16 năm kinh nghiệm khắp các cánh rừng già, Nguyễn Thị Thu Trang, còn được gọi là Trang Nguyễn hay "Chang hoang dã", sinh năm 1990, là cái tên "khét tiếng" trong giới bảo tồn thiên nhiên.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ít ai biết được rằng, cô gái với dáng người nhỏ nhắn, với nét bụi bặm, phong trần ấy lại có một kho thành tích đáng nể ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô từng là học sinh của ngôi trường danh giá bậc nhất – Hà Nội Amsterdam. Trang Nguyễn hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ ngành Bảo tồn Động vật hoang dã tại Vương Quốc Anh.

Tháng 11/2017, cô có mặt trong Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future khu vực Đông Nam Á. Cô nhận giải Chiến binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn năm 2018, được BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2019 và đứng đầu trong danh sách những nhân vật nổi bật dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực "30 Under 30 Forbes Vietnam".  Đặc biệt, Trang nhận giải thưởng lớn về môi trường mang tên Future For Nature trị giá 50.000 Euro (hơn 1,24 tỷ đồng), tất cả đều được cô dành hết cho hoạt động bảo tồn.

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 1.

Cuốn sách "Chang Hoang Dã-Gấu" (Chang is the Wild about Bears) đã đoạt giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam.

Không chỉ tham gia, với mong muốn có thể chia sẻ những câu chuyện thật nhất đến cộng đồng, từ những bài đăng đơn thuần trên mạng xã hội, Trang Nguyễn với cuốn sách "Trở về nơi hoang dã" (Back to the Wilderness) đã tạo nên cơn sốt.

Rồi tiếp tục, năm 2021, Trang ghi "chiến tích" lớn khi cuốn sách "Chang Hoang Dã - Gấu" (Chang is the Wild about Bears) đã đoạt giải A, Giải thưởng Sách quốc gia Việt Nam, cuốn sách được mua bản quyền bởi một nhà xuất bản lớn và lâu đời bậc nhất nước Anh, phát hành rộng khắp ở Anh, Mỹ, Australia, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Toàn bộ lợi nhuận thu được Trang sử dụng để phục vụ cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. 

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 2.

Bên lề buổi Lễ Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022, do Thành đoàn Hà Nội tổ chức, tôi trò chuyện với "Chang hoang dã".

PV: Năm 2022, Trang có thêm những trải nghiệm mới mẻ nào? Đã có thêm những "chiến tích" gì? Và đâu là điểm đột phá nhất với Trang trong năm qua?

Nguyễn Thị Thu Trang: Năm 2022 là năm Trang được ghi nhận và gắn với giải thưởng vinh danh vì những đóng góp cho cộng đồng. Năm 2022 cũng chính là bệ phóng của chính Trang để có thể góp mặt trong Chương trình của Obama.

Khi nhận được thông tin mình được lọt vào top 10 cá nhân được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2022 thì cảm xúc đầu tiên Trang đó chính là hạnh phúc bởi công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã đã và đang được ghi nhận, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 

Chương trình Nhà lãnh đạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của Tổ chức Obama Foundation là chương trình trao đổi với những chuyên gia, diễn giả nổi tiếng để thảo luận về mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị cốt lõi, xây dựng kỹ năng và cùng tạo ra sự thay đổi tích cực.

Bản thân Trang rất bất ngờ khi được lựa chọn để tham gia vào chương trình của Obama Foundation. Vậy nên khi may mắn có cơ hội được tham gia, Trang hy vọng rằng sẽ lan tỏa rộng hơn những thông điệp, nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi vào công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, củng cố và phát triển kỹ năng lãnh đạo của bản thân, từ đó huy động thêm nhiều nguồn lực và hỗ trợ để tạo thêm nhiều tác động bền vững cho hoạt động bảo tồn tại Việt Nam". 

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 3.

PV: Hành trình "vén màn" các câu chuyện ẩn sâu trong những cánh rừng xanh của Trang bắt đầu như thế nào? Bảo tồn thiên nhiên và các loại động vật hoang dã là ước mơ Trang theo đuổi hay là một bước chuyển trong cuộc đời?

Nguyễn Thị Thu Trang: Năm Trang lên 8 tuổi, chiều nào đi học qua nhà hàng xóm, Trang và bạn cũng nghe thấy những âm thanh lạ, một con vật đang gầm gừ, rên rỉ. Tiếng kêu phát ra từ chiếc lồng sắt dựng trong sân. Một tấm bạt to che kín chiếc lồng. Đôi bạn tò mò muốn biết con vật gì đang bị nhốt.

Mấy hôm sau, Trang đi qua và thấy đèn sáng trong căn nhà ấy, có tiếng rên rỉ lẫn tiếng người nói chuyện. Qua khe cửa, Trang và bạn tò mò nhìn vào. Hiện ra trước mắt là một con gấu to có thể đã bị đánh thuốc mê rồi trói chặt, nằm ngửa giữa sân. Người đàn ông cầm chiếc kim to chọc vào người gấu. Chúng mình sợ, hét toáng lên và chạy về nhà. Sau này mới biết họ đè gấu ra để lấy mật.

Buổi tối hôm ấy, đứng trên sân thượng, nhìn về phía căn nhà nơi con gấu bị hút mật. Lúc đó, Trang thậm chí còn chưa biết "Bảo tồn động vật hoang dã là gì?", nhưng đã nhen nhóm một ý định. 

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 4.

Ánh mắt ám ảnh, tiếng kêu rên rỉ và những vết thương do bị con người đâm chọc khắp thân thể, cô bé Trang 8 tuổi năm đó dường như thấu cảm được nỗi đau của con gấu. Nỗi đau ấy khắc sâu trong tâm khảm cô.

Để rồi, năm 23 tuổi, Nguyễn Thị Thu Trang  nhận được học bổng toàn phần của ĐH Cambridge, ngành Bảo tồn động vật hoang dã, là đại sứ cho United for Wildlife của Hoàng gia Anh và là Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hành động vì Động vật hoang dã (ĐVHD) - Wildact, hoạt động ở Việt Nam.

PV: Về tổ chức WildAct, tại sao Trang không tham gia vào một tổ chức bảo tồn đã tồn tại từ trước thay vào đó lại quyết định thành lập một tổ chức độc lập?

Nguyễn Thị Thu Trang: Trang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành lập một tổ chức bảo tồn, vì trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn. Vẫn là câu chuyện năm 22 tuổi, biến cố bệnh tật đã thay đổi Trang rất nhiều trong suy nghĩ và rồi điều Trang mong muốn nhất là làm sao có thể tạo được một môi trường hòa nhập và mang cơ hội được tìm hiểu và công tác trong ngành bảo tồn đến cho nhiều người Việt Nam hơn nữa, và vì thế mà WildAct được ra đời.

Cho đến nay thì WildAct may mắn đã phát triển và đạt được những mục tiêu đề ra. Tất cả đã được những kết quả hơn Trang kì vọng, và chắc có lẽ do Trang và WildAct đã nỗ lực và làm việc nghiêm túc để có thể tạo ra những tác động nên có lẽ những thành tích đó là lời động viên cũng như sự ghi nhận ý nghĩa nhất mà WildAct và Trang nhận được.

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 5.

WildAct thực hiện các dự án cộng đồng cho học sinh tại các tỉnh thành

Năm 2023 sẽ là một năm đầy hứa hẹn với nhiều dự án ấp ủ của tố chức, cũng mong rằng 2023 là một năm đột phá để WildAct có thể phát triển lớn mạnh hơn và đóng góp, phát triển nguồn nhân lực ngành bảo tồn ở Việt Nam như: Bảo tồn loài và sinh cảnh sẽ được đẩy mạnh ở vườn quốc gia Chư Yang Sin và Tuyên Hoá; Dự án bảo tồn chim di cư tại khu dự trữ sinh quyển sông Hồng bắt đầu được triển khai. Bên cạnh đó không thể thiếu những dự án về giáo dục như: Dự án nâng cao năng lực quốc gia; Hội thảo khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên để đào tạo thêm cán bộ bảo tồn thiên nhiên; Các thư viện hoang dã được đẩy mạnh thêm tại Ninh Bình, Đắk Lắk và Quảng Bình, và tiếp tục tại 7 tỉnh thành phố đã được triển khai. 

Và những hoạt động kết hợp giữa cá nhân Trang và tổ chức tại những thành phố để phổ cập nhiều kiến thức hơn tới các bạn sinh viên hay bất cứ ai quan tâm đến ngành bảo tồn.

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 6.

PV: Trong suốt hành trình chinh phục các khu rừng và đấu tranh bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên, Trang đã đặt chân đến bao nhiêu quốc gia, cánh rừng? Về câu chuyện tương lai, Trang có suy nghĩ đến việc sẽ dừng tham gia các hoạt động bảo tồn vào một thời điểm nào đó không? Hay là tham gia theo một cách thức khác phù hợp hơn?

Nguyễn Thị Thu Trang: Lĩnh vực bảo tồn rất rộng lớn, mình làm bảo tồn ở nước này không có nghĩa là nó không có sức ảnh hưởng, liên quan đến các nước khác. Thành ra, Trang thấy nếu có cơ hội Trang sẽ đi nhiều nơi. Từ Nam Phi, Madagascar, Mozambique,... tới Tây Ban Nha rồi Lào, Campuchia... Tương tự như thế, mặc dù có tổ chức WildAct ở Việt Nam nhưng nếu có cơ hội cộng tác với các đơn vị nước ngoài là Trang triển khai ngay. Trang không thấy có lý do nào để mình phải từ bỏ công việc bảo tồn cả. 

PV: Nghe nói Trang còn "góp vai" vào nhiều  hoạt động điều tra chống tội phạm,  phục vụ bảo tồn với các điệp vụ, các phim tài liệu "khét tiếng" trên nhiều quốc gia, ắt hẳn khó tránh khỏi những tình huống nguy hiểm?

Nguyễn Thị Thu Trang: Có nhiều tình huống nguy hiểm lắm, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là ở Nam Phi. Một "tai nạn" bất ngờ đã diễn ra ở đấy. Lúc ấy, Trang đóng vai "bạn hàng" của các đối tượng buôn sừng tê giác, ngà voi và vảy tê tê. Trang ngồi ghế phụ phía trước, phía sau là cảnh sát và các trùm buôn đang nói chuyện. Xe đang di chuyển bỗng dưng máy quay lén cài ở khuy áo mình nháy đèn liên tục, ánh sáng đanh và sắc lóe mãi không dừng vì báo hết pin. Trang tái mặt sợ hãi, chỉ kịp che bớt ánh sáng, tim như đứng lại. Cũng may họ đang ngã giá, căng thẳng, lại thêm Trang ngồi phía trước nên không bị phát hiện.

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 7.

Hoạt động bảo tồn cho Trang cơ hội cộng tác với nhiều đơn vị nước ngoài.

Đó là bài học xương máu Trang không bao giờ quên, nhưng mà rồi tất cả nguy hiểm, khó khăn cũng qua. Miễn là mình hết mình và nỗ lực cống hiến cho công việc mà mình đam mê, ý chí con người mình phi thường lắm, nên Trang nghĩ nếu mình sẵn sàng đương đầu thì không có gì làm mình lùi bước được đâu. 

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 8.

"Vouloir c'est pouvoir" - Muốn là được. Là kim chỉ nam của "cô gái hoang dã" Trang Nguyễn trong suốt quá trình theo đuổi đam mê và cũng là cụm từ mà Trang dành để mô tả về hành trình tuổi trẻ của bản thân.

PV: Tham gia vào hoạt động bảo tồn, Trang thấy rằng bản thân mình đã thay đổi ra sao?

Nguyễn Thị Thu Trang: Hồi đầu, mục tiêu là được đến Nam Phi, được tham quan động vật hoang dã hoặc tổ chức một khóa học giúp các học viên có kiến thức và hoạt động hiệu quả về bảo tồn thiên nhiên. Trang không nghĩ mình sẽ trở thành Giám đốc trung tâm bảo tồn như bây giờ. Càng không nghĩ sẽ làm điều tra chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép với các điệp vụ tận châu lục khác và mỗi lần bắt hàng tấn vảy tê tê, rồi bao nhiêu ngà voi, sừng tê giác… như lâu nay.

Ngành bảo tồn là một ngành nghề vất vả, nhưng vô cùng quan trọng. Tất cả những gì con người chúng ta đang có, từ không khí, nước sạch, đất để trồng lương thực, thực phẩm... đều do thiên nhiên trao cho. Vì thế, nếu chúng ta không giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, thì chúng ta đang tự tàn phá chính cuộc sống của bản thân mình.

PV: Trang đã đi học, tham gia các diễn đàn, chương trình và đi làm bảo tồn thiên nhiên ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ từ châu Phi sang châu Âu, châu Á..., có cơ hội được giao lưu, làm việc với thế hệ trẻ đến từ nhiều quốc gia, nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ Việt Nam  muốn tham gia  hoạt động bảo tồn chị sẽ nói điều gì?

Nguyễn Thị Thu Trang: Trang mừng vì hiện nay các bạn đang dần nhận thức tốt hơn về hoạt động bảo tồn, các bạn đã dám nói và dám hành động, và đó là tín hiệu tích cực cho một tương lai phía trước. Về lời khuyên thì Trang chắc Trang sẽ không đưa ra lời khuyên đâu, mà Trang chỉ muốn tâm sự với các bạn trẻ rằng hãy tin vào chính mình cũng như hãy hành động và lắng nghe những gì đang thôi thúc bên trong mình, đặc biệt với những bạn trẻ có mong muốn làm trong ngành bảo tồn thì đừng lo là mình cô đơn, vì ở đây có Trang, có WildAct, có rất nhiều cộng đồng đang ra sức nỗ lực ra tay cứu lấy ngôi nhà của chính chúng ta, nên đừng lo cô độc, sẽ luôn có người đồng hành trên con đường đầy thách thức này.

Bên cạnh đó, đối với các bạn sinh viên, vị trí tình nguyện viên, Trang nghĩ sẽ là một cách "học và hành" hiệu quả nhất, bởi khi đi làm tình nguyện viên, bạn sẽ hiểu làm bảo tồn là làm những cái gì và cũng là cơ hội để trải nghiệm xem rằng mình có thực sự yêu thích và phù hợp với ngành này không. Và hãy nhớ rằng, nếu có ước mơ thì hãy cố gắng theo đuổi, bởi con người mình phi thường, đã muốn thì sẽ làm được.

"Chang hoang dã" - Cô gái "bám rễ" bảo vệ cuộc sống trốn rừng già - Ảnh 9.

PV: Có thể nói Trang là một người đã có "thâm niên" trong lĩnh vực này, theo chị ở nước ta hiện nay hoạt động bảo tồn như thế nào?

Nguyễn Thị Thu Trang:  Hiện nay so với 10 năm trước đây thì công tác bảo tồn ở Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi lớn. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ cao hơn rất nhiều từ phía Chính phủ cũng như người dân về các hoạt động và dự án bảo tồn. Các câu lạc bộ, hội, nhóm từ phía các bạn trẻ, các bạn sinh viên cũng quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều điều luật và chính sách thân thiện hơn với môi trường và thiên nhiên, như Luật Lâm nghiệp năm 2017, hay cam kết chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật...

Tuy nhiên, ngành bảo tồn vẫn còn rất nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là nhân lực. Chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm để công tác trong ngành; điều kiện làm việc của nhiều người công tác trong ngành, như lực lượng kiểm lâm, còn nhiều thiếu thốn.

PV: Thấy rằng Trang và tổ chức WildAct có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, Trang có quan điểm như thế nào về hành vi trẻ nhỏ bạo lực với động vật qua một số sự việc gây xôn xao dư luận gần đây?

Nguyễn Thị Thu Trang: Đây là một sự việc và thực trạng khá buồn, buồn ở đây không phải với thái độ trách móc các bé tàn nhẫn và bạo lực mà buồn bởi nhận thức của các bé còn quá nhỏ và môi trường giáo dục xung quanh chưa đủ để có thể giúp các bé có nhận thức và tình yêu với động vật hơn. Giáo dục về tư tưởng và nhận thức rất quan trọng, bởi nhận thức quyết định hành động, vậy nên thay vì đổ lỗi và trách móc thì Trang nghĩ mọi gia đình và các cơ sở giáo dục hãy giúp các bé và trẻ nhỏ có nhận thức tốt hơn về mối quan hệ mật thiết giữa thiên nhiên, con người và động vật có ý nghĩa với cuộc sống con người như thế nào, giúp các bé hiểu được và trao tình yêu thương nhiều hơn với thiên nhiên cuộc sống quanh mình.

Tổ chức WildAct tập trung triển khai nhiều hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã.

Và đây cũng chính là điều mà Trang muốn làm. Đó chính là nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề thiên nhiên. Vậy nên tổ chức của Trang: WildAct tập trung vào các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, nhiều hoạt động hướng tới các bạn nhỏ, Trang cùng team WildAct xây dựng hệ thống thư viện về nội dung bảo tồn thiên nhiên hay động vật hoang dã, những cuốn sách rất tốt trong việc giáo dục và hình thành thế giới quan riêng cho các bạn trẻ và dần mang các bạn đến gần hơn và yêu thương thiên nhiên và động vật hơn.

Thật ra, thông qua những hoạt động này Trang cũng rất bất ngờ bởi có rất nhiều bạn nhỏ, còn nhỏ vậy thôi mà có nhận thức rất tốt về thiên nhiên và cũng thấy các bạn nhỏ dành tình yêu lớn đối với "các bạn động vật" khi được tiếp xúc cùng, vậy nên những sự việc kia chắc cũng là thiểu số thôi, mình hãy nhìn ra bức tranh rộng hơn thì những bạn nhỏ đang và sẽ có nhận thức tốt hơn về thiên nhiên và hệ sinh thái, những thiểu số kia sẽ là những lời nhắc nhở và thúc giục mình hành động mạnh mẽ hơn để kết nối thiên nhiên với con người nhiều hơn, qua đó tạo nên một thế giới nơi mà cả thiên nhiên và con người yêu thương nhau ngày càng nhiều hơn. 

PV: Cảm ơn Trang!

Nguyễn Thị Thu Trang

Sinh nhật: 2/3/1990

Sáng lập và giám đốc điều hành WildAct – Tổ chúc phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam.

Thành tích nối bật:

- Hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ ngành bảo tồn động vật hoang dã tại Anh.

- Tháng 11/2017, cô có mặt trong Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future khu vực Đông Nam Á.

- Giải Chiến binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn năm 2018 và được BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2019.

- 2 lần được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ xếp vào Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á (các năm 2018 và 2020).

- Năm 2021, cuốn sách “Chang Hoang Dã-Gấu” (Chang is the Wild about Bears) đã đoạt giải A, Giải thưởng Sách quốc gia Việt Nam, cuốn sách được mua bản quyền bởi một nhà xuất bản lớn và lâu đời bậc nhất nước Anh, phát hành rộng khắp ở Anh, Mỹ, Australia, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

- Gương mặt trẻ duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia vào Chương trình Nhà Lãnh đạo Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của tổ chức Obama Foundation.

- Top 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô năm 2022


Ý kiến của bạn