Trải qua nhiều ca phẫu thuật gay cấn
Khi mới sinh ra, anh Nguyễn Tài Nam là đứa trẻ bụ bẫm, phát triển bình thường. Nhưng khi lên 8 tuổi, lòng bàn tay, mặt, tai, rồi khắp người Nam xuất hiện các khối u như hạt đậu, ngày càng nhiều và to dần lên.
Người thân nghĩ Nam bị dị ứng hoặc bệnh ngoài da nên đã bôi nhiều loại thuốc. Càng bôi, bệnh càng nặng hơn nên đã đưa anh đến bệnh viện để thăm khám thì nhận được kết luận của bác sĩ là Nguyễn Tài Nam bị u sợi thần kinh.
Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, ít năm sau, Nam lại phát hiện mình bị u não, teo cơ. Đang u buồn trước số phận, Nam tiếp tục bị tai biến nặng, miệng méo, tai ù, chân tay co quắp...
Những cú sốc liên tục đến, có lúc Nguyễn Tài Nam ngỡ như không gượng dậy nổi nhưng rồi từ sự động viên của người thân, anh đã lấy lại niềm tin. Nam đã phải phẫu thuật rất nhiều lần ở các bệnh viện, đến nay Nam đã trải qua 23 lần phẫu thuật. Lần phẫu thuật mới nhất vào đầu tháng 10 này là mổ đục thủy tinh thể.
Trong chuỗi thời gian phẫu thuật ở các bệnh viện, Nguyễn Tài Nam được tiếp thêm nhiều nghị lực từ chính những y, bác sĩ.
Anh Nam tâm sự rằng: "Tôi muốn gửi ngàn lời cảm ơn đặc biệt nhất đến các bác sĩ ở Khoa Ngoai thần kinh của nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Chợ Rẫy rồi Khoa Ung bướu (Bệnh viện Vùng Tây Nguyên). Những ngày chống chọi với bệnh tật và trải qua 23 lần phẫu thuật từ chân, tay, mắt...các bác sĩ đã chăm lo cho tôi như người thân ruột thịt của mình. Nhất là trong lần mổ u não, u sợi thần kinh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi không dám mơ mình có thể sống được. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Tôi không tin nổi mình, một bệnh nhân gánh trên mình chồng chất bệnh tật, sức khỏe yếu ớt, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn mà có thể vượt qua được "lưỡi hái tử thần". Cuộc đời tôi đã bước sang một trang mới, sức khỏe và tinh thần ngày càng tốt lên".
Vươn lên làm việc có ích
Khi những cơn đau của bệnh tật tạm lắng xuống, dẫu thính giác, miệng, tay, chân chưa thể hồi phục nhưng Nguyễn Tài Nam vẫn quyết tâm ngày đêm miệt mài làm từ thiện.
Bắt đầu từ tháng 10 năm 2016, anh Nam ngồi xe lăn, chống nạng đi vận động các mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ cho những thân phận bệnh tật, nghèo khó, trẻ mồi côi, học sinh nghèo.
Nguyễn Tài Nam thổ lộ rằng: "Trong hành trình đi chữa bệnh, phẫu thuật, tôi thấy còn nhiều số phận bi đát hơn mình. Thế nên tôi quyết tâm phải làm gì đó giúp họ".
Để cuộc vận động được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, Nguyễn Tài Nam thành lập nhóm thiện nguyện "Ea Kao-Vòng tay yêu thương" cùng các bạn trẻ trong xã Ea Kao tổ chức hoạt động thiện nguyện. Ban đầu, nhóm chỉ kêu gọi, hỗ trợ những người đau ốm, khó khăn trong thôn, xóm, sau đó thì bất cứ ở đâu có thông tin người cần giúp đỡ là nhóm cắt cử người tới tận nơi tìm hiểu, xác minh để kêu gọi giúp đỡ.
Chị Nguyễn Thị Cần Thơ, vừa là thành viên trong nhóm thiện nguyện vừa là người trợ giúp đắc lực cho Nguyễn Tài Nam kể: "Thân thể khuyết tật, nhiều lần phẫu thuật như vậy nhưng Nguyễn Tài Nam làm từ thiện một cách rất say mê miệt mài, không ngại đường xa. Điển hình như chuyến đến "cổng trời" Ea Rớt (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) thăm, trao quà tặng học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2. Tất cả học sinh ở đây là con em đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Để đến được điểm trường này, đoàn thiện nguyện do Nam làm trưởng đoàn phải di chuyển gần 100 cây số từ TP. Buôn Ma Thuột và vượt qua một con dốc cao (dốc cổng trời) lầy lội, trơn trượt nhưng anh Nam vẫn quyết tâm cùng chúng tôi đến tận nơi.
Hay thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng nhất, Nguyễn Tài Nam lại vừa trải qua một ca phẫu thuật nhưng vẫn cùng nhóm thiện nguyện kêu gọi, gom góp tiền, rau củ, lương thực, thuốc men, khẩu trang, nước sát khuẩn tặng cho lực lượng tuyến đầu. Có lúc Nguyễn Tài Nam lên cơn sốt hầm hập nhưng anh quyết không từ bỏ chuyến đi".
Đến nay, sau 7 năm miệt mài hoạt động thiện nguyện, không thể kể hết bao nhiêu hoàn cảnh, bao nhiêu học sinh nghèo được tặng xe đạp, được giúp đỡ đến trường; bao nhiêu đơn vị máu đã đến với các bệnh nhân...mà Nguyễn Tài Nam và nhóm thiện nguyện của mình đã trao tặng.
Nguyễn Tài Nam trải lòng: "Tôi đến với công việc thiện nguyện như một cách để truyền đi tinh thần nhân ái. Nhiều lúc bệnh tật hành hạ đau đớn khiến tôi muốn tìm đến cái chết để bớt gánh nặng cho gia đình, nhưng may mắn, tôi được y, bác sĩ động viên và nhiều người thăm hỏi, giúp đỡ. Thế nên giờ đây, cứ sau mỗi ca phẫu thuật, tôi lại tự nhủ với lòng mình, phải giữ vững nghị lực để sống chung với bệnh tật và không ngừng lan tỏa những việc làm có ích đến cộng đồng".