Chất gây nghiện - “Bệnh mạn tính” của Hollywood

03-08-2018 14:17 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Kể cả nếu diễn viên không mất mạng vì dùng thuốc quá liều, thì heroin, cần sa và các chất gây nghiện khác cũng gây tổn thất không thể chữa lành về mặt thể chất, tinh thần, quan hệ và công việc của họ.

Vậy vì sao các diễn viên lại lựa chọn sử dụng chất gây nghiện trong khi họ hoàn toàn biết rõ về các tác hại?!

Vào hôm thứ 3 ngày 24/7 vừa qua, ca sĩ - diễn viên Demi Lovato được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh tại ngôi nhà riêng của cô ở Laurel View Drive, Hollywood, bang Los Angeles, Mỹ. Các bác sĩ chẩn đoán cô đang chịu hậu quả của việc sử dụng heroin quá liều. Thật may mắn, cô đã tỉnh lại và đang hồi sức ở bệnh viện.

Dung nhan trước và sau khi sử dụng ma túy của Lindsay Lohan, nữ diễn viên nhí từng nổi tiếng một thời.

Dung nhan trước và sau khi sử dụng ma túy của Lindsay Lohan, nữ diễn viên nhí từng nổi tiếng một thời.

Không phải ai cũng có được may mắn như Demi Lovato. Danh sách các minh tinh Hollywood chết vì lạm dụng chất gây nghiện cứ dài ra mỗi năm. Trong đó có những cái tên đã đi vào lịch sử của làng điện ảnh như Lý Tiểu Long (mất năm 1973), John Belushi (mất năm 1982) và Whitney Houston (mất năm 2012).

Ngay từ khi vấn đề diễn viên dùng chất gây nghiện nhận được sự chú ý của công luận Mỹ từ thập niên 1980, câu trả lời đã quá rõ ràng với mọi người liên quan để làm được việc rằng,  Hollywood, bề ngoài có thể thanh bình, nhưng mỗi diễn viên sống và làm việc tại nơi đây đang hằng ngày tham gia một cuộc chiến khốc liệt. Trước hết, mỗi vai diễn, kể cả những vai phụ, có thể có đến hàng chục hay thậm chí hàng trăm diễn viên đến thử vai. Với những người được chọn, áp lực phải diễn xuất thật xuất sắc đè lên vai họ là lớn vô kể.

Ngay bản thân việc diễn trước máy quay cũng vốn đã cực kỳ khó khăn. Chuyện diễn viên phải đóng đi đóng lại một phân cảnh cả chục lần không phải là hiếm. Và riêng chuyện tưởng tượng mình phải gò bản thân vào một khuôn mẫu hàng tiếng đồng hồ, dưới sự chỉ đạo, hò hét của đạo diễn cũng đã làm nhiều người bình thường cảm a phát sợ. Mà khác với những nghề khác, diễn viên không có giờ làm việc hay nơi làm việc, mà tất cả đều phụ thuộc vào yêu cầu của đạo diễn.

Dưới áp lực quá lớn về mặt sức khỏe như trên, nhiều diễn viên không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng thuốc phiện chỉ để làm tiếp công việc của mình. Nữ diễn viên gạo cội Carrie Fisher từng thú nhận rằng, trong quá trình quay bộ phim Star Wars: The Empire Strikes Back (Chiến tranh giữa các vì sao: Sự trả thù của Đế chế), bà phải hút cocaine để có thể làm việc 10 tiếng liên tục trong thời tiết dưới 0oC (phần đầu bộ phim được quay trên tảng băng Hardangerjøkulen thuộc hải phận Na Uy).

Cũng có một lý do khác hay được nhắc tới để giải thích vấn đề lạm dụng chất gây nghiện ở Hollywood, đó là cuộc sống riêng tư. Cũng giống như những con nghiện khác, các diễn viên Hollywood thường gặp phải những vấn đề về tâm lý trước khi họ tìm đến ma túy, mà trong đó lý do hay gặp nhất là “vì cô đơn” - cuộc sống của các diễn viên Hollywood thật ra rất cô độc. Họ gần như không có bạn bè thân thiết, phần vì sợ gặp phải những kẻ cơ hội, phần vì mọi mối quan hệ của họ bị giới truyền thông đem ra mổ xẻ. Vì không có ai để tâm sự, nên họ đành coi thuốc phiện như một cách để giải tỏa nỗi lòng mình.

Cách giải quyết có thể đơn giản chỉ là tìm được một người để trò chuyện, nhưng chính việc này cũng là khó vô cùng với các diễn viên. Nếu không kể đến những lý do vừa nói ở trên, thì các diễn viên, đặc biệt là những ngôi sao nổi tiếng thường ít có cơ hội tiếp xúc với người dám thẳng thắn với họ. Ai cũng mong muốn làm vừa lòng họ. Về lâu dài, ngoài việc trở nên bị cô lập trong đám đông, cái “tôi” của các diễn viên bị bơm phồng lên khiến họ sẵn sàng làm những việc mạo hiểm, trong đó có sử dụng chất gây nghiện.

Hiện tượng này đặc biệt có hại với lứa diễn viên đang trong tuổi trưởng thành. Các em trong khoảng 6-16 tuổi, độ tuổi mà đáng lẽ phải được dạy dỗ nghiêm khắc lại bị người lớn chiều chuộng một cách vô trách nhiệm. Các em lớn lên không những ý thức về ma túy còn thiếu, mà cả các quan niệm về đạo đức khác cũng sai lệch. Đơn cử như nam diễn viên Eward Furlong nổi tiếng vì vai John Connor trong bộ phim Terminator 2: Judgement Day (Kẻ hủy diệt 2: Ngày phán xử). Trong vòng hơn 10 năm, anh từng nhiều lần phải vào trại cai nghiện, rồi lại còn dính vào ba vụ án đều liên quan đến hành vi sử dụng vũ lực đối với vợ cũ và người tình của mình.

Biết được điểm yếu của các diễn viên, bọn buôn ma túy thường xuyên nhắm vào họ. Nhờ các mối quan hệ cá nhân mà chúng tham dự được vào Hollywood, để từ đó dẫn dụ các ngôi sao đến với ma túy.

Môi trường Hollywood tạo điều kiện để trở thành con nghiện, đồng thời lại làm khó cho những người muốn cai nghiện. Chỉ cần có tin đồn có sử dụng ma túy thôi là một diễn viên có thể bị đuổi khỏi bộ phim và sau này không bao giờ còn nhận được vai diễn nào nữa. Lại lấy ví dụ Demi Lovato. Tuy đã rất thành công trong sự nghiệp ca hát và diễn xuất hồi cuối thập niên 2000, nhưng những năm gần đây cô gần như trở thành “con hủi” của Hollywood, bị giới làm phim cô lập hoàn toàn chỉ vì đã có thời gian ngắn hút cần sa. Đây là việc không thể tưởng tượng nổi với các diễn viên. Thay vì trở nên thành thật với bản thân và tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ, họ lại cố giấu nhẹm đi vấn đề của mình.

Nghề nghiệp nào cũng có những áp lực của riêng nó. Nhưng với các diễn viên, cái mà họ đang phải chịu đựng vượt quá mức giới hạn của những người thường. Đây chính là lý do mà nhiều người không có sự lựa chọn nào khác mà phải tìm đến chất gây nghiện. Có lẽ đã đến lúc Hollywood nghiêm túc nhìn lại mình mà tìm cách giải quyết những vấn đề căn bản trong bộ máy đang vận hành để giải quyết được vấn nạn này.


Lê Công Vũ
Ý kiến của bạn