Cháo thuốc cho người viêm tuyến tiền liệt

01-05-2018 13:15 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Viêm tuyến tiền liệt là bệnh rất dễ xảy ra ở độ tuổi trung niên, thường có hoạt động tình dục và được chia làm 3 loại: viêm cấp tính do vi khuẩn, viêm mãn tính do vi khuẩn và viêm không do vi khuẩn.

Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái và biến chứng nếu không điều trị đúng. Y học cổ truyền có các bài thuốc hữu ích giúp quý ông hạn chế được căn bệnh này.

Cháo củ mài thịt dê: Món ăn này thích hợp với bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt, tiểu đường.

Cách làm: củ mài (sơn dược) 40g, gạo tẻ 40g, thịt dê 100g. Gạo tẻ vo sạch, củ mài rửa sạch, nghiền nát cho vào nồi đổ nước hầm thành cháo. Thịt dê rửa sạch, thái khúc, đảo qua mỡ cho săn rồi đổ vào nồi cháo hầm tiếp tới khi thịt dê chín là ăn được. Ăn ngày 2 bữa sáng và tối, ăn trong vòng 10 ngày.

Cháo sinh địa hoàng: Món ăn có công dụng tư âm giáng hỏa. Những người bị tiểu đường kèm theo viêm tuyến tiền liệt nên sử dụng.

Cách làm: sinh địa hoàng sắc lên lấy nước chừng 500ml rồi cho 50g gạo tẻ đun thành cháo là dùng được. Ăn vào buổi tối.

Cháo tiểu mạch hạt sen: Món ăn thích hợp với bệnh nhân bị viêm tuyến tiền liệt mạn tính.

Cách làm: tiểu mạch và hạt sen 50g rửa sạch, cho vào nồi, đổ sâm sấp nước, hầm chín nhừ, cho đường hoặc muối tùy ý thích. Ăn nóng vào buổi sáng.

Cháo vỏ dưa hấu nấu ý dĩ: Những người bị viêm tiền liệt tuyến nên ăn nhưng lưu ý cho người tì vị hư hàn, đi tiêu lỏng, kiêng dùng.

Cách làm: vỏ dưa hấu 60g, mạch nha 20g, ý dĩ 20g, gạo tẻ 50g. Nấu tất cả thành cháo đặc, thêm ít đường hoặc mật ong vừa ăn, dùng trong ngày vào lúc đói bụng.

Lưu ý: Người bị viêm tuyến tiền liệt đặc biệt chú ý uống nhiều nước  trong ngày, từ 2 - 2,5 lít kể cả khi không có nhu cầu. Ăn các trái cây mọng nước, ăn canh rau củ nhiều, kiêng các thức ăn nhiều gia vị có tính kích thích và nóng... Tập luyện thể dục, dưỡng sinh hoặc một số môn thể thao vừa sức như bơi lội, đi bộ, chạy chậm...


BS. Thanh Nghiêm
Ý kiến của bạn