Hà Nội

Cháo thuốc dành cho người viêm phế quản mạn tính

13-02-2019 07:51 | Sức khỏe sinh sản
google news

Viêm phế quản là một bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, nhất là ở người cao tuổi thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của y học cổ truyền.

Viêm phế quản là một bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, nhất là ở người cao tuổi thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm của y học cổ truyền. Nguyên nhân do ngoại phong hàn, phong nhiệt và khí táo. Bên cạnh việc dùng thuốc thì thực phẩm hỗ trợ cũng rất hiệu quả để phòng chống căn bệnh này. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chữa viêm phế quản mạn để bạn đọc tham khảo và áp dụng.

Cháo xa tiền tử: xa tiền tử (hạt mã đề) 10-15g, gạo lức 50g. Dùng vải bọc xa tiền cho vào nồi đất cùng với 0,2 lít nước nấu còn 0,1 lít, bỏ túi thuốc, cho gạo lức đãi sạch vào, thêm 0,4 lít nước nấu thành cháo loãng. Ngày 2 lần, ăn nóng. Công dụng: lợi thủy tiêu thũng, dưỡng gan, sáng mắt, trừ đờm khỏi ho. Dùng cho các chứng viêm phế quản ở người già, tiểu tiện khó, thấp nhiệt ẩm, khí hư, tiểu ra máu, ho ra nhiều đờm, mắt đỏ sưng đau và người bệnh tăng huyết áp, mỡ máu, viêm niệu đạo, viêm bàng quang, kết mạc... Người thận hư, hoạt tinh không nên dùng.

Cháo bí đao.

Cháo tứ nhân:

bạch quả nhân 2g, cam hạnh nhân 2g, hạnh đào nhân 5g, lạc nhân 5g, trứng gà 1 quả. Bốn vị thuốc đều nghiền vụn, cho trứng gà nấu vừa một bát. Ăn vào buổi sáng hằng ngày, dùng liên tục trong nửa năm. Công dụng: khỏi ho, bình suyễn. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn ở người già.

Cháo gừng tươi, sơn trà: lá sơn trà 15g, gừng tươi 15g, gạo lức 100g, dầu ăn, muối vừa đủ. Gừng tươi cắt lát, gạo lức đãi sạch, cho cùng lá sơn trà với nước vừa đủ đun sôi, sau nhỏ lửa nấu cháo, khi chín cho dầu ăn, muối vừa đủ là được. Ngày ăn 1 bát, chia ăn vài lần. Công dụng: kiện vị, trừ đờm, hết ho, hạ khí. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, ho đờm đặc, ợ ngược, không thích ăn.

Cháo phổi lợn, nhân ý dĩ: phổi lợn 500g, gạo lức 100g, nhân ý dĩ 50g. Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, rượu vang vừa đủ, nấu chín vớt ra, cắt quân cờ rồi cho vào nồi cùng gạo lức đãi sạch, nhân ý dĩ, hành, gừng tươi, muối vừa đủ, rượu vang vừa đủ. Đầu tiên đun to lửa, đun sôi sau nhỏ lửa, gạo chín nhừ là được. Ngày 1 bát, chia vài lần, ăn thường xuyên có chuyển biến rõ. Công dụng: bổ tỳ phế, khỏi ho. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, lao phổi...

Cháo bí đao, nhân ý dĩ: bí đao 20-30g, nhân ý dĩ 15-20g, gạo lức 100g. Bí đao rửa sạch, đổ nước nấu lấy nước bỏ bã, ý dĩ gạo lức đãi sạch, nước vừa đủ nấu với nước bí đao thành cháo loãng. Ngày ăn một bát chia vài lần. Công dụng: thanh nhiệt hết đờm, kiện tỳ thẩm thấp, thanh nhiệt trừ phong. Dùng cho viêm phế quản mạn, ho có nhiều đờm.

Cháo vỏ quýt:

vỏ quýt tươi 30g, gạo lức 50-100g. Vỏ quýt rửa sạch, nước vừa đủ nấu lấy nước, bỏ bã. Cho gạo lức đãi sạch nấu cháo loãng. Ngày ăn 1 bát chia vài lần. Công dụng: táo thấp, lý khí, hết đờm. Dùng cho viêm phế quản mạn, ho có đờm ướt. Người bệnh âm hư, ho khan hoặc ho khan không đờm, thổ huyết không nên dùng.

Cháo tang bạch bì (vỏ trắng rễ cây dâu): tang bạch bì tươi 30g (khô 13g), gạo lức 50g. Tang bạch bì rửa sạch, cho 0,2 lít nước nấu còn 0,1 lít nước, bỏ bã lấy nước đặc, cho gạo lức đãi sạch và 0,4 lít nước vào nấu cùng nước tang bạch bì đến khi gạo nở cháo đặc là được. Ngày ăn 2 lần. Công dụng: tả phế bình suyễn, lợi tiểu hết phù. Dùng cho các chứng viêm phế quản mạn, ho phế nhiệt, thở dốc, đờm nhiều, mặt phù, khó tiểu tiện... Người ho phế hàn, ho cảm phong hàn không nên dùng.

Cháo đình lịch tử (hạt đay): hạt đình lịch ngọt 10g, gạo lức 100g. Hạt đình lịch bỏ tạp chất, sao nhỏ lửa đến khi dậy mùi thơm, để nguội, cho nước cô đặc, bỏ bã, cho gạo lức đãi sạch vào, thêm nước vừa đủ nấu chín. Ngày ăn 1 bát chia vài lần. Công dụng: hạ khí, hành thủy. Dùng cho chứng viêm phế quản mạn, ho viêm phổi mạn có đờm, thở dốc hoặc phù chi dưới. Người ho phế hư, tỳ hư, phù thũng không nên dùng.       

BS. Thu Hương


Ý kiến của bạn