Chẳng phải chuyện bông đùa!

28-03-2016 14:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đề tài phim đồng tính “nóng” trở lại trong thời gian gần đây bởi sự du nhập của một số phim nước ngoài. Những cuộc tranh luận gay gắt không chỉ xảy ra trong cộng đồng LGBT - những người đồng tính, song tính, chuyển giới, mà còn là nỗi trăn trở của khán giả, các nhà làm phim, nhà nghiên cứu văn hóa và giáo dục.

Sạch và nghiêm túc

Một số quan điểm cho rằng, điện ảnh Việt Nam không thiếu những bộ phim có yếu tố đồng tính. Tuy nhiên, lại có rất nhiều phim lấy đồng tính làm yếu tố gây cười, bôi bác tình yêu đồng giới khiến người xem có cái nhìn không thiện cảm về những người đồng tính. Nhân sự kiện này, khán giả Việt cũng đã kịp điểm lại những bộ phim trong nước có cái nhìn tích cực về tình yêu đồng giới. Trong số đó phải kể đến bộ phim tiêu biểu như Hot boy nổi loạn.

Không như nhiều bộ phim khác, Hot boy nổi loạn không đi vào khai thác những chi tiết gây cười, những hình ảnh lố lăng, phấn son điệu đà hay làm trò lố để mua vui cho khán giả. Phim tập trung khai thác một cách nhân văn số phận của những con người dưới đáy xã hội và tình yêu mà họ dành cho nhau. Hot boy nổi loạn của Vũ Ngọc Đãng, nhân vật đồng tính thoát khỏi các định dạng khung trước đó mà được nhận diện đầy đủ hơn. Chính vì những yếu tố đó, có thể coi đây là bộ phim đồng tính nam đầu tiên của điện ảnh Việt.

Làm phim về đề tài đồng tính nam đã khó nhưng phim về vấn đề lưỡng tính, song tính càng khó hơn (ảnh minh họa).

Gần đây, Lạc giới được biết đến là bộ phim Việt đầu tiên về đề tài lưỡng tính. Giữa một rừng phim đề cập đến đồng tính, Lạc giới được quan tâm hơn cả. Không gợi dục một cách lộ liễu, đẹp cả về hình ảnh, ý nghĩa và chứa nhiều cảm xúc thẩm mỹ. Lạc giới đã thu nhận được nhiều hiệu ứng tốt, xứng đáng với quá trình sản xuất nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu từng thước phim của cả êkíp. Diễn viên Trung Dũng chia sẻ: “Lúc đầu, nhiều người cho rằng phim sẽ có những cảnh giường chiếu nóng bỏng nhưng sau khi xem xong họ đã... thất vọng vì không thấy điều đó. Lạc giới hoàn toàn không có cảnh dung tục, không mượn người đồng tính và song tính để chọc cười. Hình ảnh phim đẹp, nội dung sạch sẽ và nghiêm túc. Khi nhiều khán giả không nghĩ họ đã xem một bộ phim đề tài đồng tính mà xem bộ phim đầy tình người, sự hy sinh, tình yêu giữa con người với con người.

Không thể chiều lòng tất cả

Trái ngược với những phản ứng tích cực dành cho thể loại phim đồng giới, lưỡng giới,... Một số quan điểm “ngược chiều” lại chỉ trích dữ dội. Và phần nhiều đến từ chính cộng đồng LGBT. Để mai tính 2 là một ví dụ. Dù bộ phim này tạo được thành công ngoài dự tính nhưng cũng phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ phía cộng đồng LGBT. Họ cho rằng bộ phim đã làm xấu hình ảnh của người đồng tính, gây phản cảm trong dư luận và sử dụng người đồng tính làm công cụ để chọc cười, thu lợi nhuận.

Trước đó vào năm 2013, bộ phim Tèo em cũng bị cho là có nhiều chi tiết xúc phạm cộng đồng này. Thậm chí, cả Charlie Nguyễn và Thái Hòa sau đó còn công khai lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ rút kinh nghiệm trong các tác phẩm tiếp theo. Bản thân diễn viên Thái Hòa và đạo diễn Charlie Nguyễn tỏ ra hết sức cẩn trọng với dự án Để mai tính 2 sau khi họ nhận phải những chỉ trích với Tèo em. Diễn viên Thái Hòa bày tỏ: “Cộng đồng LGBT là những người rất nhạy cảm. Tôi cảm giác mình giống như đi trên một sợi dây với Để Mai tính 2 vậy, chỉ cần chệch hướng một chút thôi là sẽ rất nguy hiểm”. Thậm chí, Thái Hòa từng mời admin của một diễn đàn đồng tính lớn tới theo dõi bộ phim và nhận được phản hồi tích cực từ người này về chuyện có hay không việc bôi xấu cộng đồng LGBT.

Đành rằng, cộng đồng LGBT có lý do chính đáng để phản ứng dữ dội mỗi khi một bộ phim nào đó đề cập đến họ được ra mắt, bởi từng có nhiều dự án phim đã sử dụng yếu tố gây cười “thô thiển”, “vô duyên” để thu lợi nhuận. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta “ném đá” và phủ nhận tất cả những bộ phim LGBT khác. Cuối năm 2015, bộ phim Yêu (đạo diễn Việt Max) vừa ra mắt đã ghi dấu là bộ phim Việt Nam đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng tính nữ một cách rõ ràng nhất. Việc nhiều đạo diễn trẻ tập trung khai thác vấn đề này cho thấy điện ảnh Việt đang tiếp cận gần gũi với cuộc sống, phản ánh thực tế và cuộc sống đang diễn ra.

Theo đạo diễn Phan Đăng Di - người đã chấp bút cho kịch bản Chơi vơi, bộ phim đề cập đến đồng tính nữ đầu tiên cũng bày tỏ quan điểm: “Đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn, cặn kẽ, chứ không phải để gây cười, bông đùa”.


Nam Phương
Ý kiến của bạn