“Chàng” Bossa Nova 50 tuổi

18-10-2009 09:08 | Quốc tế
google news

Năm 1958, cách nay nửa thế kỷ, một đĩa nhạc mang tên Chega de Saudade, tạm dịch là Hoài niệm đã qua rồi, xuất hiện tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Ca sĩ là João Gilberto, người soạn nhạc là Antônio Carlos Jobim, người đặt lời là thi sĩ Vinícius de Moraes.

Năm 1958, cách nay nửa thế kỷ, một đĩa nhạc mang tên Chega de Saudade, tạm dịch là Hoài niệm đã qua rồi, xuất hiện tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Ca sĩ là João Gilberto, người soạn nhạc là Antônio Carlos Jobim, người đặt lời là thi sĩ Vinícius de Moraes.

Đĩa nhạc này kể từ khi đến với thính giả Rio de Janeiro ngày 10/7/1958, đã cách mạng hóa nền âm nhạc bình dân của Brazil và mở đầu cho một dòng nhạc mới, được mệnh danh là Bossa Nova. Được biến tấu từ nhịp điệu Samba, Bossa Nova độc đáo và thắm thiết, dịu dàng như chưa hề thấy trong âm nhạc Brazil. Ở đây không còn dàn trống sôi bỏng của Samba, tiết tấu của Bossa Nova cũng chậm lại. Lối trình diễn của ca sĩ thì nhẹ nhàng, thoáng buồn, như kể chuyện một cách tự nhiên, với giọng hát không luyến láy, không vibrato. Đặc biệt hơn cả trong Chega de Saudade là chiếc đàn ghita, với nhịp đập lệch (tiếng Pháp gọi là syncope). Bộ ba João Gilberto, Antônio Carlos Jobim, Vinícius de Moraes sáng tác hầu hết các giai phẩm nổi tiếng ngày nay của Bossa Nova, mà mọi người đều biết như bài Cô gái Ipanema. Năm 1959, bộ phim Orfeu negro của đạo diễn Pháp Marcel Camus được dàn dựng với những bài hát do Jobim và Vinícius đồng sáng tác, đã giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, qua đó, bộ phim Pháp này đã giới thiệu với thế giới Bossa Nova của Brazil. Nhưng đánh dấu cho sự kiện Bossa Nova bùng nổ như trào lưu mới lạ nhất được thính giả quốc tế phát hiện và hoan nghênh, đó là đĩa nhạc mà nghệ sĩ Mỹ chơi kèn saxo Stan Getz cùng hoàn thành năm 1963 với João Gilberto. Từ đó trở đi, Bossa Nova chiếm lĩnh tất cả các đài phát thanh, các phòng trà và hộp đêm. 50 năm sau khi ra đời, tác phẩm Cô gái Ipanema đứng thứ nhì danh sách các bài ca thu về nhiều tiền bản quyền nhất trên thế giới.

Bossa Nova được biến tấu từ nhịp điệu Samba.

Tinh thần Bossa Nova đã được người phát minh của nó là Jobim định nghĩa như cuộc gặp gỡ thú vị giữa Samba và Jazz. Những nhà soạn nhạc cho Bossa Nova chú ý đặc biệt đến những lời ca, ngôn từ được lựa chọn không những ý nghĩa mà còn đậm chất thi ca. Các sáng tác của Vinícius vừa trầm buồn, vừa ngọt ngào, không bao giờ phô trương, khiên cưỡng. Chủ đề các bài ca xoay quanh cuộc sống thường nhật, tình yêu, vẻ đẹp giai nhân, đặc biệt là thiên nhiên trù phú và biển cả mênh mông. Bởi vậy, Bossa Nova được xem là biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro. Chẳng vậy mà rất nhiều tựa đề các tác phẩm Bossa Nova nhắc đến các khu phố, mô tả các nhân vật của Rio de Janeiro. Đó là trường hợp của Cô gái Ipanema hay Corcovado. Mặt khác, từ những năm 60 trở đi, Bossa Nova được đồng hóa với sức sống mãnh liệt của Brazil, nhãn hiệu hiện đại nhất của đất nước này. Không phải là sự trùng hợp mà do lẽ nhân quả, Bossa Nova đột phá vào nền âm nhạc năm 1958. Trăm hoa của nghệ thuật Bossa Nova đã đua nở đúng vào thời kỳ lịch sử - nền dân chủ được vãn hồi tại Brazil, chế độ độc tài sụp đổ vào năm 1955. Tổng thống Kubitschek của Brazil, người nắm quyền trong những năm tháng Bossa Nova ra đời, nuôi tham vọng lớn cho quốc gia này. Ông thực hiện dự án xây thủ đô mới là Brasilia. Ông chủ trương hiện đại hóa đất nước trong mọi lĩnh vực.

Trong vòng 10 năm sau khi chế độ độc tài tiêu tan, Brazil mở rộng cửa đối với thế giới và kịp thời nhận thức được sức mạnh to lớn của mình về văn hóa, thể thao, xã hội cũng như về chính trị. Trong bối cảnh này, không phải ngẫu nhiên mà Bossa Nova trỗi dậy rất nhanh, thổi một luồng sinh khí mới vào âm nhạc quốc gia và cả vào sân khấu quốc tế. Ảnh hưởng của trào lưu này trên các nghệ sĩ và dòng nhạc quốc tế rất đáng kể. Tạp chí Down Beat xác định trong vòng 40 năm qua, không ai để lại dấu ấn đậm nét trong âm nhạc Mỹ như João Gilberto. Kể từ năm 1963, khi Stan Getz tung lên sân khấu Cô gái Ipanema, thì Bossa Nova thu hút giới nghệ sĩ Jazz cũng như các ca sĩ, từ Dizzy Gillespie, Miles Davis, Quincy Jones cho đến Peggy Lee, Frank Sinatra, Ella Fitzgerald và gần đây, nhạc sĩ người Nhật Bản Ryuichi Sakamoto, tất cả đều xem Bossa Nova như vận hội mới cho nền ca nhạc thế giới.

 Ở Pháp cũng vậy. Nhiều thế hệ nhạc sĩ tìm về ngọn nguồn Bossa Nova như thể để thanh tân hóa cảm hứng của mình. Henri Salvador, Claude Nougaro, George Moustaki, Bernard Lavilliers, các ca sĩ này được khán giả xem như là các sứ thần của Bossa Nova trên đất Pháp. Jeanne Moreau, Nana Mouskouri, Joe Dassin, Francoise Hardy cũng thi nhau trình diễn nhiều tác phẩm Bossa Nova. Nhưng thủy tổ Bossa Nova tại Pháp, phải kể đến Pierre Barouh. Năm 1959, trong một chuyến ngao du thiên hạ, tình cờ Pierre Barouh làm quen với đĩa nhạc Chega de Saudade vừa được phát hành năm trước. Bị chấn động bởi nhịp đập Bossa Nova, nghệ sĩ trẻ này quyết định sang Brazil. Kết quả công cuộc săn tìm âm thanh mới mẻ được cụ thể hóa 7 năm sau đó, dưới tựa đề Samba Sarava. Điệu nhạc này, ngày nay ở Pháp ai cũng còn nhớ, nhưng mọi người chỉ biết mang máng đó là nhạc trong phim Un homme et une femme - Câu chuyện một người đàn ông và một người đàn bà của Claude Lelouche.           

Lưu Hà


Ý kiến của bạn