Chàng trai đi vận động tránh thai từ lúc 20 tuổi

26-12-2016 16:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Ở Xóm Giếng, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên Thái Nguyên từ người già đến trẻ nhỏ chẳng ai còn lạ lẫm với anh Hà Văn Dư, cộng tác viên dân số nổi tiếng của xóm này. Tham gia làm cộng tác viên Dân số từ lúc 20 tuổi, đến nay anh đã gắn bó 16 năm. 16 năm ở xóm Giếng này người ta đặt cho anh cái tên trìu mến thân thiết, Dư dân số, Dư bao cao su.

Anh Dư cho biết,anh đến với công việc của cộng tác viên dân số là cái duyên và sự tình cờ, anh cũng không nghĩ là một thanh niên 20 tuổi chưa vợ như anh lại tham gia cái việc đi phát bao cao su, rồi đến từng hộ gia đình “vận động” các chị ngừng đẻ, đi triệt sản, tư vấn về các phương tiện tránh thai… “Mời đầu cũng ngượng lắm, xấu hổ nữa vì cứ đi ở đường là đám thanh niên với con nít lại gọi ý ới, anh Dư ơi, hôm nay không đi phát bao cao su à? . Nhưng mãi rồi cũng quen với cả đấy là việc của mình mà việc gì mình phải ngại, phải xấu hổ. Thời gian đầu khi mới vào nghề, anh còn quá trẻ, lại chưa có gia đình nên phần nào hạn chế trong “khoản” hiểu biết về sinh đẻ.”, anh Dư thật thà kể.

Xóm Giếng nơi anh Dư công tác chủ yếu là đồng bào dân tộc nên lúc việc tuyên truyền không chỉ khó khăn bởi anh là “trai tân” mà phần lớn nhận thức của bà con về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình vô cùng hạn chế. Bà con vẫn theo thói quen sinh đẻ nhiều và đặc biệt là tâm lý “trọng nam, khinh nữ”vì thế vận động các gia đình hai con gái không sinh thêm con thứ 3 là việc vô cùng khó khăn.

Mặt khác, anh Dư lại còn trẻ vì thế đi đến các hộ gia đình đặc biệt là hộ gia đình có người lớn tuổi hầu như bị “xua đuổi”. Tuy nhiên, với sự kiên trì, cần mẫn, đến nay anh đã có 16 năm công tác, đã tạo dựng được “thương hiệu” “Dư dân số” đối với bà con. Anh cho biết thêm, việc truyền thông dân số tại địa phương anh thường phải bóc tách các chủ đề thành nhiều buổi nhỏ phù hợp với từng đối tượng.

Chia sẻ về bí quyết thành công trong công tác dân số, anh Dư cho biết: Để truyền thông chính sách đi vào lòng người mình phải nắm bắt tâm lý của từng người, đặt họ là trung tâm, tập trung truyền thông theo nhóm nhỏ thì sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ đối với các đối tượng trung niên thì phải nói chuyện theo cách của họ, phải từ chuyện xa đến chuyện gần, gần gũi chia sẻ việc cuộc sống, việc gia đình.

Anh Hà Văn Dư tham gia làm Cộng tác viên dân số tử năm 20 tuổi, đến nay anh đã có 16 năm gắn bó với công tác này (ảnh N.H)

Còn đối với các thanh niên trẻ trong độ tuổi sinh đẻ hay các thanh niên chuẩn bị xây dựng gia đình thì mình phải có chút hài hước, tếu táo… vì thế các buổi truyền thông về dân số của anh rất thú vị, thu hút và thường tạo được tiếng cười  mà vẫn hiệu quả. Nhờ sự kiên trì, bền bỉ đi từng ngõ, gõ từng nhà, trong xóm của anh Dư  nhiều năm không có người sinh con thứ  3, đặc biệt là nạn tảo hôn không có.

BS. Trần Văn Thanh, Giám đốc TTDSKHHGĐ thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên cho biết, thời gian qua công tác Dân số kế hoạch hóa gia đình của địa phương đã có được những thành công, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành thì một phần góp phần không nhỏ vào thành công này chính là tinh thần trách nhiệm, sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV dân số đem lại.


Được biết, trong 11 tháng của năm 2016, TTDS- KHHGĐ Phổ Yên đã tổ chức được gần 600 buổi truyền thông nhóm nhỏ, nõi chuyện chuyên đề tại thôn xóm, tổ chức 11 Hội nghị tuyên truyền về Chính sách dân số, phổ biến luật, luật bình đẳng giới, luật hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cho gần 700 đối tượng…và nhiều các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề …Theo đó, trong 11 tháng, chỉ tiêu giảm sinh và KHHGĐ thị xã Phổ Yên đều đạt và vượt kế hoạch của tỉnh cũng như thị xã đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn như tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa bền vững, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao…


Nguyễn Tuệ
Ý kiến của bạn