Ngày 18/12, đại diện Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân An (22 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu).
Xuân An là bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt bởi cha là Trung tá Nguyễn Xuân Hà - chỉ huy trưởng nhà giàn thuộc tiểu đoàn DK1, vùng 2 Hải quân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ sau gần 10 năm trời chạy chữa bệnh vảy nến.
Trước đó, tháng 10/2019, trong một buổi nói chuyện về các bệnh da thường gặp ở nam giới và trao học bổng cho con các chiến sĩ lữ đoàn 171 Hải quân và nhà giàn DK1 tại Vũng Tàu, Ban Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã biết đến Xuân An. Nắm được tình trạng bệnh và hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân, mong muốn giúp Trung tá Hà yên tâm “bám biển”, canh giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã kêu gọi cán bộ, nhân viên, tổ chức khuyên góp, hỗ trợ kinh phí điều trị cho Xuân An.
Xuân An (giữa) và mẹ lo lắng quá trình điều trị bị dang dở khi gia đình đã kiệt quệ kinh phí
Kết quả vận động, bệnh viện đã nhận được 144 triệu đồng. Số tiền đã được sử dụng để điều trị bệnh cho Xuân An trong hơn 1 năm vừa qua.
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bác sĩ trực tiếp điều trị cho Xuân An cho biết: Bệnh nhân được tiếp cận với phương pháp điều trị vảy nến tiên tiến nhất hiện nay là dùng thuốc sinh học.
Ưu điểm của phương pháp là điều trị trúng đích, ít tác dụng phụ so với các thuốc ức chế miễn dịch trước đây. Tuy nhiên, chi phí của thuốc rất cao so với các thuốc kinh điển, trong khi đó vảy nến là bệnh viêm da mãn tính phải được duy trì điều trị lâu dài.
Được biết, Xuân An sẽ được duy trì dùng thuốc 1 tháng 1 lần, mỗi liều thuốc khoảng 16 triệu đồng, BHYT đồng chi trả 40%, còn lại bệnh nhân thanh toán khoảng 10 triệu đồng. “Với hoàn cảnh gia đình của Xuân An hiện nay, đó là một khoản chi phí rất lớn do phải duy trì điều trị lâu dài. Do đó, để điều trị cho bệnh nhân vẫn rất cần sự chung tay của các nhà hảo tâm”- BS.CK2 Vũ Thị Phương Thảo chia sẻ.
Mẹ của Xuân An là bà Đoàn Thị Hoa (46 tuổi) nhớ lại, khi vừa sinh ra, Xuân An đã có các triệu chứng mẩn đỏ.
Từ năm học lớp 7, các biểu hiện mẩn đỏ, tróc vảy, mưng mủ, ngứa ngày càng trở nặng.
Chồng nhận nhiệm vụ thường xuyên, một mình bà Hoa đưa con đến các bệnh viện lớn tại TP.HCM để khám và điều trị nhưng không có hiệu quả.
Không từ bỏ, bà cùng con ra tận Hà Nội, Cao Bằng đều đặn mỗi tháng 1 lần. Thậm chí, “có bệnh thì vái tứ phương”, bà cho con uống thuốc đông y.
Bệnh tình không những không giảm mà ngày càng trở nặng do điều trị sai phương pháp, trong khi kinh phí điều trị, đi lại đã cạn kiệt.
“Chồng nhận nhiệm vụ 1 năm chỉ về phép được 1, 2 lần, mỗi lần chỉ được vài ngày ngắn ngủi. Tôi làm bảo mẫu của trường tiểu học, sau An còn có em trai. Đã có lúc 3 mẹ con từng nghĩ phải bỏ cuộc. Đến nay tôi chỉ hy vọng An được duy trì điều trị, tương lai của con còn rất dài”- bà Hoa ngẹn ngào.
Ngồi bên cạnh mẹ, Xuân An chia sẻ, trong nhiều năm học trước đó An phải sống trong mặc cảm vì bệnh. Trên cơ thể và mặt nhiều nốt đỏ, mưng mủ. Đã có lúc An nghĩ quẩn, nhưng từ tình yêu của gia đình, An đã dần vượt lên mặc cảm, quyết tâm thi đỗ vào ngành Dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP.HCM.
Xuân An cũng lo lắng chia sẻ: Động lực thi vào ngành Dược của An là có thể tìm hiểu về các loại thuốc có thể điều trị cho mình và giúp đỡ những người bệnh cùng cảnh ngộ. Nếu không được tiếp tục điều trị, bệnh có thể bị tái phát, ảnh hưởng sức khoẻ, tinh thần và quá trình học...