Chặng đường 50 năm phục vụ đất nước của khóa bác sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm

10-11-2016 15:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau một nửa thế kỷ phục vụ nhân dân và cách mạng, khóa bác sĩ này đã vắng đi gần 100 bạn, trong đó có trên 20 Anh hùng liệt sĩ như Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Anh hùng liệt sĩ Hàn Nhật Tâm và những liệt sĩ khác, các bạn đã ngã xuống trên các chiến trường B, C, K.

Là một trường đại học lâu đời nhất của Việt Nam, nơi đã đào tạo ra nhiều nhà khoa học y học nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Nơi đã xuất hiện nhiều Anh hùng Lao động đã trọn đời phục vụ cách mạng và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một ngôi trường mà cho đến hôm nay, tên tuổi của nhiều giáo sư, bác sĩ đã được đặt tên trên các đường phố ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế... như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Tích Trí và Đặng Thùy Trâm, bác sĩ khóa 1961-1966.

Một trường đại học duy nhất được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng nhân Kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập trường.

Cũng từ ngôi trường này, hàng vạn bác sĩ đã tốt nghiệp ra trường phục vụ cách mạng, phục vụ sức khỏe nhân dân trong cả nước, trong đó có gần 400 khóa bác sĩ 1961-1966.

Sau một nửa thế kỷ phục vụ nhân dân và cách mạng, khóa bác sĩ này đã vắng đi gần 100 bạn, trong đó có trên 20 Anh hùng liệt sĩ như Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Anh hùng liệt sĩ Hàn Nhật Tâm và những liệt sĩ khác, các bạn đã ngã xuống trên các chiến trường B, C, K. Các bạn đã hiến dâng tất cả cuộc đời thanh xuân, đẹp nhất của mình cho nhân dân và đất nước, nhưng những hình ảnh của các bạn vẫn không phai mờ trong ký ức của những người đã một thời là sinh viên y khoa cùng bạn bè trong lớp trên mảnh đất Khương Thượng này.

Dang Thuy Tram

BS. Đặng Thùy Trâm (trái).

Mọi người cũng rất xúc động, khi gần 70 bạn đã vĩnh biệt chúng ta vì tuổi tác và bệnh tật.

Hãy để một phút trong trái tim của mình và nghĩ về những người bạn cùng khóa, họ đã đi vào cõi vĩnh hằng.

Nhiều gương anh hùng của những bác sĩ khóa 1961-1966 trong phục vụ cách mạng là những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước:

- Nguyễn Thị Phượng, người con gái đất Quảng, dù đã bị thương nặng trong một cuộc chiến đấu không cân sức, nhưng trước những lời dụ dỗ của kẻ thù: “...Hãy quay về với chúng tôi, chúng tôi sẽ cứu chữa và sau đó hãy làm việc cho chúng tôi...”, người bác sĩ anh hùng Nguyễn Thị Phượng, đã không chấp nhận lời dụ dỗ trên và hiên ngang hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Mỹ”, trước lúc hy sinh.

- Đặng Thùy Trâm, người có khuôn mặt trắng đẹp với giọng hát dịu dàng và sâu lắng, Thùy Trâm luôn luôn tận tụy trong công tác cứu chữa các chiến binh ở một chiến trường ác liệt nhất: Đức Phổ, Quảng Ngãi và đã anh dũng hy sinh ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

- Hàn Nhật Tâm, người con miền Nam ra Bắc học tập và trở lại quê hương sau khi tốt nghiệp để phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Trong một trận đánh, biết rằng hầm bí mật của mình đã bị giặc phát hiện, nhưng quyết không đầu hàng. Từ trong căn hầm, Tâm quyết chống lại và bất ngờ anh bật tung cửa hầm xông lên tung quả lựu đạn cuối cùng trước lúc hy sinh.

- Trần Quang Tuân sau khi đã hết sức dìu dắt trọn vẹn các chiến sĩ bị thương vượt qua dòng sông Salon, và sau đó vì kiệt sức, anh lặng lẽ ra đi theo dòng sông về với biển cả, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ chưa đầy 2 tháng tuổi... Còn nhiều, nhiều lắm những gương anh hùng của khóa bác sĩ 1961-1966 này. Còn đó gương hy sinh của Vũ Thủy, người quê Hải phòng, hy sinh tại chiến trường Lào trong một hang núi khi đang cứu chữa thương binh. Sau nhiều năm nằm trên đất bạn, nay đã được người bạn cùng khóa trở lại chiến trường xưa mang hài cốt Thủy về an nghỉ cùng Đặng Thùy Trâm tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội. Gương hy sinh của các liệt sĩ Võ Văn Ngọc, Nguyễn Thành Phát, Ngô Thị Trừng, Nguyễn Cửu Tám, Trịnh Hữu Chì,... đã để lại cho mọi người bao niềm tự hào và thương tiếc.

- Trần Văn Lương, không về Hà Nội gặp mặt các bạn cùng một thời sinh viên vì đường xa và sức khỏe suy giảm, nhưng tấm gương 2 lần bạn thoát khỏi tay giặc là một trong những hình ảnh đẹp của những sinh viên khóa 1961 -1966.

- Những người thầy thuốc chuyên ngành về pháp y và giải phẫu bệnh rất biết ơn và cũng rất cảm phục lòng kiên trì và say mê nghề nghiệp trong suốt 50 năm qua của bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Thanh Truyền, bạn đã mổ trên 2 vạn xác chết để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, y học và thành công của bạn đã được ghi vào kỷ lục Guiness của Việt Nam.

- Các bác sĩ y học dự phòng ở các tuyến y tế cơ sở, vẫn luôn nhớ đến nữ GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên, người con gái miền Nam đã cùng các bạn đi B năm 1966, rồi trở ra Bắc tiếp tục học một chuyên ngành sâu tại nước ngoài, nay dù sức khỏe đã giảm sút, bệnh tật luôn ở bên, nhưng những công trình nghiên cứu về vắc-xin phục vụ cho công tác y học dự phòng của chị đã và đang được áp dụng một cách rộng rãi ở Việt Nam và các nước trong khu vực.

Còn nhiều, nhiều lắm những đóng góp của khóa bác sĩ 1961-1966 cho cách mạng và nhân dân, nói sao cho hết. Một lần nữa, chúng ta hãy tri ân các bạn.

Một khóa bác sĩ cũng như bao khóa bác sĩ khác đã ra trường, nhưng với khóa 1961-1966 đã để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với nhà Trường đại học Y Hà Nội, với các thầy cô đã từng dạy họ, có những thầy đã ở tuổi 100, như thầy Thẩm Trọng Tảo, nay vẫn minh mẫn đến gặp gỡ và chuyện trò với những sinh viên thời còn học tại trường. Các thầy cô đã ở tuổi gần 100 như thầy Bửu Triều, cô Trần Thị Ân, thầy Vũ Triệu An, thầy Đỗ Doãn Đại... vẫn là những người thầy giáo vô cùng kính trọng của những người học trò cũ, các thầy là những tấm gương sáng về y đức và chuyên môn cho họ noi theo trong suốt 50 năm qua.

Một khóa sinh viên bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau từ 18 đến 30, 40 với nhiều thế hệ: học sinh phổ thông (hệ10/10) ở tất cả mọi vùng của miền Bắc đến các anh chị là cán bộ học tại Trường bổ túc Công nông Trung ương, từ các đơn vị quân đội đến các bạn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tại các trường HSMN ở Hải Phòng, Hà Đông, Thanh Hóa...

Một khóa sinh viên mà có số lượng đảng viên tới trên 50% và số nữ cũng xấp xỉ 50%.

Đây cũng là khóa bác sĩ đầu tiên được nhà trường áp dụng chương trình học từ 6 năm xuống còn 4 năm để kịp có những bác sĩ ra trường phục vụ cuộc cách mạng giải phóng đất nước đang trong thời kỳ nhạy cảm nhất, đặc biệt là cung cấp cho các chiến trường B, C, K. Do đó mà sau 4 năm học tại trường, đã có hàng trăm bạn được đào tạo đặc biệt về chuyên môn để chi viện cho 3 chiến trường. Đã có nhiều đôi bạn trẻ đang thời đẹp nhất của tình yêu, họ cùng nhau sánh vai nhau vui bước trên đường vào Nam như các đôi: Trịnh Bình - Nguyễn Thị Phương Dung, Trần Văn Lương - Nguyễn Yến Nguyệt, Nguyễn Nhật Hùng - Nguyễn Thị Nga, Đỗ Hữu Sáng - Nguyễn Thị Hương...

Khóa bác sĩ 1961-1966 cũng là khóa bác sĩ duy nhất có số lượng lớn các bạn - gần 100 người xung phong gia nhập quân đội.Tấm gương bạn gái Nguyễn Thị Kim Anh vì không đủ sức khỏe để đi bộ đội đã tự cắt tay mình lấy máu viết quyết tâm thư gửi Bí thư Đảng ủy xin cho kỳ được vào quân đội. Hôm nay, từ những bác sĩ quân y ngày ấy, nay đã là những Thượng tá, Đại tá bác sĩ và có bạn nhận tới quân hàm Trung tướng. Họ là những Viện trưởng, Viện phó các viện quân y, là những thầy thuốc quân y dày dạn kinh nghiệm trong chuyên môn và lãnh đạo đơn vị. Một khóa đã có hàng chục bạn là những chuyên gia giỏi về y học ở một số nước như Algerie, Congo, Angola, Lào, Campuchia.

Khóa bác sĩ 1961-1966 cũng là khóa được Trường đại học Y Hà Nội tiếp nhận về công tác tại trường đông chưa từng có (gần 70 người) để làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại 42 bộ môn, đơn vị của trường. Tới hôm nay trong số các bạn đó đã có trên 30 bạn trở thành giáo sư, phó giáo sư của trường, nhiều bạn đã trưởng thành, là Viện trưởng, Chủ tịch hay Tổng Thư ký các hội chuyên ngành như Nguyễn Xuân Nghiên, Phạm Khánh Hòa, Chu Mạnh Khoa, Trần Khắc Lộng, Phạm Gia Khánh, Phạm Xuân Ngọc, Ngô Thu Thoa...

Đã có gần 40 bạn được Nhà nước vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân và Thầy thuốc Ưu tú.

Một khóa bác sĩ đã có những bạn vinh dự được phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho những đồng chí cán bộ cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước như bạn Lê Hồng Quang trực tiếp phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Nguyễn Văn Linh trong những năm đồng chí ở chiến trường miền Nam, bạn Phạm Quang Y trực tiếp phục vụ đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, các bạn Đào Ngọc Tầng, Hồ Ngọc Kê trực tiếp phục vụ sức khỏe cho các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thời đó.

Đây cũng là khóa bác sĩ có 4 bạn được bầu là Đại biểu Quốc hội các khóa 8, 9.

Một thời sinh viên y khoa đầy vui tươi và hoài bão. Một thời vàng son của khóa bác sĩ 1961-1966. Một thế hệ bác sĩ đã mang lại nhiều niềm vui và tự hào cho mái trường Đại học Y Hà Nội hôm nay và mai sau.

Trường đại học Y Hà Nội, nơi họ đã có một khoảng thời gian 6 năm học tập và từ đây họ lên đường tỏa đi khắp 4 phương trời phục vụ. Nay nhiệm vụ được nhà trường trao cho họ cách đây nửa thế kỷ, họ đã hoàn thành và đã mang lại cho nhà trường những điều tốt lành, những niềm vui và tự hào. Họ đã làm trọn nghĩa vụ của một người thầy thuốc chân chính được đào tạo tại Trường đại học Y Hà Nội.

Họ vẫn không bao giờ quên công ơn dạy dỗ của các bậc tiền bối trong ngành y học Việt Nam đã giảng dạy và dìu dắt họ trên con đường làm một người thầy thuốc chân chính vừa có đạo đức tốt vừa có chuyên môn giỏi như các cố giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng, Đặng Vũ Hỷ, Trần Hữu Tước, Hoàng Tích Mịnh, Hoàng Sử, Trịnh Ngọc Phan, Phạm Khắc Quảng, Chu Tường, Nguyễn Xuân Nguyên, Đỗ Xuân Hợp, Vũ công Hòe, Trương Cam Cống, Nguyễn Trinh Cơ...

Trường đại học Y Hà Nội hôm nay đã cao hơn và đẹp hơn, đã khang trang hơn và cũng rất nhiều tiềm năng và triển vọng cho nền y học Việt Nam hiện đại. Bác sĩ khóa 1961-1966 dành trọn niềm tin của một khóa Bác sĩ Anh hùng, phải nói là rất xứng đáng khóa Bác sĩ Anh hùng, xin gửi lại Trường đại học Y Hà Nội anh hùng niềm vinh quang đó.


Trưởng ban liên lạc PGS.TS.NGƯT. Trần Văn Dần
Ý kiến của bạn