Hà Nội

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn'

11-09-2023 10:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Mang trong mình chất độc da cam khiến đôi chân Bình khập khiễng. Thế nhưng suốt nhiều năm qua chàng trai này vẫn miệt mài rong ruổi khắp nơi đi làm thiện nguyện, mang niềm vui đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn.

Vượt lên nghịch cảnh

Chàng trai chúng tôi muốn nhắc đến là anh Lê Thái Bình (SN 1988, ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bình sinh ra trong một gia đình nghèo khó, có 3 anh em (2 người bị tàn tật từ nhỏ) do ảnh hưởng chất độc màu da cam di truyền từ ông nội, trong đó Bình chịu ảnh hưởng chất độc nặng nhất.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 1.

Anh Lê Thái Bình (người ngồi bên trái) mang trong mình chất độc da cam nhưng vẫn miệt mài đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Từ nhỏ Bình đã không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa bởi dị tật bẩm sinh khiến đôi chân và bàn tay bị teo rút, co quắp, lời nói "méo mó". Tuổi thơ của Bình gắn với những cơn đau nhức hành hạ, khi muốn di chuyển phải lê bằng hai đầu gối. Suốt 8 năm trời mọi sinh hoạt của anh đều do tay bố mẹ chăm sóc. Thương con, bố mẹ làm cho Bình chiếc xe lăn để thay đôi chân, cũng kể từ đó chiếc xe làm bạn với anh.

Đúng ông trời không lấy đi của ai tất cả, dù khuyết tật nhưng bù lại cho Bình hoạt bát, nhanh nhẹn. Hằng ngày, ngồi xe lăn chứng kiến bạn bè cũng trang lứa cắp sách đến trường, Bình khao khát được học con chữ. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai bị tật nguyền nhưng thấy con suốt ngày mân mê bên cuốn vở cũ cùng chiếc bút, bố mẹ Bình đành liều cho con đến trường cùng bạn bè để con thỏa niềm đam mê.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 2.

Ở đâu có khó khăn, ở đó có anh Bình.

"Những ngày đầu đến trường tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bị bạn bè trêu chọc, họ vô tâm cười đùa, nhái theo giọng nói của tôi. Lúc đó tôi buồn lắm. Nhưng, chính trong những khó khăn, nhọc nhằn đó mà cảm nhận được từ cuộc sống rèn cho tôi đức tính nhẫn nhịn, trở thành động lực lớn giúp tôi nỗ lực vươn lên tự thay đổi mình, thay đổi cuộc sống", anh Bình tâm sự.

Niềm vui được đến trường "ngắn chẳng tày gang", khi học đến lớp 5, vì sức khỏe quá yếu nên Bình không thể đến trường, suốt ngày phải điều trị ở bệnh viện. Cũng từ đó, ước mơ cắp sách tới trường của anh bị dập tắt.

Tương lai mù mịt như giăng trước cuộc đời, trong lúc tưởng như mọi ước mơ bị đóng lại tất cả thì Bình được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh. Từ đây, tương lai của anh dần "hé mở", anh được học và theo đuổi nghề Tin học.

Sau khi hoàn thành khóa học, anh Bình quyết định lập nghiệp bằng cách mở tiệm Internet tại quê nhà. Với ý thức "tàn nhưng không phế", anh vay mượn người thân, mua dàn máy tính 15 chiếc mở cơ sở tin học tại nhà.

"Khi tôi quyết định mở tiệm Internet người dân xung quanh bàn tán xôn xao, họ nghi ngờ về khả năng của tôi, có người còn cho rằng cái đứa khuyết tật ấy sẽ không thể làm ăn được. Cũng may nhờ sự quyết tâm và kiên trì mà tôi đã đi đầu, mang Internet về làng quê nghèo", anh Bình nói.

Đến năm 2020 khi xã hội ngày càng phát triển, anh dần chuyển sang nghề sửa chữa và bán máy tính. Theo Bình, nghề này vừa mang về cho anh thu nhập ổn định, vừa giúp anh thỏa niềm đam mê khám phá máy móc.

Ở đâu có khó khăn, ở đó có "Bình khoèo"

Khi cuộc sống dần ổn định, Lê Thái Bình khao khát được cống hiến tuổi trẻ của mình cho xã hội và muốn chia sẻ niềm vui cho những người đồng cảnh ngộ như mình.

Nói về cái duyên đến với thiện nguyện, Bình cho biết, xuất phát từ bản thân sinh ra kém may mắn nên anh càng thấu hiểu được khó khăn của những người khuyết tật, những em bé mồ côi, hay những cụ già neo đơn... Từ đó anh luôn ấp ủ trong mình phải làm sao đó để giúp một phần sức nhỏ cho những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội này.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 4.

Những chuyến đi thiện nguyện, những công việc ý nghĩa luôn được anh Bình và “Nhóm hướng thiện từ trái tim” duy trì để giúp đỡ những phận đời kém may mắn.

Năm 2013, anh Bình lên mạng xã hội kêu gọi mọi người thành lập một tổ chức thiện nguyện. Có người ủng hộ, có người hoài nghi. Nhưng bằng tất cả sự chân thành, anh Bình đã kêu gọi được hơn 100 bạn trẻ thành lập “Đội tình nguyện hướng về Kỳ Anh” và “Nhóm hướng thiện từ trái tim”. Anh Bình và các thành viên bắt đầu đi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ người có hoàn cảnh kém may mắn.

Trong hoạt động thiện nguyện, nhóm của Bình còn tham gia nhiều hoạt động tiêu biểu như “Hơi ấm vùng cao"; “Điều kỳ diệu cuộc sống” dành cho người khuyết tật; “Trung thu yêu thương - nâng bước em đến trường” tại làng trẻ em mồ côi SOS tỉnh Hà Tĩnh,...

Bình chia sẻ, những lần đi tình nguyện lên vùng cao luôn là chuyến đi đem lại cho anh nhiều cảm xúc nhất, bởi vùng dân tộc thiểu số cuộc sống người dân rất khó khăn, cần đến sự quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng.

Trên hành trình thiện nguyện, ngoài giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ thì niềm hạnh phúc nhất đối với anh Bình là truyền được nghị lực sống cho họ. “Có những bạn khuyết tật từ nhỏ, chưa bước chân ra khỏi nhà. Họ sợ bị trêu chọc, mỉa mai. Chính tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn đó, nên tôi rất đồng cảm. Tôi động viên và hướng họ đến sự tích cực, để họ tự tin phá vỡ bức tường vô hình bao bọc" anh Bình tâm sự.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 5.

Những mảnh đời kém may được anh Bình giúp đỡ.

Qua những chuyến đi thiện nguyện, Bình có nhiều kinh nghiệm, thấu hiểu hơn cuộc sống khó khăn, bất hạnh của những mảnh đời bất hạnh.

"Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh khác nhau, thay vì cuộc sống an nhàn của tuổi trẻ, hãy tạo cho mình một lối đi riêng và giúp ích được cho nhiều người, có như vậy cuộc sống mới ý nghĩa và đáng sống. Tôi sẽ dùng hết khả năng để làm thật nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thấy được những nụ cười của người khó khăn tôi vui lắm", anh Bình nói.

Ngoài tham gia vì cộng đồng, Bình còn mở tủ sách với tên gọi "Không gian đọc sách Thái Bình". Anh mong muốn sẽ khơi dậy văn hóa đọc, tạo điều kiện cho các em cũng như những người dân có cơ hội đọc những cuốn sách hay, giá trị để nâng cao kiến thức trong cuộc sống.

Tủ sách của anh hiện có hơn 3.000 cuốn sách về nhiều thể loại như văn học, truyện đọc thiếu nhi, sách khởi nghiệp, kỹ năng sống… Tủ sách của anh thu hút nhiều độc giả là học sinh, thanh niên và người dân trên địa bàn tìm đến đọc và mượn sách.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 6.

Anh Bình tham gia Chương trình xây dựng tủ sách di động và truyền cảm hứng cho các em học sinh tại Trường tiểu học Kỳ Lợi

Từ những hành trình làm thiện nguyện đầy ý nghĩa, tháng 5/2021, anh Bình đã xuất bản cuốn sách Hành trình từ trái tim. Cuốn sách như “liều thuốc kích thích” đã giúp cho không ít người khuyết tật “hồi sinh” niềm tin vào cuộc sống. Anh đã dành 50% tiền bán sách để ủng hộ chương trình Tết vì người nghèo.

Chàng trai khuyết tật vượt khó làm thiện nguyện: 'Vui khi thấy nụ cười của những người khó khăn' - Ảnh 7.

Với những nỗ lực của mình, anh Bình đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen.

Với những nỗ lực của mình, anh Bình đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2020 anh là 1 trong 64 thanh niên khuyết tật tiêu biểu tôn vinh trong chương tỏa sáng nghị lực Việt theo Quyết định số 93-QĐ/KT-TWH của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Nhóm hướng thiện từ trái tim được chứng nhận là thành viên của Trung tâm tình nguyện Quốc gia...

Ông Lê Xuân Lành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Bình thuộc diện khó khăn, bản thân mang trong mình chất độc da cam thế nhưng những năm qua anh thường xuyên đi làm thiện nguyện giúp nhiều trường hợp khó khăn.

"Mỗi hoạt động thiện nguyện của Bình luôn để lại cảm xúc trong lòng người dân. Thể hiện tinh thần tích cực, gắn kết tình thương, lòng nhân ái của các mạnh thường quân trong cộng đồng chia sẻ tới đồng bào khó khăn. Việc làm của anh rất đáng được tuyên dương và xứng đáng để mọi người phải noi theo", ông Lành nói.

Những thầy thuốc tuổi ""xưa nay hiếm"" miệt mài khám bệnh thiện nguyệnNhững thầy thuốc tuổi ''xưa nay hiếm'' miệt mài khám bệnh thiện nguyện

SKĐS - Sau khi nghỉ hưu, nhiều thầy thuốc là cựu chiến binh ở Khánh Hòa vẫn miệt mài đi khám bệnh thiện nguyện và xem đây như niềm hạnh phúc ở tuổi xế chiều của mình.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn