Chân voi: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa

17-11-2024 06:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh chân voi khiến cơ thể bị rối loạn bạch cầu và làm chân, tay sưng lên ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, đi lại của người bệnh.

Bệnh chân voi (hay còn gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết) là một bệnh lý do nhiễm ký sinh trùng từ muỗi lây truyền sang người. Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công nhận Việt Nam loại trừ bệnh chân voi. Tuy nhiên Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển có rất nhiều yếu tố thuận lợi để bệnh phù chân voi tái xuất hiện. Vì vậy việc nâng cao nhận thức cho người dân là hết sức cần thiết.

1. Nguyên nhân gây bệnh chân voi

Giun chỉ bạch huyết phát triển trên 2 vật chủ: vật chủ chính là người và vật chủ phụ là muỗi.

Khi muỗi nhiễm ấu trùng và đốt người, ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể. Ấu trùng đi đến hệ bạch huyết và phát triển thành con trưởng thành rồi lớn thành giun. Khi giun phát triển đến giai đoạn trưởng thành và sinh sống trong hệ mạch bạch huyết của cơ thể sẽ tác động đến hệ miễn dịch và gây ra nhiễm trùng.

Giun trưởng thành cũng sẽ sinh ra ấu trùng. Sau khi hút máu người bệnh, ấu trùng giun chỉ ký sinh ở bên trong muỗi và mất khoảng 12 - 14 ngày để phát triển thành ấu trùng trưởng thành. Muỗi mang ấu trùng có thể lây bệnh cho người lành thông qua vết muỗi đốt.

Thông thường, ấu trùng tồn tại khoảng 10 tuần sẽ chết nếu không vào được cơ thể muỗi hoặc người. Còn với giun trưởng thành thì có thể tồn tại đến 10 năm trong cơ thể người.

Chân voi: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

BS. Nguyễn Ngọc Chìu (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8)

2. Triệu chứng bệnh chân voi

Ban đầu, việc chẩn đoán giun chỉ thường khá khó khăn vì không có dấu hiệu rõ ràng. Trong quá trình phát triển, bệnh chân voi có thể gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan trong cơ thể khiến hệ thống mô sưng phồng. Hai vị trí thường gặp nhất khi hệ thống mô bị sưng phồng là chân (phù chân voi) và bìu ở nam giới.

Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh có thể gặp một số biểu hiện như:

  • Đau đầu
  • Sốt cao đột ngột
  • Mệt mỏi toàn thân
  • Sụt cân
  • Tình trạng viêm mạch bạch huyết có thể khiến viêm đỏ, các mạch ở thượng nguồn bị dị dạng, da nhăn nheo giống da voi và phù chân voi. Ở nam giới có thể gặp tình trạng bộ phận sinh dục viêm, phù từ đó gây viêm tinh hoàn, viêm thừng tinh…
  • Đái dưỡng chấp (xuất hiện dưỡng chấp trong nước tiểu do sự rò rỉ từ hệ bạch mạch vào đường tiết niệu).

Để chẩn đoán bệnh chân voi, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm ra ấu trùng. Phương pháp Real-time PCR tìm DNA giun chỉ có thể được áp dụng để chẩn đoán tuy nhiên ít dùng do tốn kém và đòi hỏi trang thiết bị hiện đại.

Chân voi: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Người bệnh cần được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công và ngăn ngừa biến chứng sẽ cao hơn.

3. Bệnh chân voi có lây không?

Giun chỉ bạch huyết là một ký sinh trùng có ở khu vực nóng ẩm như Việt Nam. Loại ký sinh trùng này có thể lây từ người này sang người khác thông qua vết muỗi đốt và phát triển thành giun. Ký sinh trùng giun chỉ bạch huyết có thể sống trong cơ thể cả đời nhưng không gây ra triệu chứng gì và làm tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh cho những người lành.

4. Phòng ngừa bệnh chân voi

Bệnh chân voi do ký sinh trùng từ muỗi lây truyền sang người. Do vậy, để phòng ngừa bệnh chân voi mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Truyền thông, giáo dục sức khỏe về nguồn lây, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh.
  • Vệ sinh môi trường sống, diệt bọ gậy, loăng quăng, không để các vùng ao tù nước đọng làm tăng sự sinh sản của muỗi.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngủ màn, bôi thuốc chống muỗi đốt.
  • Tẩm màn với dung dịch diệt muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ.
  • Khi phát hiện có người nhiễm bệnh cần cách ly và điều trị kịp thời.
  • Thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống bệnh chân voi bằng uống Diethylcarbamazine 1 tháng 1 đợt 3 ngày, mỗi ngày 6mg/kg điều trị cho mọi người lớn hơn 6 tuổi trong vài năm.
Chân voi: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Biến chứng của bệnh chân voi gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và mất thẩm mỹ.

5. Điều trị bệnh chân voi

Bệnh chân voi khiến cơ thể bị rối loạn bạch cầu và làm chân, tay sưng lên ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, đi lại của người bệnh. Ngoài việc gây đau đớn, khuyết tật cho người bệnh, bệnh chân voi còn gây ra những ảnh hưởng về cộng đồng khiến người bệnh mặc cảm vì bị nhiều người xa lánh.

Thông thường, để điều trị bệnh chân voi các bác sĩ sẽ lựa chọn nội khoa. Thuốc được dùng để diệt ấu trùng và giun trưởng thành. Bên cạnh đó sẽ kết hợp thêm các loại thuốc ngăn ngừa sự sinh sản của giun. Một số loại thuốc thường được dùng trong điều trị giun chỉ bạch huyết là: Diethylcarbamazine (DEC), Albendazole… Với những trường hợp bệnh tiến triển nặng thì có thể cần thêm các phương pháp vật lý trị liệu, phẫu thuật để giúp lưu thông bạch huyết.

Những điều cần biết về bệnh chân voiNhững điều cần biết về bệnh chân voi

SKĐS - Bệnh chân voi (hay còn gọi là bệnh giun chỉ bạch huyết) là căn bệnh làm suy yếu hệ thống bạch huyết dẫn đến tình trạng phì đại bất thường các bộ phận cơ thể, gây đau đớn, tàn tật nghiêm trọng và kỳ thị xã hội.


BS. Nguyễn Ngọc Chìu
Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8
Ý kiến của bạn