Lách là bộ phận nằm ở góc ¼ bên trái của bụng có chức năng giúp cơ thể lọc các tế bào máu cũ và chống lại nhiễm trùng.
1. Nguyên nhân gây chấn thương lách
Khi có một lực chấn thương mạnh hoặc các vết thương xuyên thấu đều có thể gây ra tổn thương cho lách. Chấn thương lách thường gặp trong các trường hợp chấn thương bụng kín từ những nguyên nhân do:
- Tai nạn giao thông
- Tai nạn lao động
- Tai nạn sinh hoạt
Ngoài ra một số trường hợp cường lách do bệnh lý có thể làm lách bị chấn thương. Các chấn thương lách gồm có khối máu tụ, vết rách từ nhỏ đến vết rách sâu, tổn thương đụng dập, đứt cuống lách…
Khi lách bị vỡ thường sẽ gây chảy máu trong ổ bụng. Tình trạng chảy máu nặng hay nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chấn thương và độ vỡ nặng hay nhẹ cũng có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được cấp cứu và xử lý kịp thời.
2. Dấu hiệu chấn thương lách
Người bệnh bị chấn thương lách cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Khi bị chấn thương lách, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như:
- Cảm thấy đau ở vị trí lách (bên trái bụng) và mức độ đau phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Cơn đau ban đầu có thể xuất hiện ở vị trí bị tổn thương sau đó lan dần ra khắp bụng và mức độ đau cũng tăng dần.
- Có thể đau vai trái do khi lá lách vỡ sẽ kích thích dây thần kinh.
- Lá lách vỡ gây chảy máu trong bụng khiến người bệnh tụt huyết áp kèm theo các triệu chứng như: choáng váng, nhìn mờ, khó thở, bồn chồn, lo lắng thậm chí ngất xỉu.
Các bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số phương pháp như: Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, siêu âm ổ bụng, chọc dò ổ bụng, chụp MRI… để chẩn đoán chấn thương lá lách ở mức độ nào.
Vỡ lách trong chấn thương bụng kín được chia thành 5 cấp độ theo Hội phẫu thuật chấn thương Mỹ (AAST) như sau:
- Độ I: Tụ máu dưới bao < 10% diện tích bề mặt, rách nhu mô sâu < 1cm, rách bao lách.
- Độ II: Tụ máu dưới bao 10- 50% diện tích bề mặt, tụ máu trong nhu mô < 5cm, rách nhu mô sâu 1-3 cm.
- Độ III: Tụ máu dưới bao > 50% diện tích bề mặt, vỡ dưới bao hoặc tụ máu trong nhu mô > 5cm, rách nhu mô sâu > 3cm.
- Độ IV: Bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu lách hay chảy máu hoạt động được giới hạn trong bao lách, rách nhu mô liên quan đến các nhánh mạch hay rốn lách gây giảm tưới máu > 25%.
- Độ V: Lách vỡ nhiều mảnh hoặc vỡ hoàn toàn. Bất kỳ chấn thương nào có chấn thương mạch máu lách hay chảy máu hoạt động vượt qua giới hạn của lách đến khoang phúc mạc.
3. Phòng ngừa chấn thương lách
Chấn thương lách thường do những tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày, tai nạn giao thông gây nên. Do vậy để phòng ngừa chấn thương lách mọi người cần lưu ý:
- Tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể trạng và cải thiện sự cân bằng.
- Khi lái ô tô cần thắt dây an toàn và điều chỉnh ghế lái đúng cách.
- Có thiết bị bảo vệ phù hợp khi tham gia các môn thể thao hoặc hoạt động giải trí như: leo núi, đi xe đạp, các môn thể thao mạo hiểm… hoặc khi làm việc trong môi trường nặng nhọc cần có thiết bị bảo hộ.
- Tuân thủ đúng quy định và không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
4. Điều trị chấn thương lách
Tùy vào tình trạng chấn thương lách, các bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị phù hợp cho người bệnh. Có những phương án chủ yếu trong điều trị chấn thương lách là:
Điều trị bảo tồn: Với các chấn thương nhẹ, huyết động ổn định người bệnh sẽ được ưu tiên điều trị bảo tồn. Người bệnh sẽ được theo dõi sát sao tại phòng chăm sóc tích cực, theo dõi nhịp tim, huyết áp và chụp CT bụng để đánh giá tiến triển bệnh.
Phẫu thuật: Trong các trường hợp chấn thương lách gây vỡ lách độ IV hoặc V hay các trường hợp gây xuất huyết bụng nghiêm trọng các bác sĩ sẽ phẫu thuật để cắt bỏ lá lách (toàn bộ hoặc một phần). Trước đây người bệnh có thể phải mổ với những đường mổ dài gây nguy cơ nhiễm trùng, đau sau mổ, thời gian mổ kéo dài… thì hiện tại với tiến bộ của khoa học kỹ thuật người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật lách bằng các phương pháp nội soi, can thiệp nội mạch…
Để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh, người bệnh cần có một số lưu ý:
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, tăng/giảm thuốc.
- Tái khám theo lịch hẹn.
- Trong thời gian điều trị nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cần báo cho bác sĩ điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để vận động nhẹ nhàng sau khi phẫu thuật giúp tăng cường lưu thông máu, tăng cường thể trạng. Trong 6 tuần đầu sau khi gặp chấn thương hoặc sau điều trị người bệnh cần hạn chế vận động mạnh tránh nguy cơ tái phát bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.