Chấn thương mắt là một cấp cứu, nếu là trẻ nhỏ thì phát hiện khi bé kêu khóc khó chịu hoặc đau nhức. Mắt có thể bị đỏ, trẻ nhỏ phải nhắm nghiền mắt, không mở ra được. Ngoài ra, chấn thương mắt thường có các biểu hiện: Đau bên trong hay xung quanh mắt, nước mắt chảy giàn giụa. Vì vậy, nếu nghi ngờ bé bị chấn thương mắt, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi không biết rõ nguyên nhân gây chấn thương và băn khoăn về cách xử trí, tốt nhất nên đắp một miếng gạc vô trùng hay tấm khăn sạch lên vùng mắt bị chấn thương và đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt khám ngay.
Nếu là chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị và vết thương sẽ lành sau 48 giờ.
Nói chung, trong những trường hợp nặng, không nên can thiệp nhiều mà nên tới ngay cơ sở y tế. Không bôi thuốc mỡ hay các thuốc khác vào mắt. Những thuốc này có thể không vô trùng và khiến mắt trở nên trơn trượt, gây khó khăn cho việc thăm khám và điều trị.
Bác sĩ Hải Yến
Lời khuyên của thầy thuốc
Hậu quả do chấn thương mắt để lại thường là rất nặng nề, ảnh hưởng cả về mặt chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ như: giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu trên măt. Những trường hợp chấn thương mắt quá nặng gây mù lòa hoặc không giữ được mắt, phải múc bỏ mắt. Chính vì vậy, việc phòng ngừa chấn thương mắt là vô cùng quan trọng.
Đối với trẻ nhỏ cần cẩn thận trông coi, chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Tránh các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả.
Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo… Để các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ. Với sự hiếu động, tinh nghịch của lứa tuổi này, nhất là các em trai, cha mẹ cũng như thầy cô giáo rất cần quan tâm, kịp thời nhắc nhở hướng dẫn trẻ để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với người lớn cần có ý thức đề phòng tai nạn chấn thương mắt cho tất cả mọi người, đặc biệt công nhân, làm nông nhiệp. Khi tiếp xúc hóa chất như phun thuốc trừ sâu, làm việc có hóa chất, thợ hàn, thợ tiện, … cần đeo kính bảo vệ mắt dành cho người lao động, thực hiện tuyệt đối nội quy an toàn lao động.
Sau khi điều trị chấn thương mắt người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tái khám theo hẹn hoặc khi có bất thường: đau nhức mắt, giảm thị lực, đỏ mắt nhiều hơn cần thông báo cho bác sĩ. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất giúp nâng cao sức khỏe, bổ sung các vitamin A, C và E để mau lành vết thương; ăn thức ăn dễ tiêu, trái cây để tránh bị táo bón dẫn đến tăng áp lực ở mắt chấn thương khi đi đại tiện. Do tổn hại thị giác sau chấn thương người bệnh cần cẩn trọng khi di chuyển để tránh vấp ngã, hụt chân, va chạm do nhìn không rõ.