Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong

28-01-2023 11:47 | Thông tin dược học

SKĐS - Chất béo chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong. Cảnh báo mới đây của WHO cho thấy, hiện có 5 tỷ người trên toàn cầu vẫn không được bảo vệ khỏi chất béo chuyển hóa có hại…

Năm 2018, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi loại bỏ trên toàn cầu chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn vào năm 2023.

43 quốc gia hiện đã thực hiện các chính sách thực hành tốt nhất để giải quyết chất béo chuyển hóa trong thực phẩm, với 2,8 tỷ người được bảo vệ trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đáng kể, vẫn còn 5 tỷ người trên toàn thế giới vẫn đang chịu ảnh hưởng sức khỏe của chất béo chuyển hóa này, khiến cho mục tiêu loại bỏ chất béo này trên toàn cầu dường như không thể đạt được trong năm nay.

Chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, thường được tìm thấy trong thực phẩm đóng gói, đồ nướng, dầu ăn… Chất béo chuyển hóa là nguyên nhân gây ra tới 500. 000 ca tử vong sớm mỗi năm trên khắp thế giới.

photo-1674880649334

Chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp, thường được tìm thấy trong thực phẩm đóng gói, đồ nướng, dầu ăn…

TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: Chất béo chuyển hóa không có lợi ích gì và những rủi ro sức khỏe rất lớn làm phát sinh chi phí cho các hệ thống y tế. Loại bỏ chất béo chuyển hóa sẽ tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nói một cách đơn giản, chất béo chuyển hóa là một hóa chất độc hại gây chết người và không nên có trong thực phẩm. Đã đến lúc loại bỏ loại chất béo này mãi mãi.

Trong số các biện pháp hiệu quả được áp dụng trên toàn cầu để loại bỏ chất béo có hại, hai chính sách đang cho thấy kết quả tốt:

- Một là bắt buộc các quốc gia giới hạn 2 gam chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp trên 100 gam tổng chất béo trong tất cả các loại thực phẩm;

- Hai là lệnh cấm bắt buộc trên toàn quốc đối với việc sản xuất hoặc sử dụng dầu hydro hóa một phần (nguồn chính của chất béo chuyển hóa) như một thành phần trong tất cả các loại thực phẩm.

photo-1674880651919

TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Chất béo chuyển hóa không có lợi ích nào được biết đến nhưng rủi ro cho sức khỏe rất lớn, làm phát sinh chi phí lớn cho hệ thống y tế.

Năm 2023, WHO khuyến nghị các quốc gia nên tập trung vào các lĩnh vực như: Áp dụng chính sách thực hành tốt nhất, theo dõi và giám sát, thay thế dầu lành mạnh… Hướng dẫn của WHO đã được phát triển để giúp các quốc gia đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong các lĩnh vực này.

WHO cũng khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm loại bỏ chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp khỏi sản phẩm của họ, phù hợp với cam kết của Liên minh Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế (IFBA). Các nhà cung cấp dầu và chất béo chính được yêu cầu loại bỏ chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp khỏi các sản phẩm được bán cho các nhà sản xuất thực phẩm trên toàn cầu.

Việc hấp thụ chất béo chuyển hóa thay vì các chất béo bão hòa và carbohydrate khác đã được chứng minh là làm tăng đáng kể mức độ LDL (cholesterol mật độ thấp hay cholesterol xấu) có liên quan trực tiếp đến bệnh tim...

Mời độc giả xem thêm video:

5 thói quen gây hại cho sức khỏe cần tránh | SKĐS



Bích Ngọc
(Theo WHO, THS)
Ý kiến của bạn