Hà Nội

Chất chống ô xy hóa và cuộc chiến đánh bại gốc tự do

29-10-2014 11:30 | Y học 360
google news

SKĐS-Theo thời gian, tuổi tác khi cơ thể bị lão hóa thì cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người cũng suy yếu dần và những mối đe dọa đến từ các gốc tự do mà chúng ta phải đối mặt cũng trở nên đa dạng hơn.

Theo thời gian, tuổi tác khi cơ thể bị lão hóa thì cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người cũng suy yếu dần và những mối đe dọa đến từ các gốc tự do mà chúng ta phải đối mặt cũng trở nên đa dạng hơn. Bởi vậy, việc tăng cường các chất chống ôxy hóa thông qua các bữa ăn hàng ngày được coi là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tác hại của các gốc tự do.

Sự nguy hiểm từ các gốc tự do

Thuật ngữ “gốc tự do” gợi liên tưởng đến hình ảnh của cộng đồng hippy và beatnik vào những năm cuối của thập niên 60 và 70 ở Mỹ và châu Âu. Đáng buồn là những gốc tự do đang chạy trong khắp cơ thể chúng ta lại không thích hòa bình và tình yêu. Trong khi chúng xuất hiện dưới nhiều dạng thức, kích cỡ cũng như thành phần đa dạng khác nhau, chúng đều có chung một mục tiêu không lấy gì làm vẻ vang cho lắm, ấy là đánh cắp những electron tự do từ những phần tử lành lặn khác.

Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta được cấu thành từ hàng trăm ngàn phân tử, và trong cơ thể mỗi người có khoảng 60 ngàn tỷ tế bào. Đó là một “ngân hàng” mục tiêu cỡ bự của các tên cướp mang tên “gốc tự do”. Việc ăn cắp điện tử này của gốc tự do gây ra sự thay đổi của các tế bào xây dựng nên các mô, khối lượng cơ thể, tạo ra các tế bào “hư hỏng” và biến chất.

Cơ chế hình thành các gốc tự do.

Cơ chế hình thành các gốc tự do.

Vậy như thế nào là tế bào biến chất ? Đó là những tế bào bị tổn thương, không thể tiếp tục thực hiện những chức năng mà nó vốn có, ví dụ như màng tế bào bị biến đổi khiến tế bào hấp thụ nhiều chất độc hại hơn. Tuy nhiên, gốc tự do có thể dẫn tới việc sản sinh ra lipoprotein, một loại cholesterol xấu dính chặt vào thành động mạch, làm giảm thiểu các chức năng cơ thể và thậm chí có thể gây ra những thay đổi trong cấu trúc DNA của tế bào có thể dẫn tới ung thư.

Làm thế nào để ngăn chặn

Chúng ta không thể ngăn cản sự xâm nhập của các gốc tự do vào cơ thể, nó là sản phẩm được tạo ra bởi hệ thống tiêu hóa của mỗi người, từ ánh nắng mặt trời chiếu lên da chúng ta, và thậm chí ngay cả trong bầu không khí chúng ta hít thở hay những gì chúng ta ăn hàng ngày ( đặc biệt những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều hóa chất).

Các tác nhân gây ra gốc tự do.

Các tác nhân gây ra gốc tự do.

Những gì chúng ta có thể làm đó là cung cấp cho các gốc tự do những điện tử dễ bị lấy đi nhưng cơ thể chúng ta không bị ảnh hưởng. Cơ thể chúng ta có thể tự sản xuất các chất chống ôxy hóa tuy nhiên theo thời gian, tuổi tác khi cơ thể bị lão hóa thì cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người suy yếu dần và những mối đe dọa đến từ các gốc tự do mà chúng ta phải đối mặt cũng trở nên đa dạng hơn.

Dập tắt các gốc tự do khát điện tử là vai trò thật sự của một chất chống ôxy hóa. Cụ thể, chất ôxy hóa có electron dư thừa để cung cấp cho gốc tự do khát máu, nhờ vậy làm vô hiệu hóa tác hại của gốc tự do.

Có hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn chất chống ôxy hóa khác nhau. Mỗi loại có những đặc tính riêng biệt, hấp dẫn các loại gốc tự do khác nhau với những đặc tính riêng của nó. Điều đó có nghĩa là không một chất chống ôxy hóa nào có thể phù hợp với mọi loại gốc tự do đang khao khát điện tử.

Chất chống ôxy hóa phổ biến và được biết đến nhiều nhất là vitamin C, E, betacarotene và các dạng carotenoids tương tự khác. Một vài khoáng chất như selenium, manganese cũng có đặc tính chống ôxy hóa, cùng với những chất chống ôxy hóa ít được biết đến hơn như: coenzyme Q10, acid lipoic, flavonoids, phytoestrogen,…

Các nghiên cứu trong những năm 90 đã chỉ ra: những người có chế độ ăn ít chất chống oxy hóa là những người ăn ít trái cây và rau quả, có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh có liên quan tới các gốc tự do. Ngược lại, những người có chế độ ăn lành mạnh ít bị ảnh hưởng hơn nhiều. Chất chống ôxy hóa có thể làm chậm các dấu hiệu lão hóa và giúp ngăn ngừa các bệnh về thoái hóa, bao gồm: bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức, thị lực, sự thoái hóa của tâm trí và cơ bắp.

Chúng ta cần những chất chống ôxy hóa nào ?

Như đã đề cập ở trên, mỗi chất chống oxy hóa cần có sự phù hợp để đáp ứng các gốc tự do khác nhau. Do vậy, điều quan trọng là chúng ta phải có một chế độ ăn uống đa dạng và cân đối, với nhiều trái cây và rau quả. Đồng thời giảm thiểu hoặc bỏ hoàn toàn những thực phẩm ăn nhanh chế biến sẵn, thuốc lá, rượu. Một số thực phẩm sau đây giàu chất chống ôxy hóa: Tỏi tây, hành tây và tỏi đều có chứa hợp chất lưu huỳnh allium; các loại quả mọng và nho có chứa anthocyanin; trái cây và rau củ quả như bí đỏ, xoài, mơ, cà rốt và rau xanh như rau bina, rau riếp có chứa beta carotene và vitamin C; Hải sản, thịt nạc, các loại hạt và đậu có chứa các khoáng chất chống ôxy hóa như đồng, mangan, selen và kẽm; Trà xanh, hành tây, trái cây màu xanh lá cây và táo đều có chứa flavonoids; các loại dầu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và bơ cũng chứa nhiều vitamin E…

Ngọc Nguyễn

 


Ý kiến của bạn