Chàng rể Tây sống khỏe ở Việt Nam

05-05-2017 08:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi được làm quen với “chàng rể Tây” ấy trong lễ mừng thọ nhạc phụ của ông - đại tá Nguyễn Sà Liễn, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 1, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hải Dương.

Tôi được làm quen với “chàng rể Tây” ấy trong lễ mừng thọ nhạc phụ của ông - đại tá Nguyễn Sà Liễn, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 1, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hải Dương. Buổi lễ mừng thọ vị cựu chiến binh tuổi bát tuần diễn ra thật thân mật tại quê vợ chàng rể: Gia Khánh, Gia Lộc, Hải Dương. Chàng rể là GS. Pierre Darriulat nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp, nguyên Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) có trụ sở tại Genève, Thụy sĩ.

Siêu sao khoa học

May mắn, tôi có người hàng xóm ở Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) là GS. Cao Chi, một nhà vật lý hạt nhân có tiếng của nước ta, trước làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cùng chuyên môn và đã từng cộng tác với “chàng rể Tây” ấy. Qua GS. Cao Chi, tôi có thêm nhiều thông tin về lĩnh vực khoa học của GS. Pierre Darriulat.

Cặp đôi Pierre - Nga trên bãi biển đảo Quan Lạn.

Cặp đôi Pierre - Nga trên bãi biển đảo Quan Lạn.

Ông học Đại học Bách khoa Paris vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, rồi bảo vệ thành công học vị Tiến sĩ khoa học về vật lý hạt cơ bản tại Đại học Berkeley, Mỹ. Từ năm 1967, ông liên tục làm việc tại CERN và đã có phát kiến khoa học lớn tại đó. Các năm 1982, 1983, nhóm nghiên cứu Đề án UA2 do ông đứng đầu đã tìm ra các hạt dẫn xuất tương tác yếu W và Z theo tiên đoán của Lý thuyết Tương tác điện yếu. Ngày đó tại CERN có hai nhóm cùng săn đuổi các hạt trên. Nhóm của ông tuy đã về đích trước, do bản chất khiêm nhường, thận trọng mà ông lại công bố sau nhóm của C. Rupbia (C. Rupbia - Giám đốc điều hành CERN). Đây trở thành một khám phá khoa học lớn của thế kỷ XX. Chỉ một năm sau khi công bố kết quả nghiên cứu (tức 1984), C.Rupbia đã được trao Giải Nobel Vật lý. Tuy bị “thiệt thòi”, song P.Darriulat ngày ấy đã được trao tặng Giải thưởng quốc gia Pháp, Bội tinh Hiệp sĩ và được mời vào Viện Hàn lâm khoa học Pháp, là giáo sư thỉnh giảng của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Do những cống hiến xuất sắc, P. Darriulat có tên trong danh sách “13 siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ của thế kỷ XX”. Có thể điểm tên vài người trong số đó: S. Hawking, cha đẻ của Lý thuyết Bức xạ lỗ đen vũ trụ, hiện đang ngồi ghế vinh dự mà nhà bác học I.Newton để lại tại Đại học Cambridge, Anh; S. Seiber, Nobel 1979 với Lý thuyết Thống nhất điện yếu; J. Roai, giáo sư ở Cantech, Mỹ tác giả Lý thuyết Siêu dây, một lý thuyết đang được kỳ vọng sẽ thống nhất được các “trường” của vũ trụ; D. Gross, Nobel 2004, tác giả Lý thuyết Tiệm cận tự do...

Sống khỏe, sống vui, sống có ích

GS. Pierre Darriulat có dáng cao lớn dềnh dàng song hôm nay dù ông đã ở tuổi “bát tuần” bước đi nhanh nhẹn, nụ cười trẻ trung luôn nở trên môi. Có lần tôi hỏi thăm ông về tình hình sức khỏe từ ngày “dọn sang” Việt Nam (chị Nguyễn Thị Nga, vợ ông đóng vai trò phiên dịch). Ông bảo, lúc đầu cũng chưa quen với khí hậu Việt Nam, rồi công việc cuốn hút quên cả những thay đổi thời tiết xung quanh. Ông còn mỉm cười nói thêm: Tôi luôn yêu vợ và các con!

Chị Nguyễn Thị Nga vốn là biên tập viên tiếng Pháp thuộc Ban Đối ngoại, TTXVN. Trước khi gặp Pierre chị từng lập gia đình, đã có hai con trai và gái; còn GS. Pierre Darriulat cũng đã có vợ, một con trai. Họ đều gặp những trắc trở dẫn đến sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Chính sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương chân thành đã làm cả hai dường như trẻ lại và đi đến quyết định cuộc hôn nhân. Đó là vào đầu năm 2000.  Trong lễ mừng thọ, Đại tá Nguyễn Sà Liễn có tâm sự với tôi là, lúc Nga về báo cáo chuyện hôn nhân mới của mình, cả gia đình cũng phân vân lắm. Đây là trường hợp rể Tây đầu tiên của xã. Vả lại, Nga có thể nghỉ việc để theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng hai người sinh ra từ hai nền văn hóa, tập tục hoàn toàn khác nhau liệu hôn nhân có vững chắc, lâu bền? Nhưng cảm nhận đầu tiên của ông qua những lần tiếp xúc, chàng rể tuy tiếng tăm lừng lẫy, mà tính nết thật hiền, thật khiêm nhường, giản dị.

Nhiều năm sau ngày cưới, cái tổ ấm ấy ngày càng bền chặt. Hai con riêng của chị đã cùng sống dưới một mái nhà, ngay từ đầu chúng thân thiện, yêu quý anh và anh cũng rất thực lòng cưng chiều yêu quý chúng. Khi anh thành ông nội, đã mấy lần trong kỳ nghỉ hè người con riêng của anh từ Thụy Sĩ “kéo cả nhà” sang Hà Nội với tâm trạng thật vui vẻ, thoải mái. Và thời gian minh chứng, anh còn là chàng rể “tốt bụng” ở một khía cạnh khác: giúp đỡ hết lòng về sự phát triển khoa học công nghệ trên quê hương thứ hai Việt Nam. Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn sâu, rộng của mình, Pierre đã toàn tâm toàn ý giúp đỡ ngành vật lý nguyên tử non trẻ của Việt Nam. Người viết bài này đã được TS. Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện KHKT hạt nhân, trụ sở tại Nghĩa Đô (Hà Nội) cho biết những việc làm đầy tình nghĩa của nhà khoa học người Pháp. Ngay từ buổi đầu đến viện, ông đề xuất và ráo riết tổ chức thực hiện để giúp viện chóng nhập cuộc một dự án lớn toàn cầu về tia vũ trụ mang tên “Pierre Auger”. Năm 1998, nhà vật lý vũ trụ J.Cronin (Nobel 1995) khởi xướng dự án này, dự kiến đặt tại Nam bán cầu trên lãnh thổ Argentina khoảng 1.600 trạm tiếp nhận tia vũ trụ. Rất nhiều tia vũ trụ có năng lượng cao rơi vào trái đất, song hiểu biết về loại tia này còn rất hạn chế. Tìm hiểu trên phạm vi toàn cầu về chúng đòi hỏi sự đóng góp công sức của các nhà khoa học nhiều quốc gia và nhờ có Pierre Darriulat, Việt Nam đã trở thành một thành viên nghiên cứu tia vũ trụ thế giới. Ông đã nhiều lần về Pháp, rồi sang Thụy Sĩ vận động giúp Việt Nam các thiết bị quan trọng nhất để lập một trạm nghiên cứu tia vũ trụ. Có thiết bị đồng bộ rồi (trị giá các thiết bị này tới hàng triệu USD), ông không chỉ đóng vai trò cố vấn đơn thuần, còn là người thầy trực tiếp đào tạo “cầm tay chỉ việc” cho những thí nghiệm viên trẻ Việt Nam. Gần 20 năm qua, trạm Việt Nam hoạt động rất có hiệu quả, đã có những đóng góp nhất định cho dự án quốc tế tiếp tục hoạt động trong nhiều năm nữa của thế kỷ XXI. Không chỉ ở Viện KHKT hạt nhân, P. Darriulat còn có nhiều năm lên bục giảng về vật lý vũ trụ tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhà ở Tây Hồ, ngày ngày ông đạp xe xuống tận Thanh Xuân để lên lớp. Đã có lần ông bị ngã xe vì giao thông trên đường lộn xộn, dù bị trầy xước chân tay, ông vẫn vui vẻ giải thích với đồng nghiệp, học trò là không đi ôtô hay xe máy vì muốn “kết hợp tập thể thao hàng ngày”. Cũng cần nói thêm là: nhiều năm qua, Pierre Darriulat đã làm việc đầy hiệu quả cho Việt Nam, song ngay từ đầu ông đã từ chối không nhận một đồng lương nào, ông sống ở Việt Nam bằng số lương giáo sư Pháp về hưu của mình.

Cặp đôi Nguyễn Thị Nga - Pierre Darriulat còn ăn ý trong lĩnh vực dịch thuật, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Thời gian qua, hai người đã dịch hàng chục đầu sách Việt sang tiếng Pháp, như các cuốn: Đường tới Điện Biên Phủ; Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tây Nguyên ngày ấy của Lê Cao Đài; Điện Biên Phủ trên không của Lưu Trọng Lân... Cố BS. Lê Cao Đài - bạn thân của Pie Darriulat, nhiều năm làm việc trong ngành quân y, ông còn là một nhà nghiên cứu có uy tín về di hại của chất độc da cam của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, mới đây đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Pierre có nhận xét về bạn: “Tôi kính trọng BS. Lê Cao Đài bởi sự thông minh và hết mình, dám phê phán cái sai, đồng thời tự phê một cách sâu sắc. Tinh thần ấy giống như của người làm khoa học, phải biết phân biệt đúng sai, không hài lòng trước những lời khen không chính xác của người khác”.

Gần đây, đôi uyên ương ấy đã có được một ngôi nhà nghỉ nho nhỏ trên đảo Quan Lạn (Quảng Ninh), Pierre tự thiết kế và cứ sau những ngày làm việc căng thẳng, ông lại tự thưởng cho mình, cả nhà kéo nhau ra đảo nghỉ, ông nói rất thích cái vẻ hoang sơ, yên tĩnh, trong lành ở ngoài đó...

Giờ thì tôi đã hiểu bí quyết nào để chàng rể đó có những năm tháng sống làm việc một cách hiệu quả, tràn đầy niềm vui trên quê hương thứ hai của mình. Đó chính là việc thường xuyên vun đắp, nuôi dưỡng một tâm hồn cao thượng, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. GS. Cao Chi, trong một bài đăng trên báo Tia sáng, cơ quan ngôn luận của bộ Khoa học công nghệ đã có chung nhận xét với tôi về chàng rể Việt: “...Chắc có ngày bạn sẽ gặp Pierre Darriulat nếu bạn muốn. Bạn sẽ cảm nhận được một nhân cách lớn, một tài năng lớn song hành với một cuộc đời giản dị. Nhưng chính cuộc đời giản dị đó đã đem lại bao nhiêu lợi ích thực tế cho những cuộc đời khác và cho cả nền vật lý Việt Nam”.


Phạm Quang
Ý kiến của bạn