Kịch bản là khâu đầu tiên, quan trọng của bất kỳ vở diễn nào và từ lâu luôn được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN) hướng tới sự quan tâm đặc biệt. Năm 2016, sau khi Hội cử các tác giả đi thực tế, có đợt ra tới quần đảo Trường Sa, hoạt động sáng tác của các tác giả nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Do kinh phí hạn hẹp, từ 2 trại Bắc - Nam còn lại một trại phía Nam nhưng không vì thế lĩnh vực sáng tác cũng hạn hẹp theo tỷ lệ thuận. Trái lại, Hội NSSKVN đồng hành cùng các đơn vị, thành phố đã tạo điều kiện, động viên các tác giả đi thực tế và tham gia trại sáng tác của lực lượng công an, quân đội, của TP. Hà Nội và TP.HCM. Sân khấu và kịch bản sân khấu suy cho cùng là của nhân dân đâu phải riêng ngành nghề hoặc thành phố nào.
Trại sáng tác kịch bản sân khấu cuối cùng được tổ chức tại Vũng Tàu vừa qua đã khép lại chặng đường “đi tìm kịch bản” trong năm và hứa hẹn mở ra những hy vọng có thêm nhiều tác phẩm xuất sắc trên sàn diễn từ những tác phẩm còn chưa ráo mực hôm nay.
Trại sáng tác kịch bản sân khấu vừa qua đã thu hút về nhiều “quả ngọt”.
Với 14 tác giả từ Phú Yên, Ninh thuận đến TP.HCM, qua Đồng Tháp, An Giang, thể loại sân khấu được quan tâm cũng đầy phong phú với kịch nói, cải lương, bài chòi.
Các kịch bản đã không né tránh sự thật, đi thẳng vào hiện thực hôm nay với trái tim công dân nhiệt huyết muốn khẳng định cái tốt và trăn trở trước những điều bất cập trong cuộc sống.
Nguyễn Phụng Kỳ với Giữ trọn lời thề đã khéo khai thác xung đột giữa một cán bộ kiểm lâm tiêu cực câu kết cùng lâm tặc đối lập với nhân vật người lính Cụ Hồ đã khẳng định cuộc đấu tranh chống tiêu cực dù còn khó khăn nhưng nhất định chiến thắng. Với giọng thơ mượt mà, tác phẩm đã gây được cảm xúc trong nhiều đoạn, lớp.
Nữ tác giả cao tuổi nhất trại Hà Nam Quang cũng với những ca từ xuất sắc đã tìm về lịch sử tại vùng đất An Giang để có một Hào khí Láng Linh mà trong đó, hình ảnh người vợ, người mẹ nghĩa quân hiện ra như một sự lý giải, cắt nghĩa cho tinh thần bất khuất của cả một dân tộc.
Nói về người mẹ, Trần Kim Khôi lại có cách tìm tòi mới qua Lòng mẹ. Tác giả sử dụng múa rối, xiếc, thơ đã dẫn nhân vật qua muôn vàn nguy hiểm đi tìm đứa con bị mất và chính lòng mẹ ấy không chỉ tìm thấy con mà nước mắt yêu thương của bà còn tưới lên sự sống đang trong tay kẻ ác được hồi sinh.
Có thể thấy vấn đề tham nhũng luôn được các tác giả trăn trở. Phạm Dũng đã đi thẳng vào chính luận với Rơi vào mạng nhện mà trong đó, kẻ tham nhũng đã trót nhúng chàm sẽ bị cuốn vào vòng xoáy như không thể thoát ra khỏi ma lưới dẫu có lúc nào đó, lương tâm chợt hiện về. Kịch bản như lời cảnh báo cho những ai vì lý do nào đó định một lần phản bội lại chính mình vì những chữ tham - sân - si.
Cũng với cách nhìn chính luận, Đăng Minh trong Nước mắt nhà sư lại lấy chuyện xưa để nhắc nay qua nhân vật Thiền sư Tuệ Tĩnh. Tác giả ca ngợi con người hết lòng vì dân vì nước và treo lên những trăn trở: khi đất nước còn vấn nạn tham nhũng, quyền lợi cá nhân đặt trên quyền lợi Tổ quốc thì những bệnh hoạn xuất hiện như đố kỵ, ganh ghét, kìm hãm người tài. Và đó là vật cản ngăn bước tiến của cả một dân tộc.
Đi thẳng vào chuyện trọng dụng người tài, Mai Thắm gắn hình ảnh Nguyễn Thái Bình có thật trong ký ức người bà có sức truyền cảm đến đứa cháu để giải quyết xung đột trong nhân vật trí thức trẻ, ở lại quê hương dẫu còn khó khăn hay ra nước ngoài làm việc dù ở đâu cũng là cống hiến tài năng. Và Tình ca quê hương đã là một câu giải đáp.
Nói về quê hương, các tác giả không hô hào mà qua hình ảnh mỗi gia đình để tìm sự khái quát. Lời hối lỗi muộn mằn của Lê Hưng Thành tìm đến những cựu chiến binh vì quê hương ra đi nay trở về giữa cơn bão kinh tế thị trường vẫn giữ được phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ và bằng cách nhìn của người lính, tác giả đã gửi đến nỗi trăn trở về vấn đề chính sách đối với những người con vì quê hương.
Cũng bàn đến kinh tế thị trường, Vương Huyền Cơ lại có cách khai thác khác trong Khát vọng. Chuyện kịch của chị cũng khai thác từ gia đình nhưng kinh tế thị trường gieo trong mỗi nhân vật một cách nghĩ và lối sống riêng. Những quan niệm và tính cách trái ngược của nhân vật va đập thành câu chuyện kịch với thông điệp: Cuộc sống chỉ ý nghĩa khi con người sống có lý tưởng và thực hiện khát vọng bằng khả năng đứng vững trên chính đôi chân của mình.
Hãy là chính mình để làm nên vinh quang và có được sự thanh thản cũng là thông điệp trong Nắng vẫn chờ mưa của tác giả trẻ Phạm Tân. Kịch bản tìm tình huống và hoàn cảnh mới lạ với số phận nhân vật đồng tính từ chốn quê lên thành phố thành ca sĩ trong những khắc khoải buồn lo về thân phận đã gây được nỗi cảm thông trong người đọc.
Và những Tấm bằng danh dự của Trần Đức Sìn, Anh vẫn yêu em của Đức Hiền, Chuyện ở nhà giàn của Nguyễn Kháng Chiến (tác giả không dự trại ngoài kịch bản gửi tham gia) là những mảng đời sống khác nhau với cách tìm tòi khác nhau đã làm nên những hy vọng của sân khấu sau trại sáng tác cuối cùng của năm này.
Các tác phẩm kịch bản sân khấu tràn đầy tính công dân từ trái tim các tác giả trước những bề bộn của cuộc sống với khát khao xóa đi những bất cập trong đời sống xã hội. Có thể nói, hiện tượng cuộc sống, đời sống xã hội ùa vào ăm ắp trong các tác phẩm với những phát hiện khá sâu sắc và hóm hỉnh. Tuy nhiên, giá như ở một số tác phẩm, thái độ công dân và thực tế đời sống ấy được chọn lọc, khoét sâu đặt được trong một đường dây xuyên suốt tác phẩm có lẽ sẽ tạo nên sức hấp dẫn hơn. “Văn học là nhân học” và khán giả tìm đến sân khấu là tìm đến số phận nhân vật để nhận ra mình trong đó với sự cảm thông và chia sẻ cũng như lý giải được những hiện tượng trong đời sống quanh mình chứ không đi tìm thông tin đời sống, hiện tượng đời sống - việc mà báo chí đang thực hiện.