Charles Darwin. |
Theo lời kể từ những người con của Charles Darwin, trên giường bệnh, Darwin vẫn tiếp tục bàn luận về những ý tưởng của ông nêu ra trong học thuyết về sự tiến hóa và nguồn gốc các loài. Cả cuộc đời mình, nhà khoa học vĩ đại của nước Anh và của cả thế giới vừa cống hiến không ngừng nghỉ cho khoa học, vừa chiến đấu bền bỉ với bệnh tật cho tới hơi thở cuối cùng.
Không ít giả thuyết được đưa ra về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Darwin. Một số bác sĩ cho rằng, ông mất do bệnh gut, một số khác cho rằng Darwin mất do viêm ruột thừa và thậm chí là do bệnh viêm gan hay tâm thần phân liệt. Song tất cả những bác sĩ này đều thất bại trong việc làm rõ bệnh tình hay chứng minh nguyên nhân dẫn tới cái chết của Darwin.
Chỉ tới khi nghiên cứu chính thức của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y Dược Maryland - Mỹ về sức khỏe và cái chết của nhà khoa học Charles Darwin được công bố. Những bí ẩn về nguyên nhân cái chết của Darwin mới thực sự được làm sáng tỏ. Năm 1995, các chuyên gia khoa học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới có một cuộc hội thảo về các phương pháp nghiên cứu nhằm làm rõ về những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và nguyên nhân những cái chết của những người nổi tiếng sau hàng thế kỷ, thậm chí hàng triệu năm trước. Nhiều bí ẩn đã được giải mã, từ cái chết của Alexander đại đế cho tới Chritopher Columbus, Edgar Allan Poe, nhạc sĩ Beethoven, Simon Bolivar, Claudius hay Pharaong Akhenaten của Ai Cập cổ đại…
Nghiên cứu về cuộc đời của Charles Darwin gồm một nhóm các chuyên gia đến từ các trường đại học của Mỹ, đứng đầu là GS. Sidney Cohen - Giám đốc Trung tâm Y Dược - Trường đại học Jefferson, Philadelphia, Mỹ. Bằng công nghệ phân tích dựa trên tác động của tia X, phân tích mẫu máu và nhiều phân tích mẫu DNA khác, GS. Cohen đã hoàn tất cuộc tìm kiếm về diễn biến sức khỏe và những căn bệnh mà Darwin từng trải qua khi còn sống. Ông khẳng định, Darwin từng mắc một căn bệnh do ký sinh trùng gây ra có tên gọi là dịch bệnh Chagas (do các loại vật chủ trung gian hút máu người truyền vào) khi ông thực hiện các chuyến đi nghiên cứu khoa học trên khắp thế giới. Chính dịch bệnh do ký sinh trùng gây ra này, đồng thời do lâu ngày không được chữa trị nên đã dẫn tới tổn thương hệ tim mạch cho người bệnh. Kết quả là Darwin mắc thêm chứng suy tim. Nghiên cứu về dịch Chagas mà Darwin mắc phải, GS. Cohen cũng phát hiện ra rằng, đây có thể là kết quả từ chuyến đi nghiên cứu khoa học của Darwin tới Nam Mỹ vào năm 1835. Khi đó, ông đã bị một loài côn trùng mang ký sinh trùng Chagas cắn và truyền bệnh.
GS. Cohen cũng phát hiện thêm một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng nôn mửa và đau bụng thường xuyên của Darwin, đó là do hội chứng CVS (Cyclic Vomiting Syndrome) gây ra. Ngoài ra, thời trẻ, Darwin còn mắc bệnh đường ruột do một loại vi khuẩn có tên gọi Helicobacter pylori sống trong đường ruột gây nên (Helicobacter pylori cũng là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư đường ruột và dạ dày). Tuy nhiên, ông Cohen cũng cho biết, Darwin đã mất trước khi các biểu hiện rõ rệt của hội chứng CVS thực sự phát tác.