Hà Nội

Chất gây dị ứng phổ biến trong mỹ phẩm, phòng ngừa thế nào?

09-02-2023 14:47 | Mỹ phẩm
google news

SKĐS - Một số thành phần trong mỹ phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người. Hãy tìm những chất có thể gây dị ứng này trong mỹ phẩm để ngăn ngừa viêm da tiếp xúc khi sử dụng…

Nếu bạn bị nổi mẩn đỏ, ngứa trên da sau khi sử dụng mỹ phẩm (xà phòng, kem dưỡng da, sản phẩm trang điểm hoặc nước hoa…), rất có thể bạn bị dị ứng với một thành phần có trong sản phẩm.

Phản ứng dị ứng với mỹ phẩm là điều bình thường và xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với một chất lạ (chất gây dị ứng).

Phản ứng dị ứng với mỹ phẩm có thể biểu hiện như: Phát ban, ngứa da, bong tróc da, sưng mặt, kích ứng mắt, mũi và miệng, thở khò khè. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây sốc phản vệ (một tình trạng có thể đe dọa tính mạng). Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng như mất ý thức, khó thở, khó nuốt, choáng váng, đau ngực, mạch nhanh, yếu, buồn nôn và nôn... cần được cấp cứu kịp thời.

photo-1675914956996

Một số thành phần trong mỹ phẩm có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người.

1.Nhận biết các chất gây dị ứng phổ biến có trong mỹ phẩm

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phân loại các chất gây dị ứng phổ biến có trong các sản phẩm mỹ phẩm thành 5 loại. Đó là: Cao su tự nhiên, chất tạo mùi hương, chất bảo quản, thuốc nhuộm và kim loại.

1.1 Cao su tự nhiên

Một số sản phẩm mỹ phẩm có thể chứa cao su tự nhiên bao gồm keo dán tóc, sơn cơ thể, bút kẻ mắt, keo dán lông mi… ao su tự nhiên có chứa các protein kháng nguyên có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm với mủ cao su.

Phản ứng dị ứng với latex (hay còn được gọi với cái tên latex cao su), có thể xuất hiện như kích ứng da hoặc phát ban, các vấn đề về hô hấp và thậm chí là sốc phản vệ.

1.2 Chất tạo hương thơm

Ủy ban Châu Âu đã liệt kê 26 thành phần tạo hương thơm là chất gây dị ứng. Trong số này, các chất gây dị ứng được báo cáo thường xuyên nhất là: Amyl cinnamal, amylcinnamyl alcohol, benzyl alcohol, benzyl salicylate, cinnamyl alcohol, cinnamaldehyde, hydroxycitronellal, hydroxyisohexyl 3-cyclohexene carboxaldehyde (HICC), isoeugenol…

Ngoài viêm da tiếp xúc, các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp ở một số người và gây khó thở, ho, đờm, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, nhức đầu, tức ngực và thở khò khè…

1.3 Chất bảo quản

Danh sách các chất bảo quản có trong một số sản phẩm mỹ phẩm được xác định là chất gây dị ứng phổ biến bao gồm: Methylisothiazolinone (MIT), methylchloroisothiazolinone (CMIT), formaldehyde và các thành phần giải phóng formaldehyde như bronopol, diazolidinyl urê, DMDM hydantoin, imidazolidinyl urê, natri hydroxymethylglycinate…

1.4 Thuốc nhuộm

P-phenylenediamine (PPD) và nhựa than đá là những chất gây dị ứng phổ biến được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc và hình xăm henna đen.

1.5 Kim loại

Các chất gây dị ứng được liệt kê trong danh mục này bao gồm niken và vàng. Ô nhiễm niken được tìm thấy rộng rãi trong mỹ phẩm sử dụng oxit sắt như phấn nền, kẻ mắt và các sản phẩm dành cho môi.

Titanium dioxide được sử dụng như một thành phần tích cực trong kem chống nắng, có thể hấp thụ các hạt vàng từ đồ trang sức và gây viêm da tiếp xúc ở những bệnh nhân dị ứng với vàng.

photo-1675914963741

Luôn đọc bảng thành phần sản phẩm và tránh các thành phần mà bạn biết hoặc nghĩ rằng mình bị dị ứng

2. Cách phòng tránh dị ứng mỹ phẩm

Để ngăn ngừa các phản ứng dị ứng này, luôn đọc bảng thành phần sản phẩm và tránh các thành phần mà bạn biết hoặc nghĩ rằng mình bị dị ứng.

Bạn có thể tìm thấy các thuật ngữ như 'không gây dị ứng', 'không mùi' hoặc 'dành cho da nhạy cảm'... trên một số sản phẩm, nhưng điều đó không có nghĩa là không gây dị ứng. Do đó, luôn kiểm tra các thành phần cụ thể có trong sản phẩm, nếu được xác định gây dị ứng.

Ngoài ra, bạn nên đọc nhãn trên sản phẩm và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi áp dụng. Trước tiên, bạn nên thử một lượng nhỏ sản phẩm để đảm bảo rằng không bị dị ứng hoặc nhạy cảm với các thành phần trong sản phẩm. Nếu an toàn mới tiếp tục dùng.

Mời độc giả xem thêm video:

Chống nắng: Sử dụng mỹ phẩm chứa SPF có đủ không? Thứ tự trang điểm khi dùng kem chống nắng?


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn