Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái

30-08-2023 06:37 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Cất tiếng khóc trào đời, Nay Djruêng đã bị khuyết tật, không có hai bàn tay và đôi chân, nhưng bằng nghị lực phi thường, Djruêng vươn lên và không ngừng nghỉ lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng...

Chiến thắng nghịch cảnh bằng "ngọn lửa" nhân ái

Năm 1994, Nay Djruêng cất tiếng khóc chào đời tại xã Krông Năng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), trong một căn nhà đơn sơ giữa rừng rẫy xanh thẳm, bốn mùa gió thổi thông thốc.

Khác hẳn những đứa trẻ khác, ngày Nay Djruêng sinh ra, xóm làng nháo nhác, người thân xót xa khi thấy em khuyết mất đôi chân và hai bàn tay. Nhiều bước chân rầm rập ùa đến nhà Nay Djruêng đòi chôn sống vì nghĩ ma, quỷ đã ám vào nên em mới có cơ thể khác thường như thế.

Nhưng gia đình Nay Djruêng nói chờ ông bác ruột của em về để quyết định. Ông bác từ nương rẫy về, liền thốt lên: "Tôi không biết giết người, sao mà chôn được".

Sau khoảnh khắc gay cấn ấy, bà và chị dâu cùng người thân Nay Djruêng bế em đi nơi khác để chăm sóc. Năm tháng dần trôi qua, dẫu không có đôi bàn tay, không có chân nhưng Nay Djruêng vẫn phát triển trọng lượng và trí tuệ bình thường.

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái - Ảnh 2.

Dẫu không có 2 bàn tay và chân từ bé nhưng Nay Djruêng luôn khát khao lan tỏa lòng nhân án, làm thiện nguyện.

Đến tuổi đi học, Nay Djruêng từng ngày lê lết đến trường với đôi chân khuyết tật nặng, có những ngày hai đầu gối em trở nên phồng rộp, xây xước nhưng khát vọng học chữ không hề lụi tắt. Không có bàn tay, Nay Djruêng luyện cách kẹp bút vào khuỷu tay.

"Ở vùng sâu này, vui nhất là được nô đùa, chảy nhảy lúc nhá nhem tối nhưng đó là với những đứa trẻ lành lặn, còn em thì đứng dậy không nổi. Mỗi lần đến chiếc bàn học tập ở góc nhà cũng phải lết bằng đầu gối, rất cơ cực và đau đớn. Thế nhưng, nếu mình bỏ cuộc, mình chán nản thì làm sao mà vượt qua được nghịch cảnh"- Nay Djruêng tâm sự.

Gần hết tiểu học, Hội chữ thập đỏ thấu cảm hoàn cảnh và nghị lực của Djruêng nên tặng cho em đôi chân giả. Càng học lên cao khối lượng kiến thức càng nhiều hơn, Djruêng thường xuyên thâu đêm luyện chữ và làm toán.

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái - Ảnh 3.

Nay Djruêng cẩn thận chuẩn bị quà, sách, vở tặng cho học sinh vùng sâu

Djruêng bộc bạch rằng: "Năm tháng đi qua, bao nhọc nhằn, hân hoan, nhân từ trong cuộc sống đã vực em dậy. Những lúc nhìn cảnh bao đứa trẻ trên vùng Tây Nguyên này thiếu thốn đủ thứ, nhất là dụng cụ học tập, sách vở, tiền chi phí, trong em trỗi dậy khát vọng bản thân mình phải học thật tốt để quay về giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Lòng nhân ái càng lan tỏa càng làm cho đời sống tốt đẹp hơn".

Với khát vọng cao cả ấy, học xong lớp 12, Djruêng vào học tiếp trường Cao đẳng công nghệ thông tin (Đại học Đà Nẵng). Cũng từ đó, dù với đôi tay, đôi chân không nguyên vẹn nhưng Djruêng luôn tiên phong trong các hoạt động thiện nguyện ở trường.

Nhìn lại những tháng ngày đầy chông gai đã đi qua, Djruêng thổ lộ: "Do hoàn cảnh, bố mẹ không cận kề thường xuyên nên em phải tự lập từ rất sớm. Luôn nghĩ đến một chân trời tươi đẹp nên khó khăn nào em cũng phải căng mình vượt qua, không để những giọt nước mắt của sự tủi phận làm mình gục ngã".

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái - Ảnh 4.

Nay Djruêng miệt mài lan tỏa lòng nhân ái, đến tận nhà các em nhỏ khó khăn để tặng quà.

Không chỉ năng nổ trong các hoạt động thiện nguyện ở trường mà năm 2014, bước vào tuổi 20, Djruêng bắt đầu tiếp sức cho những hoàn cảnh gian khó bằng chính chương trình do mình nghĩ ra đó là chương trình "Đi qua mùa rẫy". Việc làm cốt lõi của chương trình là vận động, quyên góp để giúp những đứa trẻ có hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn ở vùng sâu Krông Pa có cuộc sống tốt hơn, được tiếp bước đến trường, không dở dang ước mơ. Đến nay, số học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt được Djruêng tiếp sức đếm không xuể.

Thắp lên khát vọng cho những hoàn cảnh gian khó

Mỗi đợt trao quà, dụng cụ học tập trên Krông Pa là thêm một lần Djruêng thắp lên hy vọng cho hàng loạt hoàn cảnh gian khó. Nhưng, ít ai biết rằng, để có những thành quả ấy, Djruêng phải vượt qua chồng chất nhọc nhằn.

Djruêng chia sẻ rằng, học xong ở Đà Nẵng, em vào TP. Hồ Chí Minh vừa bươn trải mưu sinh vừa quyên góp tiền làm từ thiện. Đôi chân giả hay trở chứng, đi lại nhiều gây đau nhức nên phải đi xe đò, xe buýt. Ở đâu có người tặng sách, vở… là tức tốc lên đường đến nhận ngay.

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái - Ảnh 5.

Nay Djruêng (áo đen, thứ 4 từ trái qua) tặng quà và học bổng do chính anh vận động, quyên góp được cho học sinh vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số

Ngoài vận động cho chương trình của mình, ở mảnh đất phương Nam, Djruêng còn tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nguyện như: Trung thu cho em, Giáng sinh yêu thương…

Hòa nhập vào đời sống, cực nhọc lăn lộn qua nhiều vùng đất, Djruêng nghiệm ra rằng, ở đâu cũng tồn tại lòng nhân văn, nhân ái. Thế nên, trong lòng anh luôn thôi thúc ý nghĩ, phải giúp thật nhiều người hơn nữa, nhất là các em học sinh gian khó, tật nguyền ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.

Có thời điểm mệt bơ phờ vì hành trình làm từ thiện nhưng khi biết tin một số em vùng sâu như: Ksor H'Vân; Ksor Tinh… bị bệnh, phải về TP.Hồ Chí Minh khám, điều trị, Djruêng lại tất tả lao lên xe buýt đến trợ giúp như người ruột thịt của mình. Thuốc men, quần áo… được anh lo một cách chu đáo. Số tiền ít ỏi có trong túi, anh cũng lấy ra cùng với tiền của một số nhà hảo tâm để cho các em nghèo khó, đau bệnh này.

Một số thanh niên tật nguyền chán nản, liên tục than thân, oán trách cuộc sống khi thấy và chứng kiến những việc làm của Djruêng, rồi nghe anh kể về hành trình đầy mồ hôi và nước mắt của mình để trưởng thành như hôm nay thì họ lấy lại tự tin.

Chàng trai không tay, không chân miệt mài lan tỏa lòng nhân ái - Ảnh 6.

Nhiều phần thưởng cho hành động nhân ái của Nay Djruêng.

"Sống bằng ý nghĩ và sự lo lắng cho người thiệt thòi, người bệnh tật khiến em vui và hạnh phúc hơn. Do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty nơi em công tác giảm người, em ra tự làm bên ngoài, vất vả hơn nhưng càng vất vả càng phải vươn lên. Điều trăn trở nhất là đôi chân giả được Hội chữ thập đỏ tặng đã quá cũ nên việc đi lại làm thiện nguyện cũng bị ảnh hưởng ít nhiều", Djruêng trải lòng.

Cũng như mọi năm trước, đúng dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024 này, Djruêng sẽ trao quà cho 60 em, học bổng cho 7 em học sinh khó khăn trong chương trình "Đi qua mùa rẫy" tại Krông Pa, Gia Lai.

Không chỉ trao quà, tiền, Djruêng còn tiếp thêm năng lực tích cực, chân thành động viên học sinh vùng sâu hãy giữ vững ước mơ chinh phục tri thức để giúp ích cho quê hương, đất nước được nhiều hơn.

Trăn trở về chặng đường phía trước, không phải cho riêng mình, Djruêng thổ lộ: "Em vừa ở TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai để chuẩn bị kết hợp với trường học, trao quà cho các em học sinh. Em cũng còn rất nhiều dự định giúp người khuyết tật, người dân tộc thiểu số nghèo khó… để ai cũng có thể vươn lên, chỉ mong đôi chân tật nguyền này bớt những cơn đau".

Với hành trình miệt mài lan tỏa lòng nhân ái của mình, Nay Djruêng đã giành được nhiều phần thưởng, tôn vinh như: Giải thưởng "Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng" năm 2020 và 2022 do Cộng đồng Tình nguyện Việt Nam tổ chức; Giải khuyến khích cuộc thi hát cho người khuyết tật "Giai điệu trái tim" năm 2018…

Nay Djruêng tặng quà cho học sinh vùng sâu



Hà Đạo
Ý kiến của bạn