Chấn thương sọ não (CTSN) là loại tai nạn phổ biến ở mọi quốc gia, thường xảy ra ở những nước công nghiệp, nhất là các nước đang phát triển do sự gia tăng mật độ dân số, đô thị hóa nhanh với phương tiện giao thông có tốc độ cao lại cơ động trên mạng lưới đường sá, cầu cống chật hẹp, kém chất lượng, trong đó điều quan trọng là do trình độ và ý thức tự giác của con người.
CTSN được phân chia như thế nào?
CTSN do nhiều nguyên nhân: do tai nạn lao động, công nghiệp, tai nạn sinh hoạt nhưng phần lớn là tai nạn giao thông. Ở Nhật Bản, người ta đã mổ tử thi 13.666 trường hợp tai nạn giao thông, nhận thấy CTSN chiếm 74,3%. Người ta quan niệm, CTSN là loại chấn thương tác động mạnh mẽ quá mức bù chỉnh của não, gây rối loạn hàng loạt chức năng hoặc tổn thương thực thể ở não. Để đánh giá mức độ tổn thương sọ não, có hai loại được xác định là CTSN hở và CTSN kín.
CTSN kín bao gồm tất cả các CTSN có tổn thương sọ não nhưng chưa gây rách màng cứng (màng bao bọc não), chưa gây thông não bộ với môi trường bên ngoài. Tổn thương hộp sọ có thể lún sọ, rạn vỡ sọ. Tổn thương não gồm chấn động não, giập não, chèn ép não do máu tụ, phù não, lún sọ, tràn khí...
CTSN hở bao gồm tất cả các CTSN gây rách màng cứng, khai thông não bộ với bên ngoài. Loại này gây nguy cơ nhiễm khuẩn não cao.
Ngoài ra còn nhiều cách phân loại khác như theo bản chất tổn thương não, vị trí tổn thương não...
Ổ máu tụ trong não trên phim chụp cắt lớp vi tính. |
Những tổn thương xảy ra ngay sau CTSN
Tụ máu nội sọ: đây là tổn thương quan trọng bậc nhất do nhiều điểm hoại tử não họp thành hoặc do đứt rách những động mạch lớn do chấn thương quá mạnh. Các khối máu tụ này có thể khu trú ở nhiều vùng của não. Tùy theo mức độ tổn thương, máu tụ có thể tập trung ở trên lều tiểu não gồm máu tụ dưới màng cứng, trong não, trong não thất. Đặc biệt là ở não thất 4 có một núm nhỏ gọi là “nút sống Florens” có chức năng điều hòa hô hấp và tuần hoàn cơ thể. Chấn động mạnh vào nút sống này là hô hấp và tuần hoàn bị đình chỉ ngay lập tức. Ngoài ra, tụ máu não còn có thể xảy ra ở dưới lều tiểu não, còn gọi là máu tụ hố sọ sau gây chèn ép lớn tiểu não và hành tủy, gây tắc đường lưu thông dịch não - tủy, đe dọa sự sống của nạn nhân.
Phù não: đây là loại biến chứng phổ biến nhất và nguy hại nhất, đe dọa tính mạng nạn nhân. Có 2 loại phù não: phù não do căn nguyên mạch và phù não do nhiễm độc tế bào. Trong phù não do căn nguyên mạch, do tế bào nội mạc các mạch máu bị tổn thương, ảnh hưởng tới quá trình siêu lọc của huyết tương, nước thoát khỏi lòng mạch, tràn vào khoang gian bào, dẫn đến phù tế bào. Đối với phù não do nhiễm độc tế bào, nước bị tích lại trong lòng tế bào gây tổn thương màng tế bào. Ngoài ra còn do thiếu ôxy, nhiễm độc nội sinh do các ổ hoại tử não gây nên.
Thoát vị não: Phù não chèn ép quá mạnh gây nên tình trạng một phần của não bị đẩy ra, chui vào các khoang, khe, lố hở, đặc biệt nguy hiểm nhất là thể thoát vị não tại lỗ lớn của xương chẩm. Loại thoát vị này có biểu hiện qua cơn gồm mất não: cơn tăng trương lực cơ toàn thần ở tư thế duỗi hoặc cơn cơ cứng mất vỏ não, bệnh nhân nằm ngửa, hai tay co cứng. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ: có 3 triệu chứng chủ yếu: đau đầu, nôn mửa và phù đĩa thị. Người bệnh cảm giác đau đầu bóp theo nhịp mạch đập, đau như nổ tung đầu. Đau đầu với cường độ ngày càng tăng lên làm bệnh nhân kêu rên, la hét. Ngoài ra người bệnh còn có cảm giác từ buồn nôn tới nôn thốc tháo vọt thành tia ra thức ăn nhưng không phải do đau dạ dày mà do tăng áp nội sọi chèn ép vào các nhân dây thần kinh sọ não. Phù gai thị ở những bệnh nhân này được phát hiện qua soi đáy mắt, có thể nhận thấy mới đầu là mờ bờ gai thị giác sau dẫn tới cương tụ tĩnh mạch. Nếu phù não toàn bộ kéo dài có thể xuất hiện xuất huyết võng mạch và mất dần thị lực.
Thiếu máu não: Tại vùng thiếu máu sẽ phát sinh những ổ thiếu máu, kể cả trong trường hợp thiếu máu não không do chấn thương như thiếu máu não tạm thời hoặc vĩnh viễn, nhồi máu não. Thiếu máu não sẽ hình thành 3 vùng: vùng não hoại tử, vùng bán ảnh và vùng não nguyên lành, đây là vùng có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiều khả năng nhận và chuyển tiếp máu “ứng cứu” cho tế bào não tại vùng bán - ảnh.
CTSN kín gây hậu quả gì?
Sau CTSN kín vẫn có thể xảy ra chảy máu não với những ổ máu tụ nhỏ và vừa, rải rác ở nhiều vùng của não. Diễn biến bệnh lặng lẽ nhưng vẫn có thể phát sinh biến chứng không kém nguy hiểm nên phải theo dõi chặt chẽ. Sau chấn thương, bệnh nhân tỉnh táo, không có rối loạn ý thức, nhưng sau một thời gian ngắn lại đi vào hôn mê. Người ta gọi đây là “khoảng tỉnh” chứng tỏ chảy máu não lại tái phát hoặc xuất phát từ những ổ đụng giập não. Trường hợp CTSN, loại nhẹ nhất gọi là “chấn động não”. Nạn nhân không mất ý thức, không có “khoảng tỉnh” nhưng không phải là hết hậu quả đáng lo ngại. Bởi sau đó, những di chứng có thể tiếp diễn, mức độ tùy thuộc vào độ nặng, nhẹ của CTSN sau một thời gian tạm ổn định. Những di chứng có thể gặp là đau đầu, động kinh có ổ khu trú, bệnh lý cột sống cổ, giảm hoặc mất trí nhớ...
Làm gì khi gặp một trường hợp tai nạn có CTSN?
Có thể nói CTSN là một tai họa lớn của nạn nhân và gia đình. Ngay sau khi bị CTSN họ phải được cấp cứu kịp thời, “cướp thời gian” chuyển nạn nhân về cơ sở y tế gần nhất để xử trí ban đầu, sau đó sẽ đưa đến chuyên khoa phẫu thuật thần kinh. Trong thời gian nằm viện, nạn nhân phải chịu đựng đau đớn tới mức thảm hại, cần sự chăm sóc của người thân và chi phí tốn kém cho điều trị. Để hạn chế tối đa mức độ tàn phế do di chứng tồn tại, bệnh nhân phải trải qua một quá trình phục hồi chức năng lâu dài nữa. Do đó, mỗi người phải thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thực hiện an toàn lao động để tránh biến chứng nặng nề của CTSN.
PGS. Vũ Quang Bích