Chấn thương sọ não chiếm tỷ lệ cao trong cấp cứu chấn thương nhất là chấn thương do tai nạn giao thông. Chấn thương sọ não thường đi kèm với các tổn thương khác do vậy việc khám toàn diện cho bệnh nhân chấn thương sọ não rất cần thiết.
1. Nguyên nhân gây chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não được định nghĩa là tình trạng đầu bị sang chấn gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong của hộp sọ. Chấn thương sọ não là nguyên nhân gây ra tử vong cao cũng như để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não như:
- Tai nạn giao thông
- Tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày
- Hoạt động thể thao …
Có 2 cơ chế chấn thương sọ não thường được quan tâm bao gồm:
- Đầu đứng yên: Tại thời điểm chấn thương đầu không di động mà bị các tác nhân gây chấn thương chuyển động va đập vào (thường là các vật cứng). Ví dụ như khi bị ném đá, đập bằng gậy, gạch rơi vào đầu....Với cơ chế này tổn thương thường nằm ngay bên dưới vị trí bị va đập vào.
- Đầu chuyển động: Cơ chế này hay gặp trong tai nạn giao thông, ngã cao... Trong trường hợp này tại thời điểm chấn thương đầu đang di động với tốc độ cao và dừng lại đột ngột khi va đập vào nền cứng. Việc tăng tốc và giảm tốc đột ngột của đầu làm cho não trong hộp sọ bị trượt trên các gờ xương do quán tính chuyển động đồng thời xoay, xoắn vặn, giằng xé dẫn đến tổn thương nhu mô não thường nặng nề và phức tạp. Chấn thương sọ não khi đầu chuyển động hay gặp cả tổn thương đối bên với bên va đập. Ví dụ khi đầu bị va đập bên phải có thể gây vỡ xương sọ bên phải ngay dưới chỗ va đập, còn bên trái có thể sẽ có não dập hoặc máu tụ dưới màng cứng.
Tác nhân cơ học được coi là yếu tố "khởi động" cho các quá trình bệnh lý ở não xảy ra. Và để xảy ra chấn thương sọ não cần phải có một lực chấn thương vào đầu đủ mạnh.
Dựa trên cơ chế bệnh sinh, có hai nhóm tổn thương trong chấn thương sọ não:
- Tổn thương tiên phát: tổn thương gây ra trong lúc chấn thương như dập não, máu tụ, vỡ xương...
- Tổn thương thứ phát: là tổn thương được hình thành trên cở sở tổn thương não tiên phát do hậu quả của rối loạn vận mạch, rối loạn thần kinh dịch thể... dẫn tới phù não, thiếu máu não, tăng áp lực nội sọ. Hậu quả của tăng áp lực nội sọ dẫn tới tụt kẹt não. Tổn thương não tiên phát và thứ phát làm cho tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn.
2. Dấu hiệu chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não được phân loại dựa theo mức độ nghiêm trọng, đặc điểm giải phẫu của tổn thương, cơ chế chấn thương.
2.1 Các mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não có thể được phân chia thành các mức độ: Nhẹ, trung bình, nặng
Thang điểm đánh giá tri giác Glasgow coma scale (GCS) được sử dụng phổ biến nhất để phân loại mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não. Thang điểm dựa trên mức độ phản ứng của vận động, lời nói và mở mắt của bệnh nhân với các kích thích để đánh giá tri giác. Cách chấm điểm như sau:
1. Mắt
- Mở mắt tự nhiên (4 điểm)
- Mở mắt khi ra lệnh (3 điểm)
- Mở mắt khi gây đau (2 điểm)
- Không mở mắt (1 điểm)
2. Lời nói
- Trả lời đúng nhanh (5 điểm)
- Trả lời lẫn lộn (4 điểm)
- Trả lời không phù hợp (3 điểm)
- Ú ớ hoặc kêu rên (2 điểm)
- Không trả lời (1 điểm)
3. Vận động
- Làm theo lệnh (6 điểm)
- Gạt đúng khi kích thích đau (5 điểm)
- Cựa khi kích thích đau (4 điểm)
- Gấp cứng khi kích thích đau (3 điểm)
- Duỗi cứng khi gây đau (2 điểm)
- Không đáp ứng khi kích thích đau (1 điểm)
Tổng điểm của 3 tiêu chí ở mức đáp ứng cao nhất chính là điểm Glasgow của bệnh nhân. Điểm GCS thấp nhất là 3 điểm, cao nhất là 15 điểm. Căn cứ theo điểm GCS ta có thể phân ra:
- Chấn thương sọ não nhẹ: GCS rơi vào khoảng 13-15 điểm.
- Chấn thương sọ trung bình: có GCS rơi vào khoảng 9-12 điểm.
- Chấn thương sọ nặng: có GCS ≤ 8 điểm (bệnh nhân hôn mê)
2.2 Các loại tổn thương giải phẫu trong chấn thương sọ não
- Chấn động não: Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn hoạt động chức năng của não nhưng không phát hiện tổn thương trên phim chụp cắt lớp vi tính.
- Vỡ xương sọ: Bệnh nhân có thể có vỡ xương sọ ở các mức độ khác nhau và thường kèm theo có giập não, máu tụ nội sọ...Cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân có tổn thương nhu mô não nặng mà không có vỡ xương sọ.
- Dập não: thường gặp ở nền sọ nơi tiếp xúc với gờ xương, hay gặp nhất ở cực trán và cực thái dương.
- Máu tụ nội sọ: có thể gặp máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, chảy máu khoang dưới nhện hay xuất huyết nhu mô não.
2.3. Triệu chứng lâm sàng của chấn thương sọ não
- Bất tỉnh ngắn ngay tại thời điểm chấn thương, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, quên ngược chiều (không nhớ sự việc xảy ra xung quanh thời điểm chấn thương) là những triệu chứng lâm sàng gặp ở hầu hết bệnh nhân chấn thương sọ não.
- Rối loạn tri giác: Bệnh nhân có rối loạn tri giác ở các mức độ khác nhau và thường được đánh giá theo thang điểm GCS. Cần chú ý đến hiện tượng khoảng tỉnh tức là ngay sau tai nạn bệnh nhân bất tỉnh, sau đó tỉnh lại và sau một quãng thời gian lại mê đi. Khoảng tỉnh càng ngắn thì tiên lượng càng xấu, và càng dài thì tiên lượng càng tốt. Nhiều khi khoảng tỉnh khiến bệnh nhân và người nhà chủ quan không đưa bệnh nhân đi bệnh viện và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
- Liệt thần kinh khu trú: Liệt nửa người đối bên với bên tổn thương từ từ tăng dần. Giãn đồng tử cùng bên với bên bị tổn thương từ từ tăng dần.
- Ngoài ra bệnh nhân có thể có các triệu chứng như kích động, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, cơn co cứng, co giật...các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ và rối loạn thần kinh thực vật như mạch chậm, huyết áp tăng, phù gai thị...
3. Chấn thương sọ não có lây không?
Chấn thương sọ não không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não là bệnh lý gây tử vong cao, chỉ đứng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư. Để phòng ngừa chấn thương sọ não, những người có nguy cơ cao cần thực hiện những biện pháp sau:
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng và cải thiện sự cân bằng.
- Khi tham gia giao thông cần phải đội mũ bảo hiểm đúng cách và lựa chọn mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng.
- Khi lái ô tô cần thắt dây an toàn và điều chỉnh ghế lái đúng cách.
- Có thiết bị bảo vệ phù hợp khi tham gia các môn thể thao hoặc hoạt động giải trí như: leo núi, đi xe đạp, các môn thể thao mạo hiểm…
- Tuân thủ đúng quy định và không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
- Nếu trong gia đình có người cao tuổi hoặc người khó khăn về đi lại cần lưu ý loại bỏ nền nhà trơn trượt, các vật liệu nguy hiểm dễ gây té ngã, nên lắp các thanh vịn tiện cho việc đi lại.
5. Điều trị chấn thương sọ não
Các tổn thương nặng của chấn thương sọ não thường diễn tiến sau vài giờ hoặc vài ngày. Do vậy bác sĩ cần theo dõi và phân loại mức độ tổn thương để phát hiện kịp thời, điều trị đúng lúc sẽ giúp hạn chế các biến chứng cũng như nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ sẽ theo dõi và phân loại theo mức độ từ nhẹ - trung bình – nặng để có những phương án điều trị khác nhau. Một số phương pháp trong điều trị người bệnh chấn thương sọ não là:
Điều trị nội khoa chấn thương sọ não: Mục tiêu của điều trị nội khoa là ngăn ngừa tổn thương tiến triển nặng hơn, phục hồi chức năng thần kinh và phòng ngừa di chứng. Nguyên tắc:
- Bất động: thường 5-7 ngày hoặc đến khi đỡ đau đầu, chóng mặt và buồn nôn thì cho tập ngồi dậy dần.
- Đảm bảo thông khí: Nằm đầu cao 30 độ, làm sạch đờm dãi đảm bảo thông thoáng đường thở, thở ô xy nếu cần.
- Ổn định huyết động, đảm bảo áp lực tưới máu não.
- Chống phù não tích cực.
- Sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng và các thuốc giúp phục hồi tế bào thần kinh.
Điều trị phẫu thuật trong các trường hợp: Vỡ lún xương sọ, máu tụ nội sọ lớn, vết thương sọ não...
Nuôi dưỡng bệnh nhân chấn thương sọ não: Với người bệnh chấn thương sọ não mức độ nặng trong 2 tuần đầu nhu cầu năng lượng sẽ tăng. Nếu thiếu nuôi dưỡng ở tuần đầu có thể làm tăng tỷ lệ tử vong.
Điều trị phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não: Đóng vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân tái hòa nhập xã hội cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt ở những bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Việc điều trị phục hồi chức năng này đòi hỏi nỗ lực rất nhiều trước hết từ phía bản thân bệnh nhân và gia đình, cần có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa.