Chàng trai được nhận trái tim hiến tặng:’Tôi còn biết nói gì khác ngoài lời cảm ơn’

31-08-2024 21:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sau 5 ngày nhận được trái tim của chàng trai 32 tuổi ở Hà Nội hiến tặng, chiều nay, anh L.A.H. đã có thể tự ăn cháo, cười nói và ‘muốn chạy bộ trở về nhà’.

Chiều 31/8, ThS.BS Trần Thị Thanh Thủy – Trưởng Đơn vị Gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch, khoa Gây mê – Hồi sức của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, trước khi mổ, anh L.A.H. (37 tuổi, quê ở Gia Lai) là người suy tim nặng, cả hai tim thất đều suy yếu. 

Không giấu được sự vui mừng, ThS.BS Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ: "Sau khi nhận được món quà vô giá là trái tim mới khỏe mạnh, anh H. đã hồi phục nhanh hơn mong đợi. So với một ca mổ tim thông thường, sự hồi phục này tương đương với một ca mổ tim nhẹ. 

Là một trong hàng trăm người tham gia vào hành trình ghép tim, giờ đây, khi chứng kiến những bước hồi phục đầu tiên của người bệnh, tiến triển nhanh hơn những mục tiêu chúng tôi đề ra từng ngày, niềm vui thật khó diễn tả bằng lời".

Ngày thứ hai sau ca phẫu thuật, anh H. đã có thể ngồi dậy và tự đứng lên. Đến ngày thứ năm, anh đã có thể đứng thẳng, tự ăn cháo và trò chuyện vui vẻ với mọi người.

Bác sĩ Thủy kể, anh L.A.H. rất cố gắng, ăn ngon miệng. "Tôi muốn ăn nhiều thứ, cảm thấy mình khỏe và có thể chạy bộ được, sẵn sàng về nhà rồi", anh H nói.

Hiện tại, anh L.A.H. vẫn đang được chăm sóc hậu phẫu tại bệnh viện và đang chờ ngày xuất viện.

Chàng trai được nhận trái tim hiến tặng:’Tôi còn biết nói gì
khác ngoài lời cảm ơn’- Ảnh 1.

Sau 5 ngày ghép tim, hiện anh H. đã có thể cười nói, tự ăn và đứng dậy. Ảnh: BVCC.

"Tôi còn biết nói gì khác ngoài lời cảm ơn" là câu trả lời cùng nụ cười của người vừa vượt qua cửa tử", anh H xúc động nói.

Trước đó, năm 2021, Anh H. được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim. Thời điểm đó chức năng co bóp của cơ tim chỉ còn 18%. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 và điều kiện chẩn đoán chưa đầy đủ tại bệnh viện cơ sở, anh H. không thể đi khám và tiếp cận các phương tiện chẩn đoán chính xác.

Từ tháng 7/2023, khi triệu chứng khó thở ngày càng nặng, anh đã tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã xác định rõ tình trạng bệnh của anh. Đồng thời phát hiện anh L.A.H. có nhóm máu Rh âm tính - một nhóm máu hiếm.

Sau quá trình điều trị, tình trạng khó thở của anh được cải thiện, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống cũng được củng cố và anh H. đã đăng ký vào danh sách chờ ghép tim.

Bất ngờ, vào 12 giờ trưa ngày 24/8, anh L.A.H. và gia đình nhận được thông báo chuẩn bị nhập viện để ghép tim.

Vợ anh L.A.H. xúc động chia sẻ: "Chồng tôi luôn mong muốn được sống vì anh ấy rất thương con. Anh luôn sẵn sàng trong tinh thần 'tôi đang bị bệnh, đã có chỉ định rồi'. Ngay khi nhận được cuộc gọi, gia đình lập tức mua vé bay. May mắn hơn nữa là Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM rất chu đáo, thậm chí các xét nghiệm cần thiết cho chồng tôi được thực hiện ngay trên xe cấp cứu khi đưa từ sân bay về bệnh viện. Tôi biết khó khăn lớn nhất là tìm được trái tim phù hợp, phần còn lại chúng tôi hoàn toàn nhờ cậy vào các bác sĩ. Chúng tôi thực sự quá may mắn, quá được yêu thương".

Trái tim của anh H. được nhận từ một chàng trai 32 tuổi bị tai nạn giao thông với tình trạng chết não ở Hà Nội. Câu chuyện này đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. 

"Trái tim - phần đặc biệt của cơ thể - là cơ quan duy nhất không thể tặng mà người hiến vẫn còn sống. Khi trao đi trái tim để cứu sống một sinh mệnh khác, ý nghĩa cao đẹp của sự trao tặng ấy luôn được khắc ghi không chỉ bởi người nhận mà còn lan tỏa niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt cho nhiều người mắc bệnh tim hiểm nghèo khác. Chúng tôi là một nốt nhạc trong bản hòa tấu mang tên hành trình ghép tim xuyên Việt mà bao người đã lắng nghe. Xin được nhắn gửi tới người hiến và gia đình rằng trái tim của anh đã được nâng niu suốt hành trình, đã an toàn, đập khỏe trong lồng ngực mới và thực hiện đúng mong muốn giúp một người được sống tiếp", Bác sĩ Thủy xúc động chia sẻ.

Ca cấy ghép tim titan bằng công nghệ Maglev đầu tiên trên thế giớiCa cấy ghép tim titan bằng công nghệ Maglev đầu tiên trên thế giới

SKĐS - Ngày 25/7, Viện Tim Texas (THI) và công ty thiết bị y tế giai đoạn lâm sàng BiVACOR cho biết đã thành công ca cấy ghép tim nhân tạo toàn phần (TAH) BiVACOR đầu tiên trên người.


Phạm Thương
Ý kiến của bạn