Khiếm thị bẩm sinh, suy thận giai đoạn cuối không ngăn nổi niềm đam mê
Nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh không còn là cái tên xa lạ đối với những người yêu nhạc Trịnh. Anh sinh năm 1990 tại tỉnh Thanh Hóa. Không có một đôi mắt sáng nhưng anh lại có năng khiếu thiên bẩm về sáo trúc.
Ngay từ khi sinh ra, Nguyễn Văn Linh đã không may mắc chứng thoái hóa sắc tố võng mạc. Tuy không nhìn thấy gì nhưng anh có thể cảm nhận được tất cả mọi thứ bằng đôi tai, bằng mùi hương và bằng tất cả các giác quan. Điều may mắn nhất trong cuộc đời anh là có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc, chinh phục những thanh âm của cây sáo trúc.
Năm 2001, được tin Hội Người mù tại địa phương mở lớp học chữ nổi cho người khiếm thị, gia đình Linh nhanh chóng đăng kí cho con đi học. Chỉ sau một năm học văn hóa, từ một người không biết chữ, cậu bé lên 10 đã nắm vững kiến thức của cả khối tiểu học. Năm 2002, Nguyễn Văn Linh được "đặc cách" vào Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Người bình thường học thổi sáo đã khó, với người khiếm thị như anh Linh, khó khăn lại nhân lên gấp nhiều lần. Nguyễn Văn Linh cho biết, để học được các bài hát anh phải viết lại nhạc phổ bằng chữ nổi, sau đó sờ tay lên chữ học thuộc rồi mới ghép sáo. Bí quyết để thổi sáo hay của anh là lắng nghe thật nhiều và điều đặc biệt là thổi sáo bằng cả trái tim chứ không chỉ bằng kỹ năng thuần thục vốn có thể rèn luyện theo thời gian.
Yêu tiếng sáo, nhưng để theo đuổi được đam mê, chàng trai khiếm thị đã phải gồng mình đấu tranh với sự nghiệt ngã của số phận. Năm 2012, thời điểm đang say mê với cây sáo trúc và muốn chinh phục những cung bậc cao hơn cũng là lúc anh biết mình mắc căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Chàng trai trẻ đã rất bàng hoàng khi biết tin mình phải chung sống với bệnh đó cả đời. Hành trình theo đuổi đam mê với tiếng sáo song hành cùng chuỗi ngày chạy thận đầy gian nan, đau đớn và mệt mỏi cũng bắt đầu từ đó...
Để tiện chăm sóc và đưa đón con trai mỗi lần chạy thận 3 lần/tuần, ông Nguyễn Văn Hạnh - bố của Linh, từ miền quê nghèo ra Hà Nội làm xe ôm. "Sau mỗi lần chạy thận, con mệt lắm nhưng vẫn cầm cây sáo lên tập. Nghe tiếng sáo run run, tôi biết con đang rất mệt, nhưng lại không dám cản vì biết đó là động lực sống của con. Nhìn thấy nó vừa bỏ cây sáo khỏi môi đã ngồi thở dốc, nhiều khi không cầm lòng được", ông Hạnh chia sẻ.
Tỏa sáng và "còn sống là còn theo đuổi đam mê"
Có lần, bố mẹ Nguyễn Văn Linh muốn con trai nghỉ học để tập trung chữa bệnh, vì sợ con không thể đảm đương được cả việc học lẫn việc chạy thận. Nhưng Linh nhất quyết xin bố mẹ cho mình được theo đuổi tiếng sáo. Chàng nghệ sĩ khiếm thị này nói với bố mẹ, tiếng sáo đã vực con dậy khỏi sự mặc cảm của số phận, giờ bảo con bỏ nó thì làm sao con sống được. Thấy con quyết tâm, bố mẹ Linh đành vui vẻ chiều lòng.
18 tuổi, chàng nghệ sĩ 9X được sang Pháp, Nhật biểu diễn, một năm sau anh biểu diễn sáo tại Festival làng nghề Huế. Năm 2011, Nguyễn Văn Linh đoạt Huy chương Vàng toàn quốc Hội thi Liên hoan tiếng hát từ trái tim do Trung ương Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Yêu tiếng sáo, tốt nghiệp THPT, Linh quyết tâm thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và đã đỗ khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành Sáo trúc.
17 năm gắn bó với cây sáo trúc như một người bạn tri kỷ, 6 năm rèn luyện đầy gian nan tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - hành trình theo đuổi những cung bậc mới, những loại sáo mới đang được Nguyễn Văn Linh ấp ủ phía trước, bởi với anh, "còn sống là còn theo đuổi đam mê".
Hiện tại, nghệ sĩ 9X Nguyễn Văn Linh là thành viên của Dàn hợp ca Hy vọng và ban nhạc Mơ Phố – nơi hội tụ những người khiếm thị có tài năng âm nhạc. Nếu nhìn vào mắt, cử chỉ và sự say mê theo giai điệu của người thổi sáo, chắc sẽ khó ai nhận ra Nguyễn Văn Linh là người khiếm thị và bị suy thận giai đoạn cuối.