Đây là một bệnh nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thủng giác mạc, viêm nội nhãn và có thể phải bỏ nhãn cầu. Khi bệnh khỏi sẽ để lại sẹo giác mạc làm thị lực của người bệnh bị giảm trầm trọng và có thể dẫn đến mù lòa.
Viêm loét giác mạc là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét giác mạc: do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, phế cầu, lậu cầu, trực khuẩn mủ xanh, Moraxella...), do nấm (Aspergillus Fumigatus, Fusarium Solant, Candida Albicans, Histoblasma...), do virut (Herpes Simplex, Herpes Zoster) hoặc do ký sinh trùng (Acanthamoeba).
Viêm loét giác mạc cũng có thể gặp trong các bệnh toàn thân như lao, giang mai... và các bệnh tự miễn: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, sau dị ứng thuốc (hội chứng Steven Johnson)... Một số bệnh khác tại mắt và toàn thân làm cho giác mạc dễ bị viêm loét như: bệnh khô mắt, bệnh glôcôm, bệnh viêm màng bồ đào, bệnh đái tháo đường...
Khi giác mạc còn nguyên vẹn thì hầu hết các yếu tố gây bệnh không xâm nhập được vào giác mạc. Viêm loét giác mạc thường xuất hiện sau một chấn thương gây tổn hại lớp tế bào biểu mô (lớp tế bào bề mặt của giác mạc). Chấn thương giác mạc có thể từ bên ngoài: chấn thương sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là chấn thương nông nghiệp (do hạt thóc bắn vào mắt hoặc lá lúa quệt vào mắt). Do vậy, trong các mùa gặt, số lượng người bệnh bị viêm loét giác mạc thường tăng lên. Chấn thương giác mạc cũng có thể do bệnh tại mắt (do lông quặm, lông xiêu cọ vào mắt) hoặc do những phương pháp điều trị phản khoa học: đánh mộng mắt bằng búp tre, đắp nhái vào mắt để điều trị...
Khi có dấu hiệu bệnh về mắt, cần đến khám tại cơ sở chuyên nhãn khoa.
Dấu hiệu cảnh báo viêm loét giác mạc
Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh sẽ thấy mắt bị đỏ, đôi khi sưng nề, mắt cộm chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, rất khó mở mắt. Thị lực người bệnh giảm nhiều, trường hợp nặng, mắt chỉ còn cảm nhận được ánh sáng. Khám mắt sẽ thấy: Mi và kết mạc phù nề, trường hợp nặng có thể gây sụp mi mắt. Trên giác mạc có một ổ loét. Tùy nguyên nhân mà ổ loét có đặc điểm khác nhau. Nếu loét giác mạc do vi khuẩn: Ổ loét có ranh giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Nếu loét giác mạc do nấm: Ổ loét ranh giới rõ, bờ gọn, thường có hình tròn hoặc bầu dục, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Nếu loét giác mạc do virut Herpes: Ổ loét có thể có hình cành cây hoặc hình địa đồ. Nếu loét giác mạc do acanthamoeba (amíp): Ổ loét giác mạc thường kèm theo áp-xe giác mạc hình vòng. Giác mạc xung quanh ổ loét bị mờ đi (do thâm nhiễm các tế bào viêm và dịch). Tiền phòng có thể có ngấn mủ.
Những biến chứng nguy hiểm
Loét giác mạc là một bệnh nặng, khó điều trị, nhất là khi bệnh nhân đến khám muộn khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Bệnh viêm loét giác mạc có thể gây nhiều biến chứng.
Tăng nhãn áp là một biến chứng thường gặp, khi đó, áp lực trong mắt tăng cao hơn bình thường, người bệnh đau nhức nhiều, nếu kéo dài có thể làm teo thị thần kinh và người bệnh mù vĩnh viễn.
Loét giác mạc có thể gây viêm nội nhãn, tức là nhiễm trùng lan tỏa ra phần sau nhãn cầu - đây là một biến chứng nặng khó điều trị bảo tồn được nhãn cầu và có thể gây teo nhãn cầu.
Loét giác mạc nếu không được điều trị đúng và kịp thời, ổ loét có thể lan rộng và xuống sâu gây thủng giác mạc, trường hợp nặng có thể phòi tổ chức nội nhãn và phải phẫu thuật để bỏ mắt.
Một biến chứng hiếm gặp là gây nhãn viêm giao cảm cho mắt bên kia làm cho mắt lành cũng bị viêm và nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến mất thị lực.
Với các trường hợp viêm loét giác mạc dù nhẹ khi điều trị khỏi đều để lại sẹo làm mất tính trong suốt của giác mạc, ảnh hưởng đến chức năng quang học của giác mạc và người bệnh bị giảm thị lực; trường hợp nặng, sẹo dày mắt bệnh nhân có thể chỉ còn phân biệt được sáng tối. Khi điều trị khỏi sẽ để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực vĩnh viễn. Trường hợp bệnh nặng, điều trị không hiệu quả có thể phải phẫu thuật bỏ nhãn cầu.
Những điều nên và không nên
Triệu chứng của bệnh viêm loét giác mạc rất giống với những bệnh mắt khác như glôcôm (thiên đầu thống), viêm màng bồ đào, viêm củng mạc... Vì vậy, khi có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm loét giác mạc như đỏ mắt, đau nhức chảy nước mắt, nhìn mờ (nhất là sau chấn thương mắt), người bệnh cần phải đến khám và điều trị tại các cơ sở nhãn khoa.
Khi bị các chấn thương mắt (dù nhẹ), người bệnh cũng nên đến các cơ sở nhãn khoa để khám và điều trị, tránh để muộn có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc. Đặc biệt, khi bị bụi bay vào mắt, người bệnh nên đến cơ sở y tế để lấy, không nên tự lấy hoặc nhờ người khác lấy ra có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, người bệnh cũng không được dụi mắt sẽ làm cho tổn thương nặng thêm.
Người bệnh tuyệt đối không được mua thuốc tại các hiệu thuốc để tự điều trị. Hiện nay, tại các hiệu thuốc có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid được bán tràn lan. Nếu người bệnh bị viêm loét giác mạc mà dùng những thuốc này sẽ làm cho bệnh trở nên trầm trọng và gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, hơn nữa sẽ làm chậm thời gian được điều trị thuốc đặc hiệu làm cho bệnh nặng thêm.
Để phòng viêm loét giác mạc, cần phải điều trị kịp thời những bệnh mắt có thể gây ra viêm loét giác mạc như bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), bỏng mắt...
Mọi người cần có ý thức bảo vệ đôi mắt của mình, khi ra đường hoặc làm việc trong môi trường có nguy cơ bị chấn thương mắt, cần đeo kính bảo hộ. Khi đi trên đường bụi về có thể dùng nước muối sinh lý (loại dùng để nhỏ mắt) để nhỏ rửa sạch mắt. Hạn chế làm việc với máy tính, điện thoại vì có thể làm mắt bị khô và giảm sức đề kháng của mắt với các yếu tố gây bệnh. Mọi người cũng cần có chế độ ăn uống cân bằng, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học, tập luyện để tăng sức đề kháng giúp cơ thể nói chung và con mắt nói riêng có thể đề kháng tốt với các yếu tố gây bệnh.