Chất dinh dưỡng nào giúp đường ruột khỏe mạnh?

SKĐS - Đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Ngoài chức năng tiêu hóa thức ăn, đường ruột còn có tác động đến hoạt động cơ thể, tâm trí và hệ thống miễn dịch. Vậy làm thế nào để cải thiện sức khỏe đường ruột?

1. Ruột - "người gác cổng" cho sức khỏe

Bất cứ thứ gì khi đi vào đường ruột, không có nghĩa là chúng đã thực sự xâm nhập vào "bên trong cơ thể". Dọc theo thành ruột, có một lớp tế bào biểu mô cùng với lớp niêm mạc ruột, hệ vi sinh đường ruộthệ miễn dịch… tạo nên hàng rào ruột.

Chất dinh dưỡng nào giúp đường ruột khỏe mạnh?- Ảnh 1.

Hàng rào ruột khỏe mạnh sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Có ba cấp độ phòng vệ chống lại vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể:

- Hệ vi sinh đường ruột: Là một quần thể vi khuẩn, virus và nấm sống dọc theo chiều dài của ruột. Chúng giúp xua đuổi các vi khuẩn có khả năng gây hại bằng cách cạnh tranh không gian và giành thức ăn trong lòng ruột. Ngoài ra chúng còn tạo ra bacteriocin là những phân tử kháng khuẩn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn có hại, cung cấp nhiên liệu (acid béo chuỗi ngắn) để hình thành các phản ứng miễn dịch.

- Lớp niêm mạc: Hàng rào ruột khỏe mạnh được bao phủ bởi một lớp chất nhầy. Những tế bào niêm mạc này cung cấp một hàng rào vật lý và sinh hóa giúp ngăn chặn các vi sinh vật có hại và các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, đồng thời cho phép các chất dinh dưỡng có lợi đi qua. Nếu thiếu chất xơ trong chế độ ăn sẽ làm xói mòn hàng rào nhầy, khiến cơ thể chúng ta dễ bị vi khuẩn tấn công hơn.

- Hệ thống miễn dịch: Khoảng 70% hệ thống miễn dịch của cơ thể nằm ở ruột. Trong thành ruột là những vùng đặc biệt gọi là mô bạch huyết đường ruột, là nơi sản xuất và lưu trữ các tế bào miễn dịch, giúp giám sát, nhận biết, xác định và vô hiệu hóa bất kỳ chất độc hại nào xâm nhập vào cơ thể.

Hàng rào ruột bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chế độ ăn uống và lối sống của mỗi cá nhân. Khi chúng ta áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đa dạng sẽ giúp cho vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh nhất và hỗ trợ khả năng miễn dịch mạnh mẽ.

Chất dinh dưỡng nào giúp đường ruột khỏe mạnh?- Ảnh 2.

Cải bó xôi giàu vitamin A tăng cường sức khỏe đường ruột.

2. Cách nào nâng cao hệ miễn dịch đường ruột?

Một chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng đối với sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột cũng như đảm bảo hệ miễn dịch khỏe mạnh, trong khi chế độ ăn uống kém có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch, dẫn đến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

Dưới đây là các chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần để có một đường ruột và hệ miễn dịch khỏe mạnh:

- Vitamin A: Hỗ trợ sự phát triển của các tế bào bạch cầu, có trong trái cây và rau quả có màu sắc tươi sáng như cải bó xôi, hoa lơ xanh, ớt chuông đỏ, cà chua, và xoài.

- Vitamin B6 (Pyridoxine): Đóng vai trò coenzyme trong chuyển hóa kháng thể và cytokine, có nhiều trong các loại thực phẩm như khoai tây, đậu, thịt, thịt gà và cá.

- Vitamin B9 (acid folic/folat): Đóng vai trò trong sự hình thành và phát triển của tế bào Lympho T. Folat có trong các loại đậu, cải bó xôi, củ cải, hoa lơ xanh, ngũ cốc, mật ong, bưởi, chuối.

Chất dinh dưỡng nào giúp đường ruột khỏe mạnh?- Ảnh 3.

Hàu giàu kẽm đảm bảo chức năng tế bào miễn dịch.

- Vitamin B12: Có vai trò trong hình thành tế bào hoặc kháng thể miễn dịch. Vitamin B12 có trong thịt nạc, gia cầm, cá, trứng, sữa.

- Vitamin C: Có vai trò trong phản ứng miễn dịch thông qua đặc tính chống oxy hóa. Vitamin C có nhiều trong cam, bưởi, ổi, ớt chuông, hoa lơ xanh, dâu tây…

- Vitamin D: Đóng vai trò trong điều chỉnh phản ứng viêm và sản xuất kháng thể. Vitamin D có trong sữa, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, nấm.

- Kẽm (Zn): Tham gia tổng hợp và đảm bảo chức năng của tế bào miễn dịch, có trong các loại thực phẩm như hàu, thịt bò, thịt lợn, gà, đậu lăng…

- Sắt (Fe): Cần thiết cho sự hoạt động bình thường của Lympho T và sản xuất cytokine. Sắt có nhiều trong thịt lợn, thịt bò, gia cầm, gan, hải sản…

Một chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng, một lối sống lành mạnh sẽ giúp hệ vi sinh vật đường ruột phát triển đa dạng và khỏe mạnh. Đây là chỉ số quan trọng về sức khỏe đường ruột và sức khỏe cơ thể nói chung.

Ngoài ra, muốn sức khỏe đường ruột tốt bạn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, cân đối với các thực phẩm tươi mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn uống sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, căng thẳng, tập thể dục đều đặn…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những thực phẩm tàn phá sức khỏe đường ruột.


TS. BS. Nguyễn Thanh Hà
Bệnh viện Việt Pháp
Ý kiến của bạn