'Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...': Tính thanh lịch - một phẩm chất đáng quý của người Hà Nội

28-03-2022 05:56 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Người Hà Nội thanh lịch, sành ăn uống, mặc thanh nhã, kín đáo, đặc biệt biết sàng lọc để lời nói lưu loát, nhã nhặn lại ý nhị, tôn trọng người đối thoại.

Nói đến tính thanh lịch của người Hà Nội, người ta lại nhớ tới câu ca dao cũ:

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài.

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

"Thanh lịch", đó là thanh nhã và lịch sự, là một phẩm chất đáng quý. Người thanh lịch không chỉ có cử chỉ tao nhã, lịch sự mà phải là một người có hiểu biết sâu sắc, có cách ứng xử đúng mực và với phụ nữ Hà Nội thì duyên dáng, đáng yêu, tức là người đó phải hội đủ các yếu tố về nội dung và hình thức.

Người Hà Nội luôn có lối trả lời có chữ "ạ", và có cách ứng xử rất đặc biệt, cách nói chuyện "thưa gửi, vâng dạ" với đôi chút rào đón. Thí dụ như nói "không dám" khi có người chào, hay lời xin lỗi "vô phép" trước khi có thể làm phiền ai, và lời cám ơn "quý hóa quá" khi nhận được sự quan tâm hay giúp đỡ của người khác...

Người Hà Nội biết tiếp thu có sàng lọc tiếng nói của mọi miền đất nước, giữ lại những gì tinh túy nhất nên lời nói lưu loát, nhã nhặn lại ý nhị, tôn trọng người đối thoại.

'Chẳng thơm cũng thể hoa nhài...': Tính thanh lịch - một phẩm chất đáng quý của người Hà Nội - Ảnh 1.

Người Hà Nội thanh lịch, có cách ứng xử đúng mực, phụ nữ thì duyên dáng, đáng yêu.(Ảnh minh họa).

Mặt khác, người Hà Nội rất sành ăn uống, họ đã nâng việc nấu ăn lên thành nghệ thuật ẩm thực. Món ăn Hà Nội ngon từ cách chế biến, từ chút gia vị, nước chấm cho đến cách bày biện đẹp mắt, gợi cảm mà không phàm tục và làm cho người ta khi ăn cảm thấy thích thú. Người Hà Nội thích ăn uống thanh cảnh, nhưng không quá cầu kỳ.

Đặc biệt, phụ nữ Hà Nội cẩn trọng trong cách ăn uống, họ ăn quả chuối, hay bắp ngô thì cũng phải bẻ làm đôi, tách thành hạt ăn trong miệng một cách từ tốn.

Người Hà Nội khi vào các dịp lễ tết hay khi nhà có việc, mâm cỗ càng được chú trọng bởi nó không đơn thuần chỉ là chuyện ăn, mà cao hơn nó thể hiện bộ mặt của gia đình, dòng tộc.

Ngày xưa, người Hà Nội quan niệm rằng :

"Thịt thái không vuông vắn thì không ăn,

chiếu trải không ngay ngắn thì không ngồi".

Như một quy ước ngầm, phong cách ăn uống của người Hà Nội được gắn với sự giáo dục, gìn giữ cho nết người điềm đạm mà từ tốn.

Bởi thế người ta mới có câu: "Lời chào cao hơn mâm cỗ".

Người Hà Nội xưa ăn mặc giản dị và thanh nhã lắm. Khi ra đường hoặc khi có khách đến nhà, đàn ông thường mặc áo sơmi (thay cho áo cánh) bỏ trong quần, âu phục thay cho áo dài, khăn xếp truyền thống ở những dịp lễ trọng.

Phụ nữ Hà thành thì mặc áo dài vừa mát mẻ mà lại kín đáo, với người nghèo áo dù có rách đến đâu nhưng miếng vá vẫn rất ngay ngắn, đúng màu vải, màu chỉ và luôn sạch sẽ, bởi thế nên mới có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Tiếc rằng những cái đó ngày càng một hiếm, có chăng chỉ còn là những cái của "ngày xưa", nhưng bao giờ cho đến ngày xưa...

Bàng lá nhỏ thay lá, người dân Thủ đô thi nhau tạo dáng chụp ảnhBàng lá nhỏ thay lá, người dân Thủ đô thi nhau tạo dáng chụp ảnh

SKĐS - Những ngày giữa tháng 3, đông đảo người dân Hà Nội tranh thủ kéo tới khu vực sông Tô Lịch để tạo dáng, chụp ảnh với hàng cây bàng lá nhỏ mùa trút lá.

Xem thêm video đang được quan tâm

Công an TP.HCM kết luận - CEO Nguyễn Phương Hằng dùng 12 kênh MXH xuyên tạc đời tư nhiều người.


Tuệ Phong
Ý kiến của bạn