'Chặt chém' khách đi taxi - bây giờ không ai hành nghề kiểu ấy!

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

22-11-2022 17:04 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Một lần có việc, tôi đặt xe taxi trên ứng dụng Be đi từ BV Mắt trung ương đến BV Đông Đô với giá 35.000 đồng. Tuy nhiên, cần phải chờ lái xe đến điểm đón. Vì mẹ tôi không muốn chờ nên tôi đã hủy chuyến xe đã đặt trên ứng dụng Be để bắt một xe taxi hiệu Morning dòng xe Grand i10.

Sau khi mẹ con tôi lên xe ngồi, lái xe không bật đồng hồ mà nói luôn là giá 60.000 đồng. Tôi thắc mắc: "Tại sao anh không bật đồng hồ tính cước mà lại tự đưa ra mức giá ấy? Em đặt xe trên ứng dụng Be có 35.000 đồng mà anh lại lấy 60.000 đồng, khác gì anh chặt chém người dân?"

Người lái xe taxi đã trả lời: "Đi từ Bệnh viện Mắt trung ương sang Bệnh viện Đông Đô khoảng 3km, anh chưa mở hàng nên anh lấy giá đó". Tôi thực sự rất bức xúc với thái độ đó của người lái xe. Nhưng mẹ tôi không muốn chuyển xe khác và chấp nhận với mức giá do người lái xe tự đưa ra một cách tùy tiện như vậy.

Tôi nói luôn với người lái xe rằng: "Nếu hôm nay không vì mẹ em đang ốm thì em sẽ không bao giờ ngồi xe của anh. Anh đón khách ở cổng bệnh viện toàn là người già yếu về hưu, thu nhập thấp, họ có bệnh đã mệt mỏi, tốn tiền làm phẫu thuật, mua thuốc điều trị, ra cổng bệnh viện lại bị anh chặt chém như thế. Không phải ai cũng có tiền để 'tặc lưỡi' đi xe của anh cho xong chuyện như mẹ con em đâu. Anh làm như vậy thì làm sao giữ được khách hàng."

Hành động này tuy chỉ 'con sâu làm rầu nồi canh' là của một bộ phận nhỏ những lái xe taxi nhưng đã khiến cho người dân và khách du lịch có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường du lịch ở Hà Nội.

Sau sự việc bị lái xe taxi "chặt chém" sáng nay, tôi cảm thấy không đồng tình với mẹ vì muốn xong việc nhanh mà sẵn sàng chi tiền giá cao hơn thực tế để cho họ tùy tiện chém đẹp mình. Và chính vì hành động 'tặc lưỡi' như thế của khách hàng lại tạo điều kiện cho những lái xe taxi như thế 'lộng hành'.

Nếu không có giải pháp trong quản lý dịch vụ taxi thì người chịu thiệt nhất vẫn là người dân, đặc biệt là những người già cao tuổi, cán bộ hưu trí, lao động có thu nhập thấp. Không những thế, ngành du lịch cũng sẽ chịu ảnh hưởng. 

Sự thực thì các cơ quan chức năng đã không ít lần xử lý những hành vi chặt chém khách của lái xe taxi, tuy nhiên vẫn cần phải có những biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để chấm dứt những hành động phản cảm ngay giữa Thủ đô.

Thứ nhất, nên quản lý dịch vụ taxi bằng cách áp đặt giá cho từng loại xe, không nên để các hãng tự đặt giá rồi lập trình theo ý muốn. Việc quản lý hoạt động của taxi phải chặt chẽ từ khâu định giá cước đến khâu kiểm định chất lượng. Mỗi chiếc xe muốn hoạt động cần phải dán tem kiểm tra chất lượng, đặc biệt, việc dán tem, kẹp chì taximeter phải được các hãng thực hiện nghiêm túc và có chế tài xử phạt thật nặng nếu không thực hiện.

Thứ hai, cần có một chế tài quản lý chặt chẽ chiếc đồng hồ tính cước taxi nhỏ bé đặt ngay trước mặt lái xe và khách hàng.

Thứ ba, cần có chế tài quản lý cách tính cước taxi, không nên để các hãng taxi đồng loạt tăng giá ồ ạt mà không chịu sự quản lý của Nhà nước.

Thứ tư, người dân đi taxi hãy là những khách hàng thông thái, hãy kiên quyết từ chối đi những xe taxi không có đồng hồ tính cước hoặc có đồng hồ tính cước nhưng không sử dụng mà tự nâng giá cao để móc túi khách hàng.

Thứ năm, người dân khi gặp các trường hợp giả mạo hãng xe uy tín, trá hình hoặc thu tiền phí quá cao vượt quy định thì phải lưu lại thông tin xe báo cho cơ quan chức năng. Đường dây nóng của Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải thành phố.

Thứ sáu, với người vi phạm, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc như: cấm hành nghề trong một khoảng thời gian nhất định đủ để họ thấy việc "chặt chém" ảnh hưởng to lớn đến công việc mưu sinh của họ như thế nào, thậm chí cấm hành nghề vĩnh viễn. Có như vậy mới răn đe được những người có ý định "chặt chém".

Thứ bảy, trên mỗi phương tiện hành nghề, bắt buộc phải ghi rõ số liên lạc của cơ quan công an, đơn vị giải quyết "nóng" việc chặt chém, để mỗi khi xảy ra sự việc, người dân và du khách có thể kết nối ngay được để giải quyết, không để họ bức xúc đưa lên mạng xã hội vừa lan truyền thông tin ảnh hưởng đến du lịch, vừa không được đến đúng địa chỉ có thể giải quyết bức xúc của người dân và du khách.

Thứ tám, cần tuyên truyền, giáo dục tài xế của mỗi hãng xe hoặc người được cấp phương tiện hành nghề về ý thức, trách nhiệm đối với du khách, với địa điểm hành nghề. Việc này không chỉ đơn giản là phát triển du lịch, giữ chân du khách mà còn là gìn giữ, quảng bá hình ảnh, bộ mặt của đất nước và con người.

Có thể số tiền lái xe taxi "chặt chém" của khách hàng không lớn, song lại gây ảnh hưởng đến hình ảnh phát triển du lịch. Việc người dân phản ánh thông tin để cơ quan chức năng đi kiểm tra xác minh xử lý nghiêm vi phạm không chỉ góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mà còn nhằm răn đe, không để tái diễn những vi phạm tương tự của lái xe và những trường hợp lái xe taxi khác. Hơn nữa, theo cá nhân tôi, các lái xe taxi cũng phải nhìn lại mình vì hành nghề kiểu 'chặt chém' như thế ngày nay không ai còn làm nữa. 

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

TS. Vũ Thị Minh Huyền
Ý kiến của bạn