Chàng trai K’ho 20 năm gắn bó với y tế thôn bản

07-10-2017 08:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chúng tôi về thôn 5, xã Tân Lâm, huyện Di Linh, Lâm Đồng để tìm hiểu công việc của người nhân viên y tế thôn bản K’Bés - người đã có 20 năm gắn bó với công tác y tế thôn bản.

Chúng tôi rất cảm phục sự tâm huyết phục vụ cộng đồng của anh.

Anh K’Bés sinh năm 1969, dân tộc K’ho, sau khi đi học 1 năm về Y tá sơ cấp tại Trường cao đẳng Y tế Lâm Đồng, K’Bés làm tình nguyện 3 năm cho y tế với công việc phun xịt hóa chất chống muỗi phòng bệnh sốt rét cho bà con trong vùng. Sự nhiệt tình yêu nghề của anh đã được TYT xã Tân Lâm nhận vào làm nhân viên y tế thôn bản của thôn 5. Từ đó đến nay, K’Bés được tập huấn bồi dưỡng kiến thức và cấp túi thuốc để làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con. K’Bés nói: “Niềm vui nhất của tôi là tuyên truyền cái đúng, kiến thức khoa học, có lợi, có ích cho bà con, giúp bà con từ ăn uống vệ sinh và nhiều thứ liên quan đến sức khỏe đời sống”.K’Bés đeo túi thuốc cá nhân làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con thôn 5, xã Tân Lâm, Di Linh.

K’Bés đeo túi thuốc cá nhân làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con thôn 5, xã Tân Lâm, Di Linh.

Với nhiệm vụ là nhân viên y tế thôn bản quản lý địa bàn rộng, thuộc vùng sâu vùng  xa, dân cư phân bố không đều nằm rải rác 2 bên đường quốc lộ chạy dài hơn 2km và một nửa số hộ được bố trí theo lộ vườn, có 306 hộ, 1.464 nhân khẩu trong đó 80% dân số là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, trình độ dân trí thấp, còn theo lối sống phong tục mê tín dị đoan, đời sống khó khăn, trong công tác gặp nhiều khó khăn nhưng anh K’Bés khắc phục mọi trở ngại để triển khai tốt công việc đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, năm 2015 anh đã hoàn thành chỉ tiêu được giao: Truyền thông giáo dục sức khỏe đến 2.346 lượt người; tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ 97%; uống vitamin A trẻ 6 - 36 tháng đạt tỷ lệ 90,4%; cân trẻ < 2 tuổi suy dinh dưỡng triển khai hàng tháng trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng 2/40 trẻ đạt tỷ lệ 5%. Chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ: Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, vận động phụ nữ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3. Khối lượng công việc nhiều nên K’Bés thường xuyên trực tiếp thăm hộ gia đình để truyền thông công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, hàng tháng K’Bés tới những hộ gia đình có trẻ đến tuổi tiêm chủng mở rộng để tư vấn, vì vậy tỷ lệ tiêm chủng luôn đạt cao từ 90 - 95%. Nhờ vậy, trong những năm qua không có vụ dịch lớn xảy ra trên địa bàn thôn.

Bên cạnh công việc y tế thôn bản, K’Bés còn làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ. Công việc tình nguyện là chính, trường kỳ 20 năm làm việc vất vả, với phụ cấp của nhân viên y tế thôn bản 575.000 đồng/tháng hiện nay nhưng K’Bés nói “Mình chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ công việc y tế thôn bản vì khi còn học sinh mình đã tâm huyết làm nghề này để giúp bà con”. Hằng năm, K’Bés luôn được đánh giá xếp loại là y tế thôn bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Ông K’Bịu - Bí thư Chi bộ thôn cho biết, sự đóng góp tích cực của nhân viên y tế thôn bản K’Bés trong 20 năm qua đã giúp đời sống bà con trong thôn thay đổi cụ thể như: Bà con quan tâm tiêm chủng mở rộng, khám phụ khoa, phòng chống suy dinh dưỡng... K’Bés đến từng hộ gia đình để vận động bà con biết chăm sóc giữ gìn sức khỏe phòng ngừa dịch bệnh, cấp phát vitamin A cho trẻ em. Nhờ vậy mà bà con mình 20 năm nay bỏ thói quen uống nước suối, mỗi nhà đào giếng để có nước sạch dùng trong sinh hoạt, biết ăn chín uống sôi, biết phòng chống sốt rét, có bệnh thì đến trạm y tế khám lấy thuốc uống, nhà nào cũng có hố xí hợp vệ sinh, đặc biệt 10 năm nay không còn chăn nuôi thả rông...


Bài và ảnh: Diệu Hiền
Ý kiến của bạn