàn Kiếm: Trồng thay thế cây gì phù hợp?

26-05-2023 13:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Đơn vị chức năng đã hoàn thành việc chặt hạ các cây sưa đỏ chết quanh hồ Hoàn Kiếm và chuẩn bị trồng thay thế cây mới.

Cận cảnh chặt hạ 3 cây Sưa tại Hồ GươmCận cảnh chặt hạ 3 cây Sưa tại Hồ Gươm

SKĐS - Sau khi chặt hạ, toàn bộ phần gỗ Sưa sẽ bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội tiếp nhận, bảo quản và thực hiện thanh lý.

Chết cây gì trồng lại cây đó

Sau 2 ngày làm việc (24-25/5), Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cùng với Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội đã hoàn thành việc chặt hạ 5 cây xanh chết trong khu vực vườn hồ Hoàn Kiếm. Trong số 5 cây chết có 3 cây sưa đỏ, 1 cây muồng và 1 cây bằng lăng. Đối với 3 cây sưa đỏ, vì có giá trị nên được bàn giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng) tiếp nhận và bảo quản, đồng thời thực hiện thanh lý gỗ theo quy định.

Về việc chọn cây trồng thay thế, theo Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội sẽ thực hiện trong tuần tới. Chủ trương chung là chặt hạ cây gì thì sẽ trồng thay thế bằng chính cây đó. Chặt hạ cây sưa đỏ thì sẽ thay bằng cây sưa đỏ, chặt hạ cây muồng thì thay bằng cây muồng, chặt hạ cây bằng lăng thì thay bằng cây bằng lăng.

Trước đó, thời gian qua, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm xuất hiện 5 cây xanh bị chết khô, tróc vỏ gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với du khách tham quan. Đặc biệt trong số 5 cây chết, có 3 cây sưa đỏ. Một cây sưa đỏ trong đó có tuổi đời khoảng trên 100 năm, nằm gần phía cầu Thê Húc. Cây sưa này đã chết khô, nhiều cành mục ruỗng.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, hệ thống cây xanh ở Hà Nội có từ năm 1980, khi Pháp quyết định lấy Bờ Hồ làm trung tâm. Họ đã nghiên cứu rất kỹ, rồi mới tiến hành trồng. Tại sao họ lại trồng cây vàng anh, cây lộc vừng ở sát bờ Hồ, bởi những cây đó thích nghi với nước. Những cây xanh như lộc vừng, cây gạo, cây xà cừ ở đây đều trên 100 tuổi.

Chặt hạ cây sưa đỏ 100 năm tuổi ở hồ Hoàn Kiếm: Trồng thay thế cây gì phù hợp? - Ảnh 2.

Hệ thống cây cổ thụ xung quanh Hồ Gươm tạo cảnh quan bóng mát đẹp cho người dân Thủ đô.

Hệ thống cây xanh ở Bờ Hồ có giá trị đa dạng sinh học rất cao với hàng trăm loài. Cây xanh ở quanh hồ Gươm đã trở thành di tích lịch sử với nhiều cây cổ thụ như cây gạo, cây lộc vừng, cây phượng, xà cừ… Nó chứng kiến bao nhiêu biến cố lịch sử của Thủ đô và đi vào lòng người từ nhiều năm nay.

Những hàng cây quanh hồ Gươm là nơi người dân Hà Nội đi bộ, tập thể dục hàng ngày. Các đợt kỷ niệm ngày lễ lớn với mít tinh, diễu hành cũng đi qua đây. Thời gian gần đây, Hà Nội còn quy hoạch quanh hồ Gươm để làm phố đi bộ, phục vụ du lịch. Cây xanh Hồ Gươm có cả giá trị về sinh thái cảnh quan lẫn lịch sử, việc trồng cây bổ sung, thay thế cây bị chết là điều cần thiết.

Các loại cây phù hợp với đô thị có rất nhiều, song nên chọn loại có tán rộng, rễ sâu, thể hiện đặc trưng của Thủ đô. Trồng thay thế chính loại cây vừa chết là một phương pháp tốt, song bài toán lúc này là làm gì để giữ gìn, tránh tình trạng cây chết không rõ nguyên nhân.

Bảo vệ cây cổ thụ thế nào?

Theo GS.TS Ngô Quang Đê, trường ĐH Lâm nghiệp, Hà Nội, tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, muồng, bằng lăng… đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các loại cây mới để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững…. Điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… tại Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn như trước đây, cây sao đen trồng ở Hà Nội cây nào là thành công cây đó, nhưng bây giờ cây này trồng không thể sống được nữa… Ngay cả những cây đã trồng thành công trước đây như sấu, bằng lăng, dổi… bây giờ trồng mới chưa chắc đã sống được. Vì vậy phải nghiên cứu kỹ khi trồng cây thay thế.

Ngoài việc trồng mới, theo các chuyên gia, những cây cổ thụ xung quanh Hồ Gươm cần phải được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Ví dụ, cây hoa gạo phía đường Lê Lai rất cổ, rất đẹp. Trước kia, mỗi khi đến mùa, hoa gạo nở đỏ rực một góc hồ, ngắm không chán mắt. Nay gốc cây xù xì các vết sẹo, có hốc cây người chui lọt. Đến mùa hoa, cây chỉ ra nụ, không kịp nở đã rụng, chứng tỏ cây đã cỗi quá, cần được chăm sóc đặc biệt như đắp thêm đất vào các hốc cây, bón phân vi sinh... kẻo cây chết thì không biết đến bao giờ mới trồng lại được.

Còn cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu cũng quá già, tầm gửi bám đầy ngọn cây. Mỗi mùa lá đa rụng thì chỉ còn thấy các bụi tầm gửi xanh um. Để bảo vệ cây đa này, cần phải cắt bỏ hết các bụi tầm gửi, chăm bón gốc để rễ cây khỏe mạnh. Mấy cây lộc vừng quý hiếm trước kia hoa đỏ rực, buông rèm xuống mặt nước hồ, những năm gần đây lượng hoa cũng đã thưa vắng dần...

Theo GS Đê, xét về mặt đa dạng sinh học, cơ cấu các loài cây cảnh quan ở Hà Nội còn quá đơn điệu, mặc dù theo thống kê trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 loài khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có khoảng 25 loài chiếm tỉ lệ áp đảo. Khi trồng mới, về mặt kỹ thuật, cần hết sức lưu ý đến vấn đề ô nhiễm đất trước khi trồng. Tại các vị trí trồng phải xem xét kỹ xem có bị ô nhiễm xăng, dầu, chất thải công nghiệp độc hại nào không. Nếu có thì phải tuyệt đối đào hố bỏ đi khoảng 1-2 mét khối và thay bằng đất mới đảm bảo tiêu chuẩn.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.

Công viên Châu Á đẹp như phim điện ảnh trong khung trời rực vàng hoa sưaCông viên Châu Á đẹp như phim điện ảnh trong khung trời rực vàng hoa sưa

Mỗi tháng 4, khi hoa sưa vàng bắt đầu nở rộ, Công viên Châu Á lại trở thành điểm check-in không thể bỏ qua của du khách và người dân Đà Nẵng nhờ vẻ đẹp quá đỗi điện ảnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Huyết Áp Cao Liên Tục, Bé Trai 14 Tuổi Phát Hiện Mắc Bệnh Hiếm Gặp Ở Việt Nam Và Thế Giới | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn