Hà Nội

Chấp nhận ngồi xe lăn là không bao giờ tự đứng lên được

11-11-2015 16:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đồng nghiệp và công chúng biết đến Quang Phùng không phải vì ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm máy...

Đồng nghiệp và công chúng biết đến Quang Phùng không phải vì ông đã có hơn nửa thế kỷ cầm máy, cũng không phải vì ông đã giành được nhiều giải thưởng mà còn bởi sự tận tụy hết lòng của ông với nghề đã cho ra những tác phẩm luôn lưu lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng, nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Cho dù lý lịch trích ngang của ông là cán bộ của Bộ Ngoại giao, tiếng Anh nói như gió, từng dịch tác phẩm văn học nổi tiếng Con đường sấm sét, nhưng cái để tạo nên danh tiếng, thành thương hiệu của ông lại là nghề nhiếp ảnh. Với ông, nhiếp ảnh như một thứ đạo. Sống giữa trung tâm Hà Nội, lại là người lãng mạn, dễ rung động trước những cái đẹp nên cả cuộc đời cầm máy, ông âm thầm và đam mê đi tìm những khoảnh khắc nên thơ của Hà Nội. Không như nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác thường lia ống kính vào nhiều đề tài khác nhau, ống kính của ông chỉ chuyên chú vào một đề tài Hà Nội, nhưng ở nhiều ngóc ngách khác nhau của cuộc sống. Cũng không hiếm nghệ sĩ nhiếp ảnh say sưa sáng tác về Hà Nội, nhưng nhiều khi họ chỉ ghi lại những thời khắc chợt bắt gặp đầy ấn tượng. Còn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, một khi có ý định chụp về vấn đề gì, ông đều có ý tưởng và chủ đích xây dựng thành một câu chuyện. Chẳng hạn ở 10 bức với chủ đề Hoa rơi mặt hồ, ông bảo mỗi lần đi qua Hồ Gươm, thấy hoa rơi mặt hồ, ông đều xúc động. Khi xưa chưa có nhà cao tầng, Hồ Gươm mênh mông hơn. Cảnh vật hữu tình, lòng người hướng thiện. Bây giờ cảm xúc ấy vẫn đằm thắm nhưng pha chút ngậm ngùi. Môi trường ô nhiễm, mặt hồ đóng váng. Tình người cũng nông cạn, cái gì cũng vứt xuống hồ: từ con chim phóng sinh, tờ đô-la âm phủ đến quả táo ăn dở... Tất cả những hình ảnh ấy đã được ghi vào ống kính máy ảnh của ông. Mỗi bức ảnh của ông là một lời cảnh báo về môi trường đang bị hủy hoại với một nỗi ngậm ngùi, xót xa. Về Hồ Gươm, ông có tới hàng trăm bức. Ống kính của ông đã thu vào biết bao khoảnh khắc nên thơ mà phải bằng con mắt của người nghệ sĩ từng trải, đầy kinh nghiệm nghề nghiệp mới có thể chớp được. Thế nhưng lý giải về những bức Hoa rơi mặt hồ, ông cho rằng vì tâm đắc với Hà Nội lắm mới đưa những cái “xấu xa” này ra bởi nhiếp ảnh bao giờ cũng mang tính cảnh báo hữu ích. Với ông, ảnh phải tác động vào đời sống, phải cảm hóa được người xem. Thế nên, dù là chụp sự ô nhiễm của Hồ Gươm với những thứ mà người thường sẽ phớt qua bởi cho là thứ rác rưởi, nhưng qua ống kính của ông, mọi thứ lại hiện lên như một bức tranh đa sắc màu, khiến người ta phải dừng bước chiêm ngưỡng. Sự tác động thị giác sẽ chạm tới tâm hồn.

Không tự nhận mình là người đam mê nhiếp ảnh mà chỉ chọn nhiếp ảnh làm cách phát biểu riêng của mình trong công tác phục vụ đối ngoại, thế mà với công việc tưởng như chỉ phụ trợ này, ông cũng đã khổ công rèn luyện và tích lũy kiến thức qua sách báo trong và ngoài nước. Rèn từ cách cầm máy đến tư thế chụp, nhưng quan trọng là luyện cách chụp sao cho người ta không biết. Có lẽ bởi công việc đối ngoại liên quan đến nghiệp vụ tình báo đã rèn cho ông thói quen luôn phải tính trước, hiểu trước mọi đối tượng. Ngắm bằng mắt, đo khoảng cách bằng chân, cắt cúp đến đâu, tất cả luôn tính sẵn trong đầu. Thời còn ở Bộ Ngoại giao, nhiều bức ảnh của ông đã trở thành vật chứng quan trọng, một cách kín đáo, ẩn dật nhưng ông đã chớp được tư thế đối mặt những nhân vật tinh tường, đặc tả được ý đồ của đối phương.

Chấp nhận ngồi xe lăn là không bao giờ tự đứng lên được

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng.

Có lẽ thói quen trực diện mọi vấn đề đã tạo nên phong cách chụp ảnh của ông sau này. Không ít người suốt đời đã đi tìm cái đẹp như ông. Nhưng ảnh của ông làm người ta ấm lòng vì cách lấy đường nét, ánh sáng. Ông mải mê đến kinh ngạc với những gì ông nhìn thấy qua ống kính. Ở bộ ảnh Xe thồ Điện Biên giữa lòng Hà Nội, ông phải chụp tới 6 - 7 cái trong từng khoảnh khắc mới ra được những bức mang ý nghĩa như thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước. Không phải sắp đặt mà phải chờ thời cơ. Về cảnh đẹp của cầu Thê Húc, ông chụp rất nhiều. Trước kia ông chỉ thiên về vẻ đẹp lung linh của di tích Cố đô ngàn năm văn vật, chân cầu được ông nhân cách hóa như đôi chân nàng tiên màu sắc sặc sỡ như một bức tranh. Nhưng nay, sau hai lần ngã bệnh thập tử nhất sinh, trong ý đồ tạo dựng bố cục bức ảnh, ông đã mượn thiên nhiên chữa bệnh cho mình bằng cách tạo sự cân bằng âm dương. Chẳng hạn chụp về cầu Thê Húc của ông giờ đây phải có cả phần dương (phía trên), phần âm (bóng dưới mặt nước). Hoặc ông chụp những bóng mờ trên cầu như là hình ảnh các liệt sĩ trẻ cứ độ xuân về lại dạo chơi trên cầu. Có thể có người sẽ tìm một góc xiên, đợi một tia nắng quái - những cái đó là cần thiết vì mang tính nghệ thuật, nhưng nó không phải là điều quyết định. Cái quyết định là người chụp phải biết bức ảnh đó muốn nói điều gì, muốn chia sẻ với ai. Ông không bao giờ muốn trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ ca ngợi cuộc sống bằng những tấm ảnh đẹp mà không để lại một trăn trở nào nơi người xem.

Những năm sau này, cái mà ông quan tâm là những vấn đề nóng của xã hội như tệ nạn ma túy trên đường phố và trong học đường, nạn ăn xin quấy nhiễu du khách... Trong gần 500 bức ảnh về đề tài ma túy, có nhiều bức khiến người xem phải bàng hoàng, ngỡ ngàng và sau cùng là khâm phục bản lĩnh người cầm máy bởi ông đã đối mặt với hiểm nguy để đặc tả những cảnh tiêm chích ngay giữa thanh thiên bạch nhật: một ả tóc vàng hoe phì phèo điếu thuốc trên môi, ngón tay xỉn màu khói thuốc, mắt nhìn thẳng vào ống kính; một đôi vợ chồng trẻ đang lom khom chích thuốc, đằng sau là đứa con nhỏ đang ngồi trên chiếc ghế đá; một cậu bé chừng hơn 10 tuổi đang chắt từng giọt ma túy còn sót trong các ống xi-lanh để chống chọi cơn thèm thuốc; 2 - 3 thanh niên đang cầm xơ ranh chọc thẳng vào háng của mình... Một số trong bộ ảnh về ma túy của ông năm 2004 được trưng bày trong triển lãm về đề tài phòng chống ma túy đã thực sự gây sửng sốt trong dư luận vì sự chân thực và đã đánh dấu lần đầu tiên chúng ta dám công khai thực trạng này. Sự tác động ghê gớm từ các bức ảnh đã khiến xã hội bàng hoàng và cảnh báo một nguy cơ hủy hoại nghiêm trọng nếu xã hội không chung tay giải quyết. Sau triển lãm, Mỹ đã chọn Việt Nam làm một trong những trọng điểm toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Năm 2006, Mỹ tài trợ cho Việt Nam 59 triệu đô-la để triển khai kế hoạch phòng chống AIDS. Hỏi về bí quyết để có những tấm ảnh cận cảnh, chân thực về những đối tượng nguy hiểm này, ông không nói nhiều. Có lẽ sự dày dạn kinh nghiệm trong những năm phải chụp đối mặt đối phương thời ở Bộ Ngoại giao đã cho ông khả năng ước lượng, tính toán chính xác thời điểm “kéo cò”, nhưng trên hết chắc phải là tình thương dành cho đồng loại để vượt qua cảm giác về sự nguy hiểm. Với ông, chụp ảnh không phải là thu vào ống kính những điều trông thấy mà phải bỏ công theo đuổi để thành một câu chuyện mang tính xã hội, lịch sử của một giai đoạn và phải có tiếng nói với xã hội. Lợi thế của ông là vừa chụp ảnh, vừa viết tin bài nên nhiều bức ảnh của ông đã có tiếng nói thiết thực, đóng góp hữu ích cho xã hội. Bức ảnh chụp cảnh hai bàn tay nâng quả địa cầu, bên cạnh là bà cụ ăn xin và bức cô gái đứng bên cạnh trang sách ghi dòng chữ Thăng Long - Hà Nội viết sai chính tả đầy phản cảm đã có tác dụng khiến Sở Văn hóa Hà Nội phải gỡ bỏ hai bức phù điêu này.

Những bức ảnh mà tôi được xem chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài ảnh khổng lồ của ông. Hai trận tai biến tưởng không vượt qua được trong hai năm liên tiếp đã làm gián đoạn nhiều dự định của ông. Thế nhưng bệnh tật không quật ngã được ý chí và nghị lực của tay máy lão luyện đã bước vào tuổi U80. Lần tai biến thứ hai, bệnh viện đã trả về, chân tay mềm nhũn, đầu óc lơ mơ. Có người ngỏ ý tặng ông chiếc xe lăn nhưng ông từ chối không nhận vì ông biết nếu chấp nhận ngồi xe lăn là vĩnh viễn không bao giờ tự đứng lên được. Thế rồi như một đứa trẻ, ông bắt đầu tập viết lại từ chữ O, chữ A, chữ Ô, tập tra chìa vào lỗ khóa sao cho trúng, tập đi... Và thật kỳ diệu, chỉ vài tháng kiên trì tập luyện, ông đã đi lại được, đầu óc lại minh mẫn. Phương châm sống của ông là lực đến đâu, tâm thế nào thì phải biết cân bằng bởi khi không còn cân bằng, làm hối hả thì chất lượng tác phẩm sẽ không như mình mong muốn. Cuộc sống của ông có thể sẽ dư dả hơn nếu như kho ảnh của ông được đưa cho các báo đài sử dụng thường xuyên. Nhưng vẫn phong thái ung dung, ông bảo: Tôi không sống bằng việc đưa ảnh hàng ngày cho các báo mà phải chờ thời điểm. Bây giờ, khi máu nghệ sĩ nổi lên, ông vẫn túc tắc vác máy ra đường, lang thang trên những con phố Hà Nội. Dường như chẳng lúc nào thấy ông vội vã, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy một ông già tóc búi tó củ hành thong dong cầm máy dạo bộ trên những con đường Hà Nội.

Công việc chính với ông lúc này là trật tự hóa và bổ sung kho ảnh. Ông bảo, ông muốn hoàn thành 101 câu chuyện kể về Hà Nội bằng ảnh. Giai đoạn này ông chưa muốn triển lãm vì thấy chưa đúng thời điểm. Dường như mỗi người đều có dự cảm về sự hữu hạn của đời người, với người nghệ sĩ nhạy cảm thì điều đó càng rõ rệt nên những ngày này, ông dồn tâm huyết cho việc hoàn thiện kho tư liệu ảnh của mình. 101 câu chuyện về Hà Nội bằng ảnh được ông làm hồ sơ kỹ càng để nếu không kịp trình làng, con cháu vẫn có thể tiếp tục thay ông thực hiện. Ông bảo, ông cũng đã lựa chọn 100 bức ảnh ưng ý cho một cuộc triển lãm khi ông không còn hiện hữu, như cách đãi bạn bè bằng một bữa tiệc với những bức ảnh mà chỉ khi đó mới được cất lên tiếng nói đúng điệu.

Nghe ông tâm sự về những công việc mà hàng ngày ông đang lặng lẽ làm như chuẩn bị cho sự ra đi, lòng tôi chợt chạnh buồn. Nhưng càng buồn hơn khi biết con người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nhiếp ảnh, đã có nhiều tác phẩm góp tiếng nói tích cực cho xã hộ lại có điều kiện sinh hoạt quá khiêm tốn. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà nhỏ bé của ông là hàng nghìn bức ảnh. Nhưng ngay cả đến lúc này, khi sức khỏe không còn sung mãn, ông vẫn say mê, tận tụy với nghề. 

  Tố Lan

 

 


Ý kiến của bạn