Hà Nội

Chàng trai vùng quê nghèo hơn 30 lần hiến máu cứu người

11-11-2019 06:50 | Y tế
google news

SKĐS - Dáng người cao gầy, đôi mắt sáng và nụ cười tươi luôn nở trên môi, đó là chàng trai 28 tuổi đã hơn 30 lần tình nguyện hiến máu cứu sống người bệnh.

Với trái tim nhân hậu và nhiệt huyết tuổi trẻ, kỹ thuật viên Lê Văn Sỹ hiện đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) là con người đó. Sỹ như một làn sóng lan tỏa đến nhiều bạn trẻ, hiến những giọt máu của mình để cứu sống nhiều người bệnh.

Lê Văn Sỹ đã nhiều lần hiến máu.

Lê Văn Sỹ đã nhiều lần hiến máu.

Trận ốm thập tử nhất sinh của cậu học trò và ngã rẽ tương lai

Là con thứ hai trong một gia đình làm nông có 4 anh em tại làng quê nghèo (xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), năm 2009, cậu học sinh Lê Văn Sỹ vừa tốt nghiệp phổ thông trung học thì đột nhiên ngã bệnh. Trận sốt kéo dài hơn nửa tháng làm cậu mê man, lúc tỉnh lúc mê, đường vào tương lai mờ mịt. Trong thời gian Sỹ nằm viện, bạn bè đã làm xong hồ sơ để thi đại học, cao đẳng...

Nằm trên giường bệnh lúc bấy giờ, cứ mỗi lần tỉnh là hai dòng nước mắt của Sỹ cứ tuôn trào, vì không biết tương lai của mình sẽ đến đâu nếu như mình bỏ lỡ cơ hội. Bố mẹ thì nghèo, không thể nuôi 4 anh em mãi được. Càng nghĩ cậu càng trĩu lòng.

Sau hơn nửa tháng cơn sốt lui dần, bác sĩ cho Sỹ xuất viện, lúc này cơ thể còn yếu, những bước chân như đi trên mây, bồng bềnh, chông chênh. Sỹ chưa biết mình làm gì thì chị họ đưa giấy báo dự thi Trường cao đẳng Y tế II Đà Nẵng. Sỹ bất ngờ khi chị bảo: “Chị thấy em gầy gò, yếu ớt, nên chị đã chủ động làm hồ sơ cho em thi vào ngành y để sau này tự chữa bệnh cho mình và cho người khác”.

Với quyết tâm thoát khỏi lũy tre làng, năm đó Sỹ đã thi đỗ vào trường, sau 2 năm miệt mài đèn sách, cậu đã tốt nghiệp loại giỏi. Cậu là niềm tự hào của gia đình, bởi vì trong 4 anh em thì chỉ cậu duy nhất là được học hành thông suốt. Bố mẹ cậu rất hãnh diện với bà con xóm giềng.

Lê Văn Sỹ kiểm tra Ngân hàng máu.

Lê Văn Sỹ kiểm tra Ngân hàng máu.

Hành trình yêu thương của chàng trai có nhóm máu O

Nhận được tấm bằng trên tay, Sỹ chưa biết mình đi đâu về đâu vì giai đoạn này xin việc rất khó khăn. Đầu năm 2012, nhận được tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới tổ chức thi tuyển viên chức, Sỹ đã nộp hồ sơ thi tuyển và đã vượt qua xuất sắc mọi vòng thi. Vào công tác tại Khoa Sinh hóa - Huyết học và Truyền máu, chính tại vị trí công tác của mình, Sỹ đã chứng kiến sự thiếu hụt máu dự trữ trong Ngân hàng máu để cấp cứu và điều trị cho người bệnh. Từ đó lòng yêu thương người bệnh đã nhen nhóm và bùng cháy, Sỹ cùng một số đồng nghiệp tham gia thành lập Ngân hàng máu sống để nguồn máu dùng cho cấp cứu người bệnh không bị thiếu khi cần thiết.

Hơn 30 lần hiến máu từ đó đến giờ, không quản ngày đêm, lúc nào cần là cậu ấy có mặt. Sỹ kể: Có lần trực bệnh viện với một đồng nghiệp cùng nhóm máu O, đêm hôm đó, một sản phụ có nhóm máu O sinh con bị băng huyết rất nặng, thời gian truyền máu cấp cứu chỉ tính bằng phút. Trong ngân hàng máu bấy giờ không còn một đơn vị máu nhóm O nào. Sỹ và bạn đồng nghiệp quyết định hiến máu bằng cách hai người đổi nhau lấy máu. Hôm đó là lần đầu tiên Sỹ hiến 2 đơn vị máu mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe (trong khi cậu chỉ nặng 50kg - PV). “Không truyền máu tức thì sản phụ sẽ tử vong, lúc đó bọn em hiến được 4 đơn vị máu để truyền cho bệnh nhân, đồng thời huy động người nhà bệnh nhân và các bạn trong câu lạc bộ Ngân hàng máu sống đến bệnh viện để tiếp tục hiến máu. Tổng cộng hôm đó sản phụ đã được truyền 12 đơn vị máu và đã thoát khỏi lưỡi hái của của tử thần”, Sỹ chia sẻ.

Sỹ kể tiếp: Có nhiều lần hiến máu, các bạn chụp ảnh đăng facebook và tag tên em vào, ba mẹ em ở quê sốt ruột gọi điện ra hỏi: “Con gầy rứa, răng mà hiến máu chi mà nhiều lần dữ rứa con, rồi có ảnh hưởng tới sức khỏe không con, có ảnh hưởng chi tới việc đẻ con sau này nữa không con...”. “Ba mẹ không yên tâm, nhưng em đã giải thích về việc này nên ba mẹ đã bớt phần lo lắng”, Sỹ cho biết.

Tình thương giữa con người và con người đã làm Sỹ vượt qua mọi rào cản của bản thân, tăng thêm sức mạnh cho chính mình để cứu sống người bệnh. Và rất nhiều lần như thế, trong đêm trực Sỹ đã tự hiến những giọt máu quý báu của mình để có thêm một cuộc đời ở lại chốn trần gian.

Bữa cơm chiều hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Bữa cơm chiều hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Và cuộc sống gia đình thường ngày

Tiếp tôi tại “gia đình nhỏ yêu thương” của vợ chồng Sỹ là một phòng trọ rộng khoảng 40 mét vuông. Đồ đạc trong phòng đơn sơ không có món gì đắt giá. Trên tường có treo Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Bình, Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam, khen thưởng về thành tích công tác của Sỹ.

Tiếng nói ngây thơ, tiếng cười của bé gái lên 4 của đôi vợ chồng trẻ tạo cho căn phòng ngập tràn hạnh phúc. Lúc này đã đến bữa cơm chiểu, mâm cơm được dọn lên tuy đơn sơ nhưng khá đầy đủ về dưỡng chất cho cả nhà. Hàng ngày, Huệ (vợ của Sỹ) sáng sớm tranh thủ đi chợ, sơ chế thức ăn chuẩn bị cho cả ngày, đưa con đi nhà trẻ rồi đi làm. Cứ thế Huệ đảm nhiệm công việc gia đình để chồng yên tâm công tác.

Huệ là một cô gái xuất thân từ một làng quê nghèo ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Đôi bạn yêu nhau từ thời sinh viên và học cùng trường, 5 năm sau tốt nghiệp họ về chung một nhà. Huệ ra trường cũng lắm gian nan vất vả, hiện tại đang làm việc cho một phòng khám tư nhân không phải trực đêm. Hàng ngày, ngoài công việc chính, cô phải làm thêm một số việc kiếm thêm chút đỉnh và với đồng lương khiêm tốn của chồng mới đủ tằn tiện nuôi con.

Huệ cho tôi biết: Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng chuông điện thoại thông báo có bệnh nhân cần gấp nhóm máu O, không một chút do dự, chồng em lập tức bật dậy và đến bệnh viện hiến máu. Chúng em yêu nhau từ thời sinh viên nên rất hiểu nhau. Thời sinh viên, chồng em đã xin tham gia hiến máu vài lần nhưng chưa có lần nào được cơ quan y tế cho phép vì trọng lượng cơ thể và sức khỏe không đủ điều kiện. Ra trường, đi làm, sức khỏe anh ấy tốt hơn và đã tham gia nhiều lần hiến máu. “Là người làm trong ngành y nên em luôn thấu hiểu việc làm của chồng mình và luôn động viên anh ấy vì sự sống của người bệnh, mẹ con em luôn ở bên anh, anh hãy yên tâm làm tốt công việc của mình”, Huệ tâm sự.

Tạm biệt đôi vợ chồng trẻ, tôi thầm nghĩ, trong căn phòng trọ nhỏ đơn sơ đó chứa niềm hạnh phúc lớn của một gia đình nhỏ, chứa những trái tim nhân hậu của người làm nghề y. Họ khao khát được cống hiến cho nghề, họ khao khát cứu sống được nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, để cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.


Trần Ánh Dương
Ý kiến của bạn